Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiếp xúc cử tri tại huyện Tây Sơn, Bình Định

Theo Minh Anh/thoibaotaichinhvietnam.vn

Sáng 12/5, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tại huyện Tây Sơn. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định; bà Lý Tiết Hạnh - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định dự cuộc tiếp xúc.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri huyện Tây Sơn, Bình Định. Ảnh: Minh Tuấn.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri huyện Tây Sơn, Bình Định. Ảnh: Minh Tuấn.

Kỳ họp thứ 3 bàn nhiều vấn đề quan trọng

Tại hội nghị, bà Lý Tiết Hạnh - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định báo cáo tóm tắt nội dung chính của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV và những kiến nghị của cử tri huyện, tỉnh.

Bà Lý Tiết Hạnh cho biết, kỳ họp thứ 3 khai mạc vào ngày 23/5 tới và dự kiến bế mạc vào ngày 17/6/2022. Quốc hội sẽ họp tập trung toàn kỳ tại tòa nhà Quốc hội, Ba Đình, Hà Nội.

Dự kiến tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 5 dự án luật, 4 dự thảo nghị quyết gồm: Luật Cảnh sát cơ động, Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, bà Lý Tiết Hạnh cho biết, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiếp xúc cử tri tại huyện Tây Sơn, Bình Định
Cử tri tại huyện Tây Sơn, Bình Định hỏi một số vấn đề liên quan đến cải cách tiền lương, phát triển nông nghiệp... Ảnh: Minh Tuấn.

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ xem xét Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; xem xét, quyết định việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Theo bà Lý Tiết Hạnh, Quốc hội sẽ rút dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ra khỏi dự kiến chương trình kỳ họp do còn một số vấn đề lớn cần có ý kiến chỉ đạo định hướng của cấp có thẩm quyền và để có thêm thời gian chuẩn bị.

Đối với các kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã gửi các kiến nghị đến các bộ, ngành trung ương, từ đó sẽ tập hợp để gửi đến bà con cử tri.

Đối với cử tri huyện Tây Sơn, có 9 vấn đề được kiến nghị, gồm: hỗ trợ giá lúa, một số vấn đề về nông nghiệp, giá vật tư nguyên liệu đầu vào khó khăn, giá xăng dầu tăng cao, tăng cường quản lý thị trường, chống sạt lở bờ sông, về dồn điền đổi thửa… Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổng hợp và các sở, ngành, chức năng đã có trả lời cụ thể.

Trả lời nhiều kiến nghị liên quan đến “quốc kế dân sinh”

Cử tri tại huyện Tây Sơn kiến nghị một số vấn đề liên quan đến mức lương cơ bản; chính sách về nhà ở, đất ở cho các hộ chính sách; các tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Cử tri huyện Tây Sơn cho rằng, mức lương cơ bản qua nhiều năm chưa được xem xét, điều chỉnh, trong khi giá cả thị trường tăng cao. Cử tri đề nghị Quốc hội xem xét tăng mức lương cơ sở, đảm bảo đời sống của cán bộ, công chức, viên chức.

Có ý kiến cho rằng, cần sớm có chính sách tạo điều kiện cho hộ chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trong việc mua nhà ở, đất ở, cải thiện đời sống.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiếp xúc cử tri tại huyện Tây Sơn, Bình Định
Cuộc tiếp xúc nhận được sự quan tâm của đông đảo bà con cử tri huyện Tây Sơn. Ảnh: Minh Tuấn.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, cử tri cho biết, hiện có 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, với mức cho các vùng là khác nhau. Trong quá trình thực hiện xuất hiện nhiều vướng mắc. Do đó, cử tri đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể, đặc biệt là các chỉ tiêu về y tế, giáo dục, góp phần nâng cao đời sống và sức khỏe cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định tiếp thu các kiến nghị của cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền và đôn đốc để trả lời kiến nghị của bà con cử tri.

Về kiến nghị mức lương cơ bản 1.490.000 đồng, Bộ trưởng cho biết, Hội đồng tiền lương quốc gia trước đó đã quyết định nâng lương cơ bản từ 1/7/2021. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19, đã ảnh hưởng những kế hoạch của đất nước, do đó Quốc hội đã quyết định lùi thời hạn thực hiện cải cách tiền lương.

6 tháng đầu năm 2021, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh, thời điểm đó, dự kiến thu ngân sách trung ương sụt giảm 30-40 nghìn tỷ đồng. Chính phủ đã rất nỗ lực trong điều hành, vừa thành lập Quỹ Vắc-xin phòng COVID-19, vừa trích ngân sách, vừa trích quỹ để mua vắc-xin. Quỹ hiện nay có hơn 9 nghìn tỷ đồng, đến nay đã tiêm 215 triệu liều vắc- xin cho trên 98 triệu dân. Đợt 2 tiếp tục tổ chức tiêm phòng cho trẻ em từ 5-12 tuổi. Đến nay, Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia đi đầu trong tiêm chủng, góp phần bình thường hóa, phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiếp xúc cử tri tại huyện Tây Sơn, Bình Định
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc và đoàn công tác đã đến dâng hoa, dâng hương tại Khu di tích Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt. Ảnh: Minh Tuấn.

Thông tin trước cử tri huyện Tây Sơn, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, với sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cũng như của toàn ngành Tài chính, năm 2021, thu ngân sách nhà nước đã tăng 16% dự toán, tăng 225 nghìn tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương tăng 53 nghìn tỷ đồng. Số tiền này đã được sử dụng để đầu tư trở lại, nhất là các dự án đầu tư có sức lan tỏa lớn, thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, trước những khó khăn, tác động sâu rộng của dịch COVID-19 và không để lỡ nhịp với đà phục hồi kinh tế của khu vực và thế giới, ngày 11/1/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, Chính phủ thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ. Ngay sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết, Bộ Tài chính đã rất khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2022) quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 nêu trên.

Dự kiến các chính sách này sẽ có tác động giảm thu ngân sách nhà nước của năm 2022 khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng là khoảng 49,4 nghìn tỷ đồng; thực hiện chi phí được trừ đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động, phòng, chống dịch COVID-19 là khoảng 2 nghìn tỷ đồng...

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiếp xúc cử tri tại huyện Tây Sơn, Bình Định
Đại diện Công ty Vietlott đã trao phần quà trị giá 5 tỷ đồng xây dựng Trường Tiểu học Vĩnh An. Ảnh: Minh Tuấn.

Liên quan đến việc cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, mặc dù đã hoãn thời điểm thi hành cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức từ 1/7/2022 cho đến khi có văn bản mới hướng dẫn, tuy nhiên, vào thời điểm cuối năm 2021, ngày 13/11/2021 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 34/2021/QH15 nhằm điều chỉnh các chính sách tiền lương phù hợp với tình hình thực tế. Trong thời điểm hiện nay, rất cần sự chia sẻ của khối lao động trong và ngoài nhà nước ở bối cảnh còn nhiều khó khăn này.

Người đứng đầu ngành Tài chính cũng chia sẻ với bà con cử tri trong thời điểm hiện nay, lạm phát thế giới tăng cao, việc nhập khẩu nhiều nhiên, nguyên vật liệu đã ảnh hưởng tới giá cả và đời sống của bà con.

Về phía mình, Bộ Tài chính tiếp tục tham mưu Chính phủ điều hành phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, đảm bảo các mục tiêu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, cần phải xác định mục tiêu tổng quát là tiếp tục triển khai chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản; đồng thời, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Với các vấn đề khác, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc xin tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri, tiếp tục gửi kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đáp ứng nguyện vọng của bà con. “Kiến nghị của cử tri là mục tiêu chúng tôi hướng tới và phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ” - người đứng đầu ngành Tài chính nói.

Nhân dịp này, đại diện Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott), ông Nguyễn Thanh Đạm - Tổng giám đốc Vietlott, đã trao phần quà trị giá 5 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng Trường tiểu học Vĩnh An, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.