Cải cách, rút ngắn thời gian thông quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

PV.

Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, lực lượng hải quan đã chủ động tham mưu, triển khai nhiều giải pháp rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng hóa nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu song hành với áp dụng quản lý rủi ro, kiểm soát chặt chẽ xuất xứ hàng hóa...

Ông Lê Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) phát biểu tại Diễn đàn Thuế 2020 sáng ngày 18/12/2020.
Ông Lê Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) phát biểu tại Diễn đàn Thuế 2020 sáng ngày 18/12/2020.

Rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng hóa

Tham luận tại Diễn đàn Thuế 2020 do Thời báo Tài chính Việt Nam (Bộ Tài chính) tổ chức sáng ngày 18/12/2020, ông Lê Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho biết, thời gian qua, lực lượng hải quan đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính về hải quan, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Ngay khi dịch bệnh bùng phát, Hải quan Việt Nam đã triển khai nhanh các biện pháp ở cả cấp Tổng cục Hải quan và các cục hải quan tỉnh, thành phố; thực hiện chế độ trực, tổng hợp thông tin và báo cáo tình hình hàng ngày về dịch bệnh ảnh hưởng đến các cục hải quan địa phương, cũng như các thông tin cập nhật liên quan đến tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu để kịp thời nắm bắt, chỉ đạo. Đặc biệt là quản lý chặt các trang thiết bị, vật tư phục vụ phòng, chống dịch.

Nhằm đảm bảo hoạt động giao thương, tạo thuận lợi thương mại trong tình hình dịch bệnh bùng phát ở trong nước và các nước trên thế giới, Hải quan Việt Nam tập trung thực hiện việc rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng hóa thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào thông quan, giải phóng hàng hóa, tránh tối đa việc tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ hải quan với người làm thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa.

Lực lượng Hải quan đã kịp thời nắm tình hình, giải quyết các vướng mắc phát sinh, đưa ra các giải pháp, biện nhằm thông quan, giải phóng nhanh hàng hóa, như: Chỉ đạo triển khai thông quan nhanh hàng hóa, đặc biệt là hàng viện trợ trong phòng, chống dịch; chỉ đạo việc giảm các trường hợp phải lấy mẫu để phân tích, giám định, phân loại hàng hóa, rút ngắn thời gian trả mẫu, nâng tỷ lệ thông báo kết quả phân tích, phân loại trước hạn và đúng hạn; đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan; giải quyết vấn đề ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu...

Để tháo gỡ những khó khăn về thuế liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Tổng cục Hải quan đã chủ động rà soát, xây dựng và tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đặc biệt là chính sách miễn thuế đối với các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch Covid-19.

Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan trình Bộ Tài chính ban hành danh mục linh kiện nhập khẩu để sản xuất máy thở phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 được miễn thuế nhập khẩu cho đến khi có văn bản công bố hết dịch Covid-19 của cơ quan có thẩm quyền; phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính trình Chính phủ tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục thành lập doanh nghiệp chế xuất và áp dụng chính sách thuế đối với doanh nghiệp chế xuất.

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh

Trong thời gian tới, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, lực lượng hải quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch, công khai, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hoá, phương tiện vận tải; giảm chi phí, thời gian của người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hải quan; Tiếp tục mở rộng việc ký kết nộp thuế điện tử với các ngân hàng thương mại theo Đề án nộp thuế 24/7.

Tiếp tục rà soát hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; rà soát, cắt giảm các khoản phí, lệ phí, thuế có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Cơ quan hải quan sẽ trình cấp có thẩm quyền về giảm tiền chậm nộp đối với doanh nghiệp sản xuất, trực tiếp nhập khẩu hàng hóa để tạo tài sản cố định bị cơ quan hải quan ấn định thuế giá trị gia tăng và đã nộp đủ số tiền thuế giá trị gia tăng bị ấn định trước ngày 01/3/2020 nhưng còn nợ tiền chậm nộp.

Thu ngân sách của ngành Hải quan năm 2020 ước tính đạt 309.000 - 310.000 tỷ đồng, bằng 91,4% dự toán, giảm 11% so với năm 2019 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kim ngạch các mặt hàng có thuế sụt giảm mạnh.

Theo ông Lê Mạnh Hùng, để tiếp tục rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng hóa, ngành Hải quan tiếp tục tăng cường trang bị máy móc, thiết bị hỗ trợ công chức hải quan trong quá trình kiểm tra thực tế hàng hóa, giám sát việc vận chuyển hàng hóa, như: máy soi container, thiết bị giám sát hành trình, niêm phong điện tử, thiết bị kiểm tra.

Đồng thời, áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan, giảm tỷ lệ luồng vàng, luồng đỏ, tăng tỷ lệ luồng xanh; rà soát, xem xét sửa đổi, bãi bỏ các văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý, kiểm tra, việc tăng cường kiểm tra chỉ áp dụng trong một giai đoạn nhất định, với doanh nghiệp, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cụ thể; Cắt giảm các trường hợp phải lấy mẫu để phân tích, giám định, phân loại hàng hóa; rút ngắn thời gian trả mẫu, nâng tỷ lệ thông báo kết quả phân tích, phân loại trước hạn và đúng hạn; tiếp tục thực hiện tự động gia hạn đối với doanh nghiệp ưu tiên đến thời hạn gia hạn chế độ ưu tiên.