Xuất hiện nhiều điểm bán xăng lẻ ở Kiên Giang

Theo báo Kiên Giang

Do tình trạng khan hiếm xăng kéo dài, nên nhiều vùng nông thôn của tỉnh Kiên Giang tái xuất hiện các điểm bán xăng lẻ. Chỉ cần cái ghế hoặc cái kệ và 1 cái can hoặc chai là hình thành một điểm bán xăng. Dân miền Tây gọi đùa đây là "cây xăng cục gạch". Bởi vào cái thời lâu lắm, có một quy ước, nơi nào để cục gạch 4 lỗ và cái chai (can) 1 lít là nơi đó bán xăng.

Một điểm bán xăng lẻ trên tuyến đường đê bao Vườn quốc gia U Minh Thượng . Ảnh: Thanh Nhã
Một điểm bán xăng lẻ trên tuyến đường đê bao Vườn quốc gia U Minh Thượng . Ảnh: Thanh Nhã

Trong lúc nhiều cửa hàng xăng, dầu trên địa bàn huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) đóng cửa hoặc bán cầm chừng thì dọc theo các tuyến đường chính thuộc địa bàn các xã Thạnh Yên, Vĩnh Hòa, Hòa Chánh, Minh Thuận và An Minh Bắc có hơn 20 điểm bán lẻ xăng theo hình thức chiết ra can nhỏ để bán. Giá xăng tại các điểm bán lẻ này dao động từ 25.000-35.000 đồng/lít.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, sáng 21-10 tại chợ Nhà Ngang, xã Hòa Chánh, huyện U Minh Thượng có 3 điểm bán xăng lẻ bằng hình thức đựng trong chai nhựa, giá 30.000 đồng/lít.

Anh N.V.B, ngụ ấp Vĩnh Hiệp, xã Hòa Chánh cho biết: “2 tuần nay, 2 cây xăng ở gần chợ Nhà Ngang không có xăng bán. Thấy vậy nên tôi mới mua xăng ở TP. Vị Thanh đem về bán cho dân. Mỗi lít bán 30.000 đồng. Người dân vẫn chấp nhận mua vì không thể đi xa để đổ xăng”.

Theo anh B, thời gian gần đây, nhờ những chai xăng nhỏ này mà người dân địa phương mới có nhiên liệu chạy xe đi lại. “Thuận mua, vừa bán”, người dân cho rằng với mức giá 30.000 đồng/chai/lít là hợp lý và sẵn sàng mua.

“Nhờ người qua huyện Gò Quao, TP. Vị Thanh mua xăng về bán mà chúng tôi có xăng để đổ vào xe chạy”, một người dân ở chợ Nhà Ngang, xã Hòa Chánh, huyện U Minh Thượng chia sẻ

Anh Trần Trường An, hành nghề chạy xe ôm ở xã Hòa Chánh cho biết, thấy nhiều người dân phải dẫn bộ xe máy vì hết xăng nên gần đây anh dùng can 30 lít chạy sang tỉnh Hậu Giang mua xăng, mang về bán lại.

“Bây giờ nửa đêm, nửa hôm có người đau, bệnh, sanh đẻ mà xe không có xăng thì rất tội nghiệp. Tôi bán có lời, nhưng phần lời đó làm lộ phí từ đây qua Vị Thanh”, anh An nói.

Ông Lý Trung Hiệp, ngụ ấp Dân Quân, xã Hòa Chánh cho biết: “Ở vùng sâu, vùng xa, kiếm xăng khó lắm! Nhiều lúc bấm bụng mua một chai 50.000 đồng cũng phải mua. Mong Nhà nước sớm có biện pháp điều hành xăng, dầu phù hợp để bà con vùng sâu, vùng xa có xăng, dầu phục vu nhu cầu đi lại, kinh doanh và sản xuất”.

Một số tuyến đường nông thôn tại một số xã của huyện An Biên và huyện An Minh (Kiên Giang) cũng có các điểm bán xăng lẻ. Những điểm này cách xa quốc lộ và những cửa hàng xăng, dầu. Nhờ đó mà người dân nơi đây có xăng để đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa.

“Nhiều lúc chạy ra cây xăng mà nhân viên báo hết xăng thì những điểm bán xăng lẻ là “cứu cánh” cho chúng tôi. Giá 25.000 đồng/lít xăng cũng hợp lý”, anh Nguyễn Văn Khải, ngụ ấp Lô 15, xã Hưng Yên, huyện An Biên chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng Dương Quốc Khởi cho biết, qua nắm tình hình được biết nguồn xăng được các hộ dân trong huyện lấy từ huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) và các tỉnh khác như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, TP. Hồ Chí Minh… Các nguồn xăng này được người dân thu gom theo hình thức chiết ra từ ô tô của gia đình hoặc mua lại từ nhiều cây xăng khác trên tuyến đường người thân đi từ nơi khác về nhà.

Số lượng xăng tồn chứa tại điểm bán lẻ từ 15-30 lít/hộ, riêng địa bàn xã Minh Thuận có 1 điểm tồn chứa với số lượng 500 lít/hộ. Ngành chức năng của huyện U Minh Thượng đã vận động các hộ dân bán lẻ xăng thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cháy nổ và nghỉ bán khi hết số lượng tồn chứa để đảm bảo an toàn cháy nổ theo quy định.