Tổng cục Hải quan:

Chấn chỉnh việc hoàn thuế, xử lý tiền thuế nộp thừa và thực hiện Chương trình ưu đãi thuế

Huy An

Tổng cục Hải quan vừa có Công văn số 1163/TCHQ-TXNK gửi các Cục Hải quan tỉnh, thành phố để chấn chỉnh công tác hoàn thuế, xử lý tiền thuế nộp thừa và việc thực hiện Chương trình ưu đãi thuế theo Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017, Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 và Nghị định số 101/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kiểm tra chấn chỉnh việc hoàn thuế, xử lý tiền thuế nộp thừa

Theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua, việc hoàn thuế, xử lý tiền thuế nộp thừa vẫn còn một số tồn tại như: Việc phân loại hồ sơ hoàn thuế không đúng theo quy định tại Điều 73 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Điều 22 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, khoản 2 Điều 12 Thông tư số 06/2021/TT-BTC ngày 22/01/2021 của Bộ Tài chính (ví dụ: Hồ sơ hoàn thuế thuộc diện hoàn trước kiểm sau nhưng phân loại thành hồ sơ kiểm trước, hoàn sau...).

Cùng với đó, thời gian xử lý hồ sơ hoàn thuế không đúng quy định tại Điều 75 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 (ví dụ: Thời gian xử lý hồ sơ thuộc diện hoàn trước quá 6 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan hải quan có thông báo về việc chấp nhận hồ sơ và thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế...).

Bên cạnh đó, còn có tình trạng thực hiện hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh đã đưa vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu, nhưng không xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài hoặc không xuất khẩu vào khu phi thuế quan theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ.

Một tồn tại khác cũng được Tổng cục Hải quan đề cập là việc chưa thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước theo nguyên tắc rủi ro trong quản lý thuế và trong thời hạn 5 năm kể từ ngày ban hành quyết định hoàn thuế quy định tại khoản 1 Điều 77 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, khoản 4 Điều 12 Thông tư số 06/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính...

Để khắc phục những tồn tại trên, Tổng cục Hải quan yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố kiểm tra, chấn chỉnh việc tiếp nhận, giải quyết thời hạn hoàn thuế theo đúng quy định.

Đối với hồ sơ hoàn thuế thuộc diện kiểm tra trước khi hoàn thuế nhưng đã phân loại thuộc diện hoàn trước kiểm tra sau thì phải tổ chức kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đối với tất cả các trường hợp này theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Thông tư số 06/2021/TT-BTC.

Đồng thời, các Cục Hải quan tỉnh, thành phố kiểm tra, rà soát các trường hợp hoàn thuế hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh nhưng đã đưa vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu và đã xuất khẩu sản phẩm theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Trường hợp phát hiện đã hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh đã đưa vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu, nhưng không xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài hoặc không xuất khẩu sản phẩm vào khu phi thuế quan thì thực hiện thu hồi số tiền thuế đã hoàn theo quy định.

Cùng với đó, thực hiện thủ tục hoàn thuế  đối với trường hợp người nộp thuế đã nộp thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu nhưng không có hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu ít hơn so với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu đã nộp thuế theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 37 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP.

Trường hợp cơ quan hải quan đã thực hiện hoàn trả tiền thuế cho người nộp thuế theo thủ tục xử lý tiền thuế nộp thừa thì thông báo cho người nộp thuế thực hiện nộp hồ sơ hoàn thuế theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 06/2021/TT-BTC, hồ sơ hoàn thuế theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP. Cơ quan hải quan thực hiện thủ tục tiếp nhận, xử lý hồ sơ hoàn thuế theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 06/2021/TT-BTC.

Ngoài các giải pháp trên, Tổng cục Hải quan yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan thuế tại địa phương để thu thập, trao đổi thông tin phục vụ kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế; kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế theo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, Nghị định số 18/2021/NĐ-CP, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, Thông tư số 06/2021/TT-BTC...

Thực hiện Chương trình ưu đãi thuế đúng theo quy định

Bên cạnh chấn chỉnh về công tác hoàn thuế, xử lý tiền thuế nộp thừa, Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện Chương trình ưu đãi thuế đúng theo quy định tại Điều 7a, Điều 7b Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017, Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 và Nghị định số 101/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021 của Chính phủ.

Chỉ ra một số tồn tại trong thực hiện Chương trình ưu đãi thuế thời gian qua, Tổng cục Hải quan cho rằng, một số Chi cục hải quan chưa thực hiện thông báo doanh nghiệp đăng ký tham gia Chương trình ưu đãi thuế tại Điều 7a, Điều 7b theo Công văn số 1636/TCHQ-TXNK ngày 27/3/2018 (Điều 7a) và Công văn số 4929/TCHQ-TXNK ngày 24/7/2020 (Điều 7a và Điều 7b) để Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) cập nhật trên website của Ngành ngay sau khi nhận được hồ sơ đăng ký tham gia Chương trình của doanh nghiệp.

Ngoài ra, nhiều mặt hàng khai báo mô tả hàng hóa trên tờ khai hải quan không đúng quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC, Thông tư số 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính và hướng dẫn tại Công văn số 1636/TCHQ-TXNK ngày 27/3/2018 của Tổng cục Hải quan như: Không khai báo rõ thông số kĩ thuật, thành phần cấu tạo, model, ký/mã hiệu, đặc tính, công dụng... để làm cơ sở phân loại, áp dụng mã số hàng hóa và xác định mức độ rời rạc của linh kiện nhưng vẫn áp dụng mã số chi tiết của nhóm 98.49.

Hoặc như trường hợp ủy thác nhập khẩu, hồ sơ đề nghị áp dụng thuế suất 0% của nhóm 98.49 chỉ có hợp đồng ủy thác nhập khẩu, công chức hải quan chỉ kiểm tra hợp đồng ủy thác mà không kiểm tra thực tế có thực hiện giao dịch ủy thác này không...

Để chấn chỉnh tình trạng trên, Tổng cục Hải quan yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện đúng các quy định tại Điều 7a Nghị định số 125/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP và Nghị định số 101/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021, Điều 7b Nghị định số 57/2020/NĐ-CP theo từng thời điểm hiệu lực của các Nghị định và các công văn chỉ đạo của Tổng cục Hải quan.

Các đơn vị thực hiện thủ tục thông báo doanh nghiệp đăng ký tham gia Chương trình Điều 7a, Điều 7b theo hướng dẫn tại Công văn số 1636/TCHQ-TXNK ngày 27/3/2018 (Điều 7a) và Công văn số 4929/TCHQ-TXNK ngày 24/7/2020 (Điều 7a và Điều 7b) để Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan cập nhật kịp thời trên website của Ngành. Thực hiện kiểm tra khai báo mô tả tên hàng theo hướng dẫn tại Công văn số 1636/TCHQ-TXNK 27/3/2018 và Công văn số 3379/TCHQ-TXNK ngày 15/6/2019 của Tổng cục Hải quan.

Đồng thời, các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện kiểm tra hồ sơ, kiểm tra đối tượng và các điều kiện áp dụng Chương trình ưu đãi thuế theo quy định tại khoản 7 Điều 7a Nghị định số 125/2017/NĐ-CP, Nghị định số 57/2020/NĐ-CP, Nghị định số 101/2021/NĐ-CP và hướng dẫn tại Công văn số 3782/TCHQ-TXNK ngày 28/6/2018 của Tổng cục Hải quan; thực hiện đúng công tác báo cáo số liệu hoàn thuế theo Công văn số 3782/TCHQ-TXNK ngày 28/6/2018 và Công văn số 6065/TCHQ-TXNK ngày 15/9/2020 của Tổng cục Hải quan...