Sử dụng lực lượng phòng không tác chiến linh hoạt, hiệu quả (*)

Theo Quân đội Nhân dân

Chiến dịch Đường 9-Nam Lào 1971 đã đánh dấu bước phát triển mới của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, trong đó có nghệ thuật sử dụng lực lượng phòng không (LLPK) trong tác chiến chiến dịch. Trong chiến dịch này, LLPK có nhiệm vụ hiệp đồng chặt chẽ cùng các đơn vị binh chủng hợp thành ngăn chặn, tiêu diệt máy bay địch, bảo vệ các trận địa và đội hình ta, bảo vệ tuyến đường vận tải chiến lược Hồ Chí Minh.

Sử dụng lực lượng phòng không tác chiến linh hoạt, hiệu quả (*)
Khẩu đội pháo phòng không Trung đoàn 241 tham gia Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào. Ảnh tư liệu)

LLPK tham gia chiến dịch là lực lượng nòng cốt đánh địch trên không. Trong quá trình phát triển của chiến dịch, LLPK được sử dụng từ đơn giản đến phức tạp, từ bảo vệ các phân đội bộ binh tiến công trên từng hướng, phát triển lên bảo vệ đội hình bộ đội binh chủng hợp thành trong không gian chiến dịch ngày càng lớn. Từ bảo vệ bộ đội trực tiếp chiến đấu, phát triển lên bảo vệ cả hậu phương, bảo vệ các trọng điểm giao thông chiến dịch và đã tạo điều kiện để phát triển quy mô chiến dịch binh chủng hợp thành ngày càng lớn, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung trên các loại địa hình và thời tiết khác nhau; đánh địch cả ban ngày, ban đêm, cả trong tiến công và phòng ngự… Sự phát triển đó đã góp phần tạo nên sức mạnh để đẩy nhanh tốc độ, rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả tác chiến chiến dịch.

Trong Chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào LLPK đã hoàn thành các nhiệm vụ và yêu cầu đề ra, góp phần vào sự phát triển của nghệ thuật sử dụng LLPK trong tác chiến chiến dịch. LLPK chiến dịch phán đoán đúng hướng tiến công của địch và tiến hành công tác chuẩn bị lực lượng sớm, chu đáo, toàn diện. Ta đã nghiên cứu, nắm tình hình hoạt động của địch trên không, LLPK của ta đã nắm quyền chủ động trên không gian chiến dịch. LLPK đã phát hiện những mâu thuẫn và khó khăn của địch, nhất là âm mưu, thủ đoạn tác chiến của chúng, ta đã phát hiện rõ sai lầm của địch trong việc đánh giá khả năng của LLPK ta và ta đã biết lợi dụng triệt để sai lầm của địch để chuẩn bị tiêu diệt chúng đúng thời cơ.

Sử dụng LLPK trong chiến dịch phải lấy việc bảo vệ mục tiêu, bảo vệ đội hình binh chủng hợp thành làm nhiệm vụ cơ bản nhất; tiêu diệt máy bay địch là một trong những biện pháp tích cực để bảo vệ mục tiêu. Lần đầu tiên trong Chiến dịch phản công Đường 9 – Nam Lào, ta đã chỉ đạo, sử dụng LLPK thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ bộ đội binh chủng hợp thành và tiến hành thành công các hình thức chiến thuật như chốt giữ và tiến công, bao vây đột phá để tiêu diệt các cụm quân có xe tăng, xe thiết giáp của địch, kết hợp chốt chặn lớn, cơ động tiêu diệt địch ở các điểm cao và truy kích địch rút chạy đạt hiệu suất chiến đấu cao.

Tập trung lực lượng hợp lý, bảo vệ các mục tiêu trọng điểm, trong các trận then chốt; kết hợp với các lực lượng đánh địch tại chỗ tạo nên hệ thống hỏa lực phòng không vừa tập trung, vừa rộng khắp trong địa bàn chiến dịch. Bằng việc tập trung LLPK hợp lý trong từng giai đoạn (từng đợt) chiến dịch, tập trung trên hướng chủ yếu, trong các trận then chốt, ở những mục tiêu trọng điểm của chiến dịch đã tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh bại các hoạt động tập trung đánh phá của không quân địch.

Cùng với sử dụng LLPK một cách hợp lý, nghệ thuật sử dụng LLPK trong Chiến dịch phản công Đường 9 – Nam Lào còn kết hợp chặt chẽ giữa sử dụng lực lượng tập trung với sử dụng phân tán để tạo nên lưới lửa phòng không rộng khắp, máy bay địch từ hướng nào vào cũng bị đánh. Chính bằng sự kết hợp chặt chẽ đó mà ta vừa bảo vệ được mục tiêu trọng điểm, vừa bảo vệ được lực lượng trên hướng tiến công chủ yếu, ở các khu vực mục tiêu quan trọng, vừa bảo vệ được các hướng, các mục tiêu khác và khi cần đã có lực lượng xen kẽ cài thế sẵn sàng giúp ta nhanh chóng chuyển hóa thế trận, chuyển hướng tiến công được mau lẹ. Để phát huy sức mạnh của LLPK trong chiến dịch, ta đã sử dụng tập trung LLPK trên hướng trọng điểm, chủ yếu và trong các trận then chốt chiến dịch.

Tác chiến với đội quân có lực lượng không quân mạnh, việc kết hợp chặt chẽ giữa hỏa lực tập trung có trọng điểm của LLPK với hỏa lực súng bộ binh của các đơn vị binh chủng hợp thành để đánh máy bay địch là một yêu cầu khách quan. Trong Chiến dịch phản công Đường 9 – Nam Lào ta sử dụng súng máy phòng không 12,7mm và 14,5mm đi cùng bộ binh, xe tăng “cơ động phục kích”, “vận động tiến công” đánh địch đổ bộ đường không, yểm hộ bộ binh ngăn chặn quân địch hành quân cơ giới và giữ các điểm cao quan trọng trong chiến dịch. Sử dụng lực lượng đánh tập trung hiệp đồng binh chủng: Phòng không, bộ binh, xe tăng, pháo binh đánh địch đổ bộ đường không bằng trực thăng là điểm nổi bật nhất trong Chiến dịch phản công Đường 9 – Nam Lào.

Sự kết hợp khéo léo và chặt chẽ giữa hai lực lượng hỏa lực đã tạo được sức mạnh tổng hợp để vừa bẻ gãy các đợt tập kích của không quân địch, vừa tạo được lưới lửa phòng không rộng khắp trên không gian chiến dịch, đánh địch liên tục trong suốt quá trình chiến dịch và nhờ đó mà ta đủ mạnh để duy trì sự kết hợp tác chiến tập trung từng đợt với đánh địch liên tục; kết hợp tập trung lực lượng đánh địch có trọng điểm trên từng hướng, từng mục tiêu với đánh địch phân tán làm cho LLPK ta tuy ít “hóa” thành nhiều, nhỏ thành lớn, yếu thành mạnh để đánh thắng địch.

Chiến dịch phản công Đường 9 – Nam Lào năm 1971 – một chiến dịch điển hình về nghệ thuật sử dụng LLPK – là một chiến dịch phản công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn của bộ đội chủ lực cơ động, phối hợp chặt chẽ với lực lượng tại chỗ (B4, B5 và Đoàn 559). Chiến dịch được chuẩn bị chu đáo từ trước, diễn ra trên địa hình rừng núi, kế cận hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Thắng lợi của chiến dịch đã đánh dấu một bước phát triển mới của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam nói chung, nghệ thuật sử dụng LLPK nói riêng. Nó khởi đầu thời kỳ mới của sự phát triển hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, trên không gian chiến dịch rộng, nhiều mục tiêu cần bảo vệ, tính khẩn trương, ác liệt và tính cơ động cao, bảo đảm cơ sở vật chất nhiều, phức tạp. Đồng thời, cũng đánh dấu thời kỳ phát triển của LLPK về các hình thức tác chiến tập trung, hiệp đồng binh chủng, các biện pháp tác chiến, các hình thức chiến thuật.

Thắng lợi của bộ đội phòng không trong chiến dịch có ý nghĩa chiến lược, ta đã bảo vệ được tuyến vận chuyển chiến lược thông suốt trong suốt quá trình chiến dịch; tạo điều kiện cho các đơn vị bạn phối hợp chiến đấu chặt chẽ giữa các chiến trường và đã góp phần bảo vệ vững chắc các mục tiêu trọng điểm, trong đó có miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

(*) Trích tham luận tại Hội thảo khoa học “Chiến thắng Đường 9-Nam Lào 1971: Tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử”.