Xem xét mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội

Trần Vương Quyền

Theo dự kiến chương trình đợt 2 (từ ngày 24 -25/8/2023) của Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Toàn cảnh Hội thảo góp ý về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) do Ủy ban Pháp luật tổ chức chiều 22/8/2023.
Toàn cảnh Hội thảo góp ý về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) do Ủy ban Pháp luật tổ chức chiều 22/8/2023.

Nhằm chuẩn bị kỹ dự án Luật, Ủy ban Pháp luật đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Tại các hội thảo, đa số đề xuất của đại biểu liên quan đến việc xem xét mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội.

Tại Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chiều ngày 22/8/2023,  TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết, dự thảo Luật quy định về 9 đối tượng nhưng thực tế có một số đối tượng không thực sự “mặn mà” đến nhà ở xã hội. Trong khi, những đối tượng có nhu cầu lớn về nhà ở xã hội nhưng chưa được quy định như người có thu nhập trung bình thấp.

TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, nên bỏ quy định điều kiện để được mua, thuê mua nhà ở xã hội là phải thuộc diện “không phải nộp thuế thu nhập cá nhân” đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương, vì quy định này phức tạp, gây ra nhiều yêu cầu về giấy tờ, thủ tục hành chính.

“Để mua được nhà ở xã hội, người mua phải xin xác nhận của cơ quan thuế rằng mình “không phải đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân”. Vì vậy, dự thảo Luật (sửa đổi) nên quy định theo hướng người được mua, thuê nhà ở xã hội là những người có mức thu nhập dưới mức phải nộp thuế”, vị chuyên gia này nêu rõ.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, dự thảo Luật quy định về 9 đối tượng nhưng thực tế có một số đối tượng không thực sự “mặn mà” đến nhà ở xã hội.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, dự thảo Luật quy định về 9 đối tượng nhưng thực tế có một số đối tượng không thực sự “mặn mà” đến nhà ở xã hội.

Trước đó, tại Hội thảo của Ủy ban Pháp luật, chiều ngày 10/8/2023, ông Đoàn Văn Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc xác định đúng đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội hiện nay còn gặp nhiều khó khăn; quy định hiện hành về đối tượng được thụ hưởng chính sách còn khá hạn hẹp với các điều kiện, tiêu chuẩn chặt chẽ; việc hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ chứng minh đủ điều kiện mua nhà ở xã hội còn phức tạp.

Cho rằng thực trạng trên là một trong những nguyên nhân khiến nhà ở xã hội chưa thu hút được người dân, ông Hoàng Văn Bình kiến nghị, quy định về đối tượng hưởng chính sách về nhà ở xã hội cần sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng (được thuê, thuê mua, mua) với tiêu chí đơn giản, dễ nhận biết, giảm tối đa các yêu cầu về giấy tờ, thủ tục hành chính.

Mới đây, trả lời kiến nghị của cử tri nhiều tỉnh, thành phố gửi đến, liên quan đến việc mở rộng các đối tượng được mua nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp 5 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Theo đó, tại Điều 73 dự thảo Luật, ngoài những đối tượng đang được quy định tại Luật hiện hành thì đã bổ sung thêm 1 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội là: doanh nghiệp, hợp tác xã trong khu công nghiệp thuê nhà lưu trú công nhân.

Đáng chú ý, tại buổi làm việc với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan về tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh quyền có nhà ở của người dân, Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở tạo điều kiện cho mọi người có chỗ ở đã được quy định trong Hiến pháp. 

Do vậy, Luật Nhà ở cần tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân, hộ gia đình sẽ có nhà ở tùy theo mức độ thu nhập, khả năng chi trả khác nhau, nhất là làm rõ thêm chính sách phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, rà soát, bổ sung các quy định nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, chậm trễ so với thực tiễn quản lý lĩnh vực nhà ở.

Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan soạn thảo cần tính toán kỹ chính sách nhà ở cho các đối tượng khác nhau như người có thu nhập thấp ở đô thị và nông thôn, người thuộc diện tái định cư, lực lượng vũ trang, người lao động, sinh viên…, xây dựng tiêu chí phù hợp, cụ thể, bình đẳng.

 

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 196 điều, tăng 13 điều so với Luật Nhà ở hiện hành, nhưng số lượng điều được sửa đổi, bổ sung rất lớn với 104 điều, giữ nguyên 47 Điều. Phạm vi sửa đổi toàn diện, bao quát các chính sách quan trọng về lĩnh vực nhà ở. Theo dự kiến, Luật này sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) tới.