Xử lý nghiêm vi phạm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, củng cố niềm tin của nhà đầu tư

Tuấn Phùng

Vụ việc một số cá nhân bị khởi tố, bắt giam cho thấy quyết tâm của cơ quan quản lý trong việc làm trong sạch thị trường chứng khoán (TTCK) nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nói riêng. Thực tế cũng cho thấy, nhìn lại thời gian qua, các cơ quan quản lý, trong đó có Bộ Tài chính đã có rất nhiều động thái quyết liệt trong việc tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, giúp TTCK và thị trường TPDN phát triển an toàn, bền vững.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngày 05/4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan. Đồng thời, C03 cũng ra các quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh và 06 bị can đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Được biết, trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, ông Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 03 công ty thành viên gồm Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, CTCP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, CTCP Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành 09 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử động vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

Trước đó, ngày 29/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 06/QĐ-VPCQCSĐT, các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết  - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC do có hành vi "Thao túng TTCK", quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự.

Trả lời phóng viên Báo Vietnamnet, đại diện Bộ Tài chính cho biết, những vụ việc vi phạm trên TTCK và thị trường TPDN vừa qua là những sự việc rất đáng tiếc, nhưng cũng cho thấy quyết tâm của cơ quan quản lý trong việc làm minh bạch đối với TTCK và thị trường TPDN. Dù những vi phạm đó không phải là phổ biến và cá nhân nào làm thì cá nhân đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhưng quan điểm của Bộ Tài chính là sẽ phối hợp với các cơ quan để xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm nhằm góp phần giúp TTCK, thị trường TPDN phát triển bền vững, thực sự trở thành kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế.

Thực tế cũng cho thấy, nhìn lại thời gian qua, các cơ quan quản lý, trong đó có Bộ Tài chính đã có rất nhiều động thái quyết liệt trong việc tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra chấn chỉnh, giúp TTCK nói chung và thị trường TPDN nói riêng phát triển an toàn, bền vững.

1. Tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế cho thị trường TPDN

Thời gian qua, để thị trường TPDN phát triển ổn định, an toàn, Bộ Tài chính đã thường xuyên rà soát để tham mưu cấp có thẩm quyền hoặc thực hiện theo thẩm quyền việc sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện thể chế, các quy định việc quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thị trường tài chính, trong đó có thị trường TPDN.

Theo đó, nhằm giảm thiểu những rủi ro cho nhà đầu tư và góp phần giúp thị trường TPDN trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế; Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 118/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 hướng dẫn một số nội dung về chào bán, phát hành chứng khoán, chào mua công khai, mua lại cổ phiếu, đăng ký công ty đại chúng và hủy tư cách công ty đại chúng; Thông tư số 122/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 hướng dẫn chế độ công bố thông tin và báo cáo theo quy định của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế...

Đến tháng 12/2021, trước tình trạng TPDN tăng trưởng nóng, Bộ Tài chính cũng đã tiến hành đánh giá tình hình thị trường thời gian qua để xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành TPDN riêng lẻ.

2. Thường xuyên khuyến cáo về rủi ro đối với nhà đầu tư

Suốt từ năm 2021 đến nay, Bộ Tài chính đã liên tục phát đi các thông tin cảnh báo những rủi ro đối với nhà đầu tư khi tham gia thị trường TPDN. Theo đó, bên cạnh ghi nhận những tác động tích cực của TPDN, Bộ Tài chính đã đánh giá việc phát hành TPDN riêng lẻ cũng bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.

Trong các thông cáo của mình, Bộ Tài chính đã khuyến cáo nhà đầu tư cá nhân không nên mua TPDN riêng lẻ nếu không có khả năng và nguồn lực để đánh giá đầy đủ rủi ro của trái phiếu, theo sát tiến độ giải ngân, mục đích sử dụng vốn, tình hình tài chính của DN phát hành sau khi đầu tư mua trái phiếu.

“Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý nguyên tắc đầu tư cơ bản là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao; do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu; không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của DN phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu”, Bộ Tài chính khuyến cáo.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là DN cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ DN phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc thẩm định/đánh giá về tình hình tài chính và khả năng trả nợ của DN phát hành, do đó không có trảch nhiệm về việc DN có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của DN phát hành.

3. Tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh trên thị trường TPDN

Trước tình trạng TPDN tăng trưởng nóng, có thể gây rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia, Bộ Tài chính đã liên tục chỉ đạo các cơ quan liên quan trọng việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc phát hành TPDN.

Cụ thể, tại Văn bản số 13838/BTC-VP ngày 3/12/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc phát hành TPDN để đảm bảo thị trường TPDN trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả cho DN và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư.

Tại Văn bản này, Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, khẩn trương xử lý nghiêm và báo cáo Bộ Tài chính kết quả kiểm tra để xử lý. Tiến hành xử phạt nghiêm, công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng về các hành vi vi phạm của các cá nhân, DN. Trường hợp xác định có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, khẩn trương chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật...

Trước đó, ngày 10/9/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có công văn gửi các công ty chứng khoán nhắc nhở về việc tuân thủ Nghị định 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế.

Không chỉ dừng lại ở cảnh báo, dưới sự chỉ đạo quyết liệt từ Lãnh đạo Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị liên quan đã  tổ chức nhiều đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra tại 9 công ty chứng khoán và 2 DN là 2 tổ chức phát hành trái phiếu riêng lẻ. Qua các đoàn kiểm tra, cơ quan quản lý đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính nặng và yêu cầu các biện pháp khắc phục hậu quả tại hai DN là VsetGroup và Apec Group; đồng thời xử phạt Công ty Chứng khoán VIS. Vào thời điểm đó, bên cạnh việc xử phạt, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã phối hợp, cung cấp tài liệu cho cơ quan chức năng để tiếp tục xem xét các trường hợp vi phạm.

Mới đây nhất, ngày 4/4/2022, căn cứ hồ sơ, tài liệu và đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về việc hủy bỏ các đợt phát hành trái phiếu của Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung điện Mùa đông, Công ty Soleil thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh do có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ; căn cứ quy định tại Luật Chứng khoán năm 2019, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP; ngày 3/4/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 181/QĐ-UBCK hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng của 3 công ty trên thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

4. Chấn chỉnh hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian qua, có tình trạng báo cáo tài chính của một số DN niêm yết, công ty đại chúng còn nhiều sai sót, kể cả một số trường hợp đã có ý kiến chấp nhận toàn phần của DN kiểm toán. Những sự việc vừa qua cũng cho thấy, một số DN đã đưa ra các báo cáo tài chính sai lệch, trong khi các đơn vị kiểm toán độc lập đã không làm tròn trách nhiệm dẫn đến những thông tin sai lệch của DN, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư.

Do vậy, mới đây, Bộ Tài chính cũng đã có Công văn số 3065/CV-QLKT yêu cầu tổng giám đốc, giám đốc các DN kiểm toán, các kiểm toán viên hành nghề và các thành viên nhóm kiểm toán thực hiện nghiêm túc nhiều nội dung về pháp luật kiểm toán. Theo đó, trong quá trình thực hiện kiểm toán, DN kiểm toán và các kiểm toán viên hành nghề phải đảm bảo tính độc lập, khách quan, thực hiện đúng quy trình kiểm toán, tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Tăng cường soát xét, đảm bảo thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp làm cơ sở cho việc đưa ra ý kiến kiểm toán theo đúng yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, luôn đề cao tính hoài nghi nghề nghiệp trong việc thực hiện kiểm toán.

Bộ Tài chính yêu cầu nghiêm túc triển khai áp dụng thống nhất trong DN kiểm toán quy trình kiểm soát chất lượng dịch vụ theo yêu cầu tại Chuẩn mực về Kiểm soát chất lượng DN thực hiện kiểm toán, soát xét báo cáo tài chính, dịch vụ đảm bảo và các dịch vụ liên quan khác (VSQC1), kể cả trụ sở chính và tất cả các các chi nhánh...

Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Quản lý giám sát Kế toán, kiểm toán, Thanh tra Bộ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác kiểm toán DN niêm yết.

Theo đó, để nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán đối với các DN niêm yết, công ty đại chúng, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, công chúng, góp phần phát triển ổn định và lành mạnh của thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán chủ trì, phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Thanh tra Bộ Tài chính tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các DN cung cấp dịch vụ kiểm toán. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm nghiêm trọng yêu cầu khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, có biện pháp chấn chỉnh để các DN kiểm toán thực hiện đúng các quy định về: Tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về kiểm toán, hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và các văn bản pháp luật liên quan; Đảm bảo tính độc lập, khách quan trong quá trình kiểm toán; kiểm soát tốt đạo đức nghề nghiệp người hành nghề, nâng cao năng lực của đội ngũ kiểm toán viên hành nghề; Thực hiện nghiêm, đúng quy định quy trình kiểm toán; xác định rõ nội dung, trách nhiệm của kiểm toán viên, DN kiểm toán...

Nhiều ý kiến cho rằng, hàng loạt các giải pháp, biện pháp thời gian qua của cơ quan quản lý, trong đó có Bộ Tài chính đã giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào TTCK, thị trường TPDN. Đồng thời, những động thái quyết liệt đó không làm ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư mà ngược lại còn giúp nhà đầu tư tin tưởng hơn vào sự quản lý, điều hành hiệu quả, kịp thời của các cơ quan quản lý.