Yếu tố nào khiến nhà điều hành sẽ kéo dài chuỗi hút ròng tiền?


Việc Ngân hàng Nhà nước liên tục hút ròng tiền về qua thị trường mở trong gần một tháng là một trong những lý do khiến lãi suất liên ngân hàng bật tăng, làm dấy lên lo ngại lãi suất cho vay sẽ khó giảm thêm. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, vẫn còn những yếu tố khiến nhà điều hành sẽ kéo dài chuỗi hút ròng tiền.

Tại các ngân hàng cổ phần tư nhân, lãi suất huy động tối đa phổ biến cũng chỉ trên dưới 6%/năm.
Tại các ngân hàng cổ phần tư nhân, lãi suất huy động tối đa phổ biến cũng chỉ trên dưới 6%/năm.

Tính đến ngày 17/10, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 19 phiên phát hành tín phiếu liên tiếp kể từ khi khởi động lại kênh này (ngày 21/9), qua đó nhà điều hành đã hút về tổng số tiền hơn 243.600 tỷ đồng, trong khi nhiều ngày liên tục không bơm ra đồng nào hoặc số lượng rất nhỏ.

NHNN hút ròng lượng tiền "khủng", lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh

Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận: "Thông thường hành động hút tiền về là lo ngại tiền dư thừa trên thị trường làm lạm phát tăng cao. Thế nhưng, lạm phát vẫn đang dưới mục tiêu đặt ra do sức cầu tiêu dùng hiện khá yếu vì thu nhập người dân sụt giảm, tăng trưởng kinh tế chậm lại, chi tiêu giảm… Vì vậy, NHNN vẫn nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”.

Tuy nhiên, về lý thuyết, khi thanh khoản trên thị trường dồi dào cũng là một trong những điều kiện để các ngân hàng giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi vay. Thế nhưng, phản ứng sau chuỗi hút ròng mạnh của NHNN, lãi suất liên ngân hàng đã bật tăng trở lại sau khi lao dốc mạnh vào tuần trước.

Dữ liệu mới nhất được NHNN công bố cho thấy, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch) đang ở mức 0,71% từ mức 0,35% ghi nhận vào cuối tuần trước (13/10) và từ mức 0,15% vào cuối tháng trước (28/9).

Lãi suất các kỳ hạn chủ chốt khác cũng có xu hướng tăng,: kỳ hạn 1 tuần tăng từ 0,55% cuối tuần trước lên 0,83%; kỳ hạn 2 tuần tăng từ 0,75% lên 0,97%...

Kể từ đầu tháng 5, lãi suất liên ngân hàng đã liên tục giảm sâu về vùng đáy lịch sử (0,1 - 0,2%/năm) được thiết lập vào những tháng cuối năm 2020 trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dư thừa do tăng trưởng tín dụng ở mức thấp.

Liên tục trong 3 tháng qua, lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp kỷ lục. Điều này đã gây ra sức ép lên tỷ giá khi chênh lệch lãi suất giữa USD và VND lên tới 4 - 5 điểm % đối với các kỳ hạn dưới 1 tháng, nhất là khi đồng bạc xanh liên tục tăng giá trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, ông Hiếu nhận xét, dù lãi suất thị trường liên ngân hàng đã tăng mạnh, nhưng mặt bằng chung vẫn ở mức rất thấp so với giai đoạn nửa đầu năm. Hơn nữa, thời điểm hiện nay, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp vẫn còn yếu, cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn đang rất dồi dào.

Dưới góc độ ngân hàng, giám đốc một chi nhánh ngân hàng có vốn nhà nước trên đường Nguyễn Hữu Thọ (Hà Nội) cho hay, lãi suất liên ngân hàng tăng nhưng đây là nguồn vốn ngắn hạn, nguồn tiền giải quyết các vấn đề thanh khoản của ngân hàng. Trong khi đó, nguồn vốn cho vay, tăng trưởng tín dụng là trung dài hạn, huy động từ dân cư vẫn đang có xu hướng giảm nhờ lãi suất huy động trên thị trường đang ở vùng thấp.

Theo ghi nhận trên thị trường 1 (giao dịch giữa các định chế tài chính với doanh nghiệp và người dân), lãi suất huy động cũng đang giảm dần về vùng “đáy”. Bốn ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank) đang niêm yết lãi suất ở mức thấp nhất lịch sử, với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên chỉ ở mức 5,3%/năm.

Tại các ngân hàng cổ phần tư nhân, lãi suất huy động tối đa phổ biến cũng chỉ trên dưới 6%/năm. Ngay cả SCB - ngân hàng trong diện căng thẳng thanh khoản hồi cuối năm ngoái và đầu năm nay, lãi suất cao nhất cũng chỉ 5,6%/năm.

3 kịch bản ứng với từng vùng tỷ giá 

Giới phân tích nhìn nhận động thái hút tiền qua kênh tín phiếu ngắn hạn của NHNN được xem là bình thường để giảm bớt thanh khoản dư thừa trên hệ thống. Tuy nhiên, trong bối cảnh các lô tín phiếu đầu tiên sẽ bắt đầu đáo hạn từ cuối tuần này, dự báo NHNN sẽ tiếp tục phát hành tín phiếu trong thời gian tới và không loại trừ khả năng sẽ có sự gia tăng về quy mô cũng như kỳ hạn.

Đà tăng giá của đồng USD trên thị trường quốc tế tiếp tục được hỗ trợ bởi số liệu CPI của Mỹ tăng mạnh hơn kỳ vọng trong tháng 9 làm gia tăng lo lắng về việc Cục Dự trữ liên bang (Fed) sẽ giữ lãi suất cao hơn thêm một thời gian. Theo đó, đồng USD trong nước đang ở mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay, trên 24.000 đồng/USD.

Những yếu tố trên khiến các chuyên gia nhận định, trong thời gian tới, NHNN vẫn tiếp tục hút ròng tiền.

Giới phân tích cho rằng dù lãi suất liên ngân hàng tăng nhưng kỳ hạn qua đêm vẫn dưới 1% - không phải là mức đáng lo ngại; tỷ giá liên ngân hàng vẫn ở mức cao và chênh lệch lãi suất VND/USD duy trì cao kích thích hoạt động giao dịch đầu cơ gây áp lực lên tỷ giá. Do vậy, NHNN sẽ vẫn tiếp tục phát hành thêm tín phiếu mới để thay thế những tín phiếu đã đáo hạn.

Công ty cổ phần chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đưa ra 3 kịch bản tương ứng với từng vùng tỷ giá khác nhau.

Kịch bản thứ nhất, nếu tỷ giá USD duy trì ở khoảng 24.000 - 24.400 đồng, NHNN có thể sẽ phát hành khối lượng tín phiếu trung bình khoảng 12.000 tỷ đồng mỗi phiên.

Kịch bản thứ hai, trong trường hợp tỷ giá vượt ngưỡng 24.500 đồng, NHNN sẽ phát hành với khối lượng trung bình 20.000 tỷ đồng/phiên đến khi tỷ giá có dấu hiệu hạ nhiệt rõ nét hơn.

Kịch bản thứ ba, nếu tỷ giá USD tiến gần mốc 25.000 đồng, KBSV không loại trừ khả năng NHNN sẽ thực hiện động thái bán USD kỳ hạn để ổn định tỷ giá.

Phiên 18/10, tỷ giá trung tâm được NHNN niêm yết mức 24.096 VND/USD, tăng 3 đồng so với phiên liền trước. Tỷ giá tại các ngân hàng ở mức quanh 24.328 – 24.668 VND/USD; tỷ giá trên thị trường tự do quanh 24.540 – 24.640 VND/USD.

Tính từ đầu năm đến nay, giá USD ngân hàng đã tăng khoảng 940 đồng ở cả hai chiều giao dịch, tương đương tăng 3,9%.

Theo Huyền Anh/vnbusiness.vn