Bộ Tài chính sát cánh cùng doanh nghiệp qua các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí

Trần Huyền (thực hiện)

Lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm trong xây dựng chính sách, thời gian qua, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là các chính sách về thuế, phí và lệ phí trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hưng - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) xoay quanh nội dung này.

Phóng viên: Dịch bệnh COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội, xin ông cho biết, Bộ Tài chính đã có những chính sách gì về thuế, phí và lệ phí để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn này?

Ông Nguyễn Quốc Hưng - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính).
Ông Nguyễn Quốc Hưng - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính).

Ông Nguyễn Quốc Hưng: Ngay từ năm 2020, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 phù hợp với bối cảnh, điều kiện của đất nước, Bộ Tài chính chủ động nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách về gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất; miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế. Tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành thực hiện năm 2020 đạt khoảng 129 nghìn tỷ đồng, trong đó số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 97,5 nghìn tỷ đồng, số được miễn, giảm hơn 31,5 nghìn tỷ đồng. 

Bước sang năm 2021, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh này, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021; giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng; tiếp tục giảm mức thu hơn 30 loại phí, lệ phí đến hết năm 2021; thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động bởi dịch COVID-19. Tính chung các chính sách đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính thực hiện từ đầu năm 2021 và các chính sách đề xuất bổ sung thì số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân là trên 138 nghìn tỷ đồng.

Phóng viên: Có thể thấy các chính sách hỗ trợ đã rất bao quát, có ý nghĩa to lớn đối với người dân, doanh nghiệp. Vậy, trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật, Bộ Tài chính có giải pháp gì để các chính sách này nhanh chóng đi vào cuộc sống, tới các đối tượng cần được hỗ trợ?

Ông Nguyễn Quốc Hưng: Trong quá trình xây dựng các giải pháp nêu trên, từ kinh nghiệm thực tế và tham khảo ý kiến rộng rãi của cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong xã hội, Bộ Tài chính đã đề xuất ban hành chính sách theo trình tự rút gọn. Đồng thời, xây dựng chính sách một cách rõ ràng, giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ nhằm đưa các giải pháp nhanh chóng tới được các đối tượng cần hỗ trợ.

Tại các văn bản quy phạm pháp luật được Bộ Tài chính ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đều đã quy định rõ việc áp dụng ngay các giải pháp hỗ trợ mà không phải chờ báo cáo mức độ ảnh hưởng của doanh nghiệp. Đồng thời, trên cơ sở quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn, các đối tượng thụ hưởng sẽ tự xác định, kê khai số thuế phải nộp dựa trên quy định của pháp luật về thuế và điều kiện thực tế của mình, đảm bảo việc thực hiện công khai, minh bạch và thuận lợi.

Trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ trong thực tiễn, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo các đơn vị, đặc biệt là cơ quan thuế, hải quan khẩn trương hướng dẫn người dân, doanh nghiệp nắm rõ và thực hiện các thủ tục để được hưởng ưu đãi theo đúng đối tượng. Đồng thời, tập trung giải quyết các đơn đề nghị được hưởng chính sách hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp một cách nhanh nhất nhằm kịp thời đưa chính sách đi vào cuộc sống, đến với các đối tượng được hỗ trợ.

Phóng viên: Trong thời gian tới, Bộ Tài chính dự kiến sẽ có thêm chính sách nào để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Hưng: Ngoài các chính sách đã ban hành và dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động bởi dịch COVID-19 như tôi đề cập ở trên, Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Với tinh thần đồng hành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tổng kết, đánh giá việc thực hiện các giải pháp đã ban hành thời gian qua, bám sát diễn biễn thực tế và điều kiện của ngân sách để nghiên cứu, đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí, lệ phí cho phù hợp.

Cùng với việc xây dựng, triển khai các giải pháp về chính sách, Lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo toàn Ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh hiện đại hoá, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân..., góp phần kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện để doanh nghiệp, người dân hoạt động ổn định và phát triển.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!