Bứt phá năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo

PV.

Doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức tầm quan trọng của hoạt động đổi mới, sáng tạo gắn nâng cao năng suất, chất lượng đối với sự tồn tại, tăng trưởng và phát triển.

Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo là yêu cầu sống còn để doanh nghiệp cải thiện năng suất lao động và phát triển. Ảnh: Internet
Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo là yêu cầu sống còn để doanh nghiệp cải thiện năng suất lao động và phát triển. Ảnh: Internet

Ngày 11/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 36/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030.

Theo đó, một trong những mục tiêu quan trọng hướng tới là thúc đẩy các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu xây dựng mô hình điểm, dẫn dắt hoạt động ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo giúp giảm lãng phí, sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực đầu tư, tạo ra thêm việc làm mới, thị trường mới để góp phần nâng cao năng suất của quốc gia, ngành, địa phương…

Thời gian qua, để nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng thích ứng và bắt nhịp với sự chuyển đổi mạnh mẽ của công nghệ, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.

Ở thời điểm hiện tại, có thể khẳng định, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo là yêu cầu sống còn để doanh nghiệp cải thiện năng suất lao động và phát triển trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực vươn lên sau đại dịch, và có điểm tựa về năng suất để tăng sức bật lên sau đại dịch. Các doanh nghiệp cũng đã có những chuyển động rất mạnh, có ý thức về năng suất, đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ cũng như hội nhập với thế giới.

Tuy nhiên, để giải bài toán năng suất hiện nay vẫn là một vấn đề tương đối khó. Theo nghiên cứu, năng suất nằm trên hai trục, trục đứng thường là năng lực, nguồn lực và nỗ lực, còn chiều ngang là thực lực. Nếu chỉ dồn sức vào chiều đứng mà không để ý tới chiều ngang thì sự kết hợp sẽ không đủ lớn, không đúng theo xu thế của thời đại.

Việt Nam phải đổi mới sáng tạo khoa học quản trị, cách thức quản trị con người để phù hợp với thực tiễn, bên cạnh đó là đổi mới khoa học giáo dục để đưa nội dung vào suy nghĩ của con người một cách bài bản, từ đó hướng đến sự phát triển lâu dài. Ngoài ra, trong đổi mới sáng tạo, Việt Nam cần quan tâm chú trọng đến “made in Việt Nam”, “made by Việt Nam”.

Doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức tầm quan trọng của hoạt động đổi mới, sáng tạo gắn nâng cao năng suất, chất lượng đối với sự tồn tại, tăng trưởng và phát triển. Theo đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu, nghiên cứu về tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, năng lực sáng tạo, bổ sung hoạt động đào tạo để phát triển nguồn nhân lực cho tương lai…

Để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng gắn với đổi mới sáng tạo, cơ quan quản lý nhà nước cần thống nhất quản lý nhà nước về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; có sự phân công, phân cấp, phối hợp giữa các ngành, cấp trung ương và địa phương trong bối cảnh mới nhằm thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia…