Người về từ B5 - Đường 9 Quảng Trị (Phần 1)

Khiếu Quang Bảo

TCTC sẽ lần lượt đăng tải bài viết của tác giả Khiếu Quang Bảo về những người lính chiến khu Đường 9 năm xưa. Qua bài viết, thế hệ trẻ sẽ hiểu thêm về tinh thần yêu nước, dũng cảm hy sinh thân mình vì nền độc lập dân tộc của những người chiến sỹ anh hùng ngày đó, từ đó trau dồi thêm niềm tin và lẽ sống cho mình trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay.

 Tết Nguyên Tiêu năm 2012, là Rằm tháng Giêng năm Nhâm Thìn. Đoạn sông Thạch Hãn chảy qua thị xã Quảng Trị, đêm, người khắp nơi trong nước đổ về tham dự lễ phóng đăng phóng hoa. Mặt sông đêm bừng lên một khúc sông hoa sông lửa làm nên một Thạch Hãn huyền ảo. Bức tâm thư của Chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị Nguyễn Trí Tuân giọng trầm và ấm loang ra không gian bao la, động tới sâu xa hàng triệu con tim: “Ta hãy thắp sáng Thạch Hãn. Một dòng sông nghĩa trang không mộ. Xin được thắp sáng Thạch Hãn trong mọi đêm rằm. Chứ không chỉ Tết Nguyên Tiêu và đêm 27 tháng 7 ngày Thương binh Liệt sĩ như nhiều năm trước!”

Tâm thư ấy cũng động tới sâu thẳm trái tim tôi. Bởi dòng sông ấy, mảnh đất ấy có những người cùng trang lứa lên đường nhập ngũ ở tuổi sinh viên từ các trường đại học ở Hà Nội và hy sinh. Vĩnh viễn nằm lại đó. Động tới trái tim tôi còn bởi ở nơi ấy đã nhấn chìm nhiều tình yêu có một tình yêu của tôi.

Ngã ba sông Vĩnh Thụy và sông Thạch Hãn. Hun hút phía xa kia, chỗ bây giờ là bờ kè bê tông, là Thành Cổ Quảng Trị, là bến vượt đẫm máu của những đại đội sang đánh chiếm Thành Cổ. Mỗi đêm một đại đội hơn trăm chiến sĩ hầu hết là sinh viên, đã sang sông mà ngày hôm sau chỉ còn khoảng 10 người trở lại. Hơn 14 nghìn chiến sĩ ta và 26 nghìn binh sĩ phía bên kia đã nằm lại nơi ấy, mảnh đất chưa đầy 3 cây số vuông. Đánh trong hành tiến, không đào hào mở công sự, cú đánh thủy tiến bằng bến vượt.

Thành Cổ Quảng Trị đã từng được báo chí nước ngoài gọi là cối xay thịt. Còn dòng sông Thạch Hãn thì từng được gọi là dòng sông máu (Sanguinary section of river). Thị xã Quảng Trị là mảnh đất từng chịu nhiều đau thương mất mát trong kháng chiến chống Mỹ. Giặc Mỹ đã ném xuống đây số bom đạn bằng bảy quả bom nguyên tử. Sông Thạch Hãn và Thành Cổ Quảng Trị được xem là những nghĩa trang không mộ của hàng vạn đồng bào, chiến sĩ cả nước, nhất là trong trận chiến “81 ngày đêm” chiến đấu bảo vệ Thành Cổ hè năm 1972 được gọi là “Mùa hè đỏ lửa”.

 Người về từ B5 - Đường 9 Quảng Trị (Phần 1) - Ảnh 1

  Nụ cười Thành Cổ (Ảnh: Đoàn Công Tính)

 Lễ hội hoa đăng trong đêm hoa đăng có hoa, có cỏ, có nến đèn, có nước mắt cùng những tấm hình nằm dưới lớp cỏ và đâu đó ven sông. Ngôi nhà nào cũng có trang thờ nhỏ phía trước sân vì sau Quảng Trị được giải phóng người dân đào móng xây nhà nhà nào cũng gặp hài cốt chiến sĩ ta và địch. Tuy cả 16 héc-ta đã trồng cỏ trồng dừa, nhưng mỗi khi ai đó chạm vào mặt đất người ta vẫn nhắc nhau “Hãy nhè nhẹ tay xẻng tay cuốc” tránh làm đau người còn đang nằm dưới đất sâu.

      Bốn mươi năm liệu đã đủ cho nỗi đau chìm sâu?

      Chưa đâu!

      Thế hệ những cựu chiến binh B5 Đường 9 vẫn còn đó.

      Thân nhân những cựu chiến binh B5 Đường 9 hy sinh cũng vẫn còn đây.

      Oán hờn có thể chìm sâu nhưng vết “sẹo tâm linh” vẫn chưa lặng lành.

Máy bay giặc Mỹ thả xuống cánh đồng khoét sâu những hố bom. Người ta san lấp trồng cấy. Nơi hố bom sâu, đất màu trôi xuống, vạt lúa nơi ấy xanh hơn. Người ta gọi là “sẹo đất”. Nơi bom đạn cắt ngang da thịt người lính mặc dù được khâu chữa lành rồi vẫn còn đó một cái “sẹo người”.

“Sẹo đất” nay không còn nữa. “Sẹo người” luôn nhói đau mỗi khi trời trở gió. “Sẹo tâm linh” thì nghẹn thở mỗi lần người đang sống đứng trước ban thờ thắp nén nhang tưởng nhớ người đã khuất chỉ còn hình trong di ảnh. Bốn mươi năm chưa đủ cho nỗi đau chìm sâu!

Chục năm trước tôi có dịp ghé qua bờ Nam đoạn sông Thạch Hãn người ta đã xây cái bến thả hoa bằng bê tông. Tôi thả xuống mặt sông những bông hoa mào gà đỏ như máu, đỏ như “Cuộc chia ly màu đỏ” trong thơ Nguyễn Mỹ. Không quên dành riêng cho liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc một bông.

     Một phút mặc niệm.

     Một phút rưng rưng.

Bỗng như có tiếng hô xung phong vọng lên từ đáy sông ầm ào tựa tiếng reo hò của chừng một đại đội. Tôi bùi ngùi ngâm nga như ngâm câu thần chú “Thạch Hãn sông ơi chảy chậm thôi!” bởi khi đó là mùa mưa nước chảy từ Trường Sơn qua đây ra Cửa Việt có phần mạnh xiết.

Khoảng 30 năm sau Quảng Trị được giải phóng, nổi lên một sự kiện văn học: Cuốn nhật ký chiến tranh của Nguyễn Văn Thạc được xuất bản làm xôn xao lớp trẻ và cả những người già, bởi nó có giá trị như một “Bài ca ra trận”. Bạn tôi, nhà báo Dương Hùng Phong đã làm một phim phóng sự truyền hình dựa trên nền tảng cuốn nhật ký đó. Và phim của anh đã đoạt Giải nhất “Giải Báo chí Ngô Tất Tố” của Hội Nhà báo thành phố Hà Nội. May cho Dương Hùng Phong dịp ấy người yêu thời sinh viên của Nguyễn Văn Thạc - Tiến sĩ Phạm Thị Như Anh - từ CHLB Đức trở về Việt Nam để giới thiệu cuốn sách. Phong nhờ chị Như Anh là người trong cuộc, đi suốt bộ phim lần theo những bước chân của Nguyễn Văn Thạc để mà tự sự, từ Nhã Nam nơi Thạc huấn luyện, tới Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh rồi vào Quảng Bình - Quảng Trị nơi Nguyễn Văn Thạc chiến đấu và hy sinh ở dòng sông Thạch Hãn.

Đi cùng Như Anh còn có đoàn bạn học cùng khóa cùng khoa toán-cơ Đại học Quốc gia Hà Nội, nhập ngũ với Nguyễn Văn Thạc ngày mồng 6 tháng 9 năm 1971. Dọc đường hành quân đến địa phương nào cũng gặp những chị Nhàn, những mẹ Vi và những o Hồng, những tấm lòng quân dân sưởi ấm trái tim anh. Kết phim là một trường đoạn hoành tráng: Đêm phóng đăng và hoa rực rỡ một khúc sông trong với những con thuyền giấy bè giấy nhỏ trên đó mang những bông hoa và ánh lửa nến đủ sắc màu, bạn bè cùng tung những xấp giấy trắng bay liệng như đàn bướm  với lời trầm ấm thao thiết: “Thạc ơi đồng đội ơi giấy đây. Giấy từ giảng đường bạn bè cùng gửi. Hãy viết nhiều hơn về người lính. Xin viết lại những điều mà cuộc đời có thể…đã quên đi”.Đọan kết phim bi tráng ấy diễn ra trên nền nhạc trầm hùng với lời thơ:          

    Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

    Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

    Có tuổi 20 thành sóng nước

    Vỗ yên bờ cõi mãi ngàn năm…

      Tôi thả riêng cho Nguyễn Văn Thạc một bông hoa là cái nhẽ ấy.

Còn bài thơ ấy là của một cựu binh Quân Giải phóng trước khi trở thành một nhà báo và nghệ sĩ nhiếp ảnh – anh Lê Bá Dương. Anh trở lại Thành Cổ Quảng Trị vào một ngày 27-7, nhìn cái doi đất nằm giữa sông Thạch Hãn và Vĩnh Bình, nơi diễn ra các trận đánh ác liệt máu nhuộm đỏ dòng sông, xúc động, bồi hồi mà viết nên những dòng thơ bất hủ. Và việc kết hoa thắp nến thả xuống dòng Thạch Hãn tưởng nhớ những vong hồn liệt sĩ nằm dưới đáy sông cũng khởi nguồn từ Lê Bá Dương.

Trung tuần tháng tư rồi Quảng Trị trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị quyết định tặng 30.000 “Kỷ niệm chương” cho các cựu chiến binh thuộc Ban Liên lạc Cựu chiến binh toàn quốc đã tham gia chiến đấu trên Mặt trận B5 Đường 9, trong đó có 15.000 Kỷ niệm chương cho các cựu chiến binh thuộc Ban Liên lạc khu vực phía Bắc. Riêng “Kỷ niệm chương Bảo vệ Thành Cổ” có trên 400.

Cụm từ “B5 Đường 9” giờ tôi mới tường tỏ. Đó là phiên hiệu Mặt trận B5 Đường 9. Nói tới B5 Đường 9 là nói tới thị xã Quảng Trị, là Thành Cổ, là sông Thạch Hãn. Những địa danh lịch sử ấy gắn với mặt trận B5 Đường 9 Quảng Trị sẽ là mãi mãi.

(Còn nữa)