Bám sát tình hình thực tiễn, đổi mới công tác thanh tra tài chính

Trần Huyền

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã bám sát thực tiễn để xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra đúng trọng tâm, trọng điểm; đổi mới cách thức làm việc, thực hiện đúng yêu cầu phòng, chống dịch.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kiến nghị xử lý về tài chính 25.863.041 triệu đồng

Theo Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2021, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 28.385 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 281.209 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế và qua điều tra chống buôn lậu bắt giữ 5.329 vụ; kiến nghị xử lý về tài chính 25.863.041 triệu đồng.

Qua thanh tra, các đơn vị đã kiến nghị xử lý tài chính, thu nộp ngân sách nhà nước và thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp có vi phạm. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra đã góp phần chấn chỉnh công tác quản lý tài chính ngân sách tại các đơn vị; đồng thời, kiến nghị với các bộ, ngành, địa phương bổ sung các quy trình, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý, điều hành, cơ chế chính sách đảm bảo đúng pháp luật và phù hợp với thực tế.

Trong đó, riêng Thanh tra Bộ Tài chính đã thực hiện 17 cuộc thanh tra, kiểm tra, gồm 09 cuộc triển khai kỳ trước chuyển sang, 08 cuộc triển khai trong kỳ báo cáo (trong đó: 5 cuộc thanh tra theo kế hoạch và 02 cuộc thanh tra đột xuất).

Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính 5.010.878 triệu đồng tại 08 đơn vị; trong đó, kiến nghị thu nộp ngân sách nhà nước 467.098 triệu đồng; xử lý tài chính khác 4.543.781 triệu đồng. Các đơn vị được thanh tra đã thực nộp ngân sách nhà nước số tiền 101.178 triệu đồng (bao gồm 190 triệu đồng tiền xử phạt vi phạm hành chính).

Công tác xử lý sau thanh tra cũng được thực hiện đúng quy định và quy trình xử lý sau thanh tra từ khâu tiếp nhận hồ sơ, theo dõi đôn đốc, xử lý giải trình kiến nghị của đối tượng thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kiến nghị thanh tra.

Triển khai thanh tra, kiểm tra phù hợp với tình hình diễn biến dịch

Theo Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Huy Trường, trong những tháng còn lại của năm 2021, các đơn vị cần thường xuyên cập nhật tình hình thực tiễn, thời sự ảnh hưởng đến tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh của đơn vị; bám sát chỉ đạo, định hướng của Quốc hội, Chính phủ; nắm bắt thông tin về tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp để điều chỉnh kế hoạch thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.

Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra thuộc Bộ cần tổ chức triển khai kịp thời kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã được phê duyệt; bố trí lực lượng, tổ chức triển khai có hiệu quả để hoàn thành kế hoạch được giao; thực hiện tốt cơ chế giám sát đoàn thanh tra để đảm bảo phòng ngừa, phát hiện, ngăn chăn và xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong quá trình thanh tra, kiểm tra.

Các đơn vị cần đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành từ công tác xây dựng kế hoạch đến công tác phối hợp hoạt động thanh tra, kiểm tra giữa các đơn vị thanh tra tài chính. Bám sát chủ trương, định hướng của Chính phủ, của Bộ; chủ động, khẩn trương triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2021 được Bộ phê duyệt, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch được giao.

Chương trình cải cách và hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra cũng cần được đẩy mạnh. Theo đó, các đơn vị thanh tra ngành Tài chính tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hệ thống quản lý thông tin phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra trong toàn Ngành; chú trọng phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý rủi ro và các phần mềm phân tích, phân loại đối tượng. Từ đó, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm mới của đối tượng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phòng, chống các hành vi vi phạm.