Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất mức thuế suất phù hợp với mặt hàng phôi thép

Việt Dũng

Vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản đề nghị rà soát, đánh giá toàn diện tác động của việc điều chỉnh thuế với phôi thép. Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở ý kiến của Bộ Công Thương, VCCI, Hiệp hội Thép và các doanh nghiệp sản xuất thép, Bộ Tài chính đang nghiên cứu, rà soát để có mức thuế suất phù hợp đối với mặt hàng phôi thép.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tại văn bản góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2020/NĐ-CP về Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá lại nguyên nhân dẫn đến việc giá thép xây dựng tăng cao, đồng thời rà soát, đánh giá toàn diện tác động của việc điều chỉnh thuế với phôi thép, từ đó xây dựng phương án điều chỉnh phù hợp. 

Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 ngày 06/4/2016 và Nghị định số 57/2020/NĐ-CP, thuế xuất khẩu được áp dụng chủ yếu đối với những mặt hàng là tài nguyên, khoáng sản không tái tạo cần giữ lại cho sản xuất trong nước. 

Mức thuế xuất khẩu được xây dựng dựa theo nguyên tắc áp dụng mức cao đối với nguyên liệu, tài nguyên ở dạng thô và giảm dần đến các sản phẩm có mức độ chế biến cao hơn nhằm hạn chế xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên chưa qua chế biến.

Theo nguyên tắc này, mức thuế xuất khẩu đối với nhóm nguyên liệu thô để sản xuất thép (quặng, thép phế liệu) hiện nay đã được quy định bằng mức trần khung thuế xuất khẩu (40% đối với quặng và 15-17% đối với phế liệu). Riêng mặt hàng phôi thép (thép thô), đây là bán thành phẩm được sản xuất từ quặng và thép phế liệu nên mức thuế suất thuế xuất khẩu đang được quy định là 0%.

Theo Bộ Công Thương, năm 2021, phôi thép các loại trong nước sản xuất dự kiến đạt khoảng 21,2 triệu tấn, đủ đáp ứng nhu cầu trong nước và dành cho xuất khẩu. Số liệu của Hiệp hội Thép cho thấy năm 2020, xuất khẩu phôi thép đạt khoảng 4 triệu tấn và trong 6 tháng đầu năm 2021 là 1,7 triệu tấn (giảm 9% so với cùng kỳ). Năm 2020, hai doanh nghiệp sản xuất phôi thép xuất khẩu lớn nhất là Tập đoàn Hòa Phát xuất khẩu 1,65 triệu tấn và Công ty Formosa xuất khẩu 1,48 triệu tấn, chiếm hầu hết sản lượng phôi xuất khẩu của cả nước.

Để đạt được sản lượng và mức đầu tư ngành phôi thép như hiện nay, Chính phủ đã có nhiều giải pháp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất như: áp dụng chính sách thuế (thuế xuất khẩu 0%), áp dụng thuế nhập khẩu và thuế phòng vệ thương mại để hạn chế nhập khẩu, khuyến khích xuất khẩu. Ngành thép cũng từng bước tự chủ được công nghệ và năng lực sản xuất phôi thép, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất thép xây dựng trong nước và xuất khẩu được ra nước ngoài.

Bộ Tài chính cho biết, Bộ Công Thương và Hiệp hội Thép cũng đã có đánh giá việc tăng giá phôi thép thời gian qua. Theo đó, việc tăng giá thép chủ yếu do giá nguyên liệu đầu vào trên thị trường thế giới tăng cao và sản xuất phôi thép trong nước phần lớn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là quặng sắt và thép phế liệu. Trên 90% quặng để sản xuất phôi trong nước hiện nay là từ nhập khẩu.

Về sản lượng sản xuất, theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong nước sản xuất phôi thép đang dư thừa công suất. Nhiều ý kiến cho rằng, việc đặt vấn đề tăng thuế xuất khẩu phôi thép sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất phôi thép do dư thừa công năng, làm gia tăng hàng tồn kho. Nguồn cung phôi thép sản xuất trong nước đang dư nên việc tăng thuế xuất khẩu phôi thép cũng chưa hẳn sẽ góp phần làm giảm giá thành thép thành phẩm. Để thúc đẩy ngành Thép phát triển bền vững, hạn chế việc khai thác nguồn điện giá rẻ để sản xuất phôi thép, cần phải có các giải pháp tổng thể khác.

Do đó, trên cơ sở ý kiến của Bộ Công Thương, VCCI, Hiệp hội Thép và các doanh nghiệp sản xuất thép nêu trên, Bộ Tài chính đang nghiên cứu, rà soát để có mức thuế suất phù hợp đối với mặt hàng phôi thép.