Chống thất thu ngân sách từ thuế chuyển nhượng nhà đất

Theo Sông Trà/nhandan.vn

Bước vào những tháng cuối năm, chủ trương, chính sách miễn, giảm thuế do dịch bệnh kéo dài một lần nữa đặt cơ quan thuế trước những khó khăn mới, khi tổng số thuế giãn, giảm, miễn dự kiến vào khoảng hàng chục nghìn tỷ đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Rõ ràng, có thể thấy, công tác thuế sáu tháng cuối năm có nhiệm vụ rất nặng nề, cần các hệ giải pháp linh hoạt, vừa bảo đảm nguyên tắc tuân thủ pháp luật thuế, vừa bảo đảm mục tiêu chính sách hỗ trợ, giãn, giảm thuế.

Chính vì vậy, Tổng cục Thuế yêu cầu toàn ngành Thuế phải đặt quyết tâm cao, thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ nhiều giải pháp quản lý thuế để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách được giao năm 2021.

Trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đó, Tổng cục Thuế yêu cầu quyết liệt triển khai đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả các chức năng quản lý thuế, đặc biệt là chín nhiệm vụ và 25 nhóm giải pháp, bảo đảm thực hiện thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước (NSNN). Trong đó, chống thất thu thuế được coi là giải pháp quan trọng thực hiện Luật Quản lý Thuế và Dự toán thu NSNN.

Xác định rõ các loại thuế còn thất thu

Theo đó, trong những tháng cuối năm, cơ quan thuế các cấp cần tập trung bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, UBND các cấp để triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu. Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu ngân sách cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế.

Qua đó, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu, kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả; kiến nghị với UBND chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương cùng phối hợp cơ quan thuế để tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách. Kịp thời đề xuất các phương án chỉ đạo, điều hành thu phù hợp, hiệu quả. Rà soát các nguồn thu còn dư địa, còn tiềm năng để khai thác tăng thu, bù đắp một phần số giảm thu NSNN do dịch Covid-19 gây ra như thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản.

Thực hiện nhiệm vụ, giải pháp do Tổng cục Thuế chỉ đạo, nhiều cục thuế địa phương đã tăng cường nguồn lực phục vụ nhiệm vụ hành thu. Tại TP Hà Nội, Cục Thuế TP Hà Nội đã yêu cầu đề cao tính chủ động trong chỉ đạo, triển khai công việc, giao nhiệm vụ thu NSNN, ban hành văn bản yêu cầu các phòng và các Chi cục Thuế nghiêm chỉnh thực hiện kỷ cương, kỷ luật trong chỉ đạo, điều hành, quản lý thu ngân sách và phấn đấu; tập trung triển khai đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp quản lý thu NSNN.

Ðồng thời, để tiếp tục phát huy sức mạnh của toàn hệ thống chính trị Thủ đô trong công tác thu NSNN, Cục Thuế TP Hà Nội cũng đã gửi văn bản đề nghị các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường phối hợp thu NSNN. Tham mưu thành phố có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương phối hợp cơ quan thuế trong triển khai công tác quản lý thuế.

"Chúng tôi phải tiếp tục tăng cường quản lý đối tượng nộp thuế, giám sát kê khai thuế; quản trị các khoản tiền thuế - tiền thuê đất phải nộp khi hết thời gian được gia hạn để kịp thời cảnh báo, nhắc nhở người nộp thuế nộp vào ngân sách đúng hạn. Nắm bắt kịp thời những hình thức sản xuất, kinh doanh mới để có phương pháp quản lý hiệu quả; mở rộng cơ sở thuế qua các chuyên đề quản lý thuế như thương mại điện tử, dịch vụ lưu trú, cá nhân chuyển nhượng bất động sản… để vừa bù đắp các khoản thuế đã được miễn, giảm, giãn, vừa thực hiện công bằng trong quản lý thuế.

Ðồng thời cũng đẩy nhanh tiến độ triển khai Ðề án "rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu thu NSNN" để phân tích, đánh giá thực trạng và xu hướng nguồn thu - cơ cấu nguồn thu ngân sách; nghiên cứu, đề xuất giải pháp nhằm khai thác tăng thu, nuôi dưỡng nguồn thu, chuyển dịch cơ cấu nguồn thu ngân sách của thành phố theo hướng bền vững cho giai đoạn 2021 - 2025, Phó cục trưởng Thuế TP Hà Nội Nguyễn Tiến Trường cho biết.

Tại TP Hồ Chí Minh, cơ quan thuế các cấp đều tập trung tăng cường công tác quản lý thu đối với các khoản thu từ đất; phối hợp với các sở, ngành trong công tác xác định nghĩa vụ tài chính liên quan từ đất một cách sát thực tế, đôn đốc kịp thời vào NSNN đối với các khoản thu đã có thông báo thực hiện nghĩa vụ tài chính; phải xác định được mũi nhọn, trọng tâm cho công tác hành thu để bảo đảm nguồn thu chính đáng, minh bạch, công bằng trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh gây ra, bảo đảm nguồn lực cho chính quyền cùng nhân dân chống dịch, lãnh đạo Cục Thuế TP Hồ Chí Minh khẳng định.

Quyết liệt thu thuế theo thực tế phát sinh

Tại Cục Thuế tỉnh Lâm Ðồng, với số thu pháp lệnh Trung ương giao là 7.985,5 tỷ đồng; HÐND và UBND tỉnh giao 9.300 tỷ đồng, cho tới hết tháng 7 lũy kế đã thu được 7.223,4 tỷ đồng, tăng 38% so cùng kỳ. Trong đó, có sự đóng góp rất đáng kể từ số thu từ thuế, phí với số thu cụ thể là 4.136,3 tỷ đồng, hoàn thành 75% dự toán thu ngân sách của địa phương.

Nguyên nhân, tăng chủ yếu từ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) chuyển nhượng bất động sản (tăng 40%) do lượng hồ sơ chuyển nhượng tăng, đồng thời cơ quan thuế phối hợp cơ quan công an xác minh giá chuyển nhượng thực tế đối với giao dịch chuyển nhượng bất động sản, qua đó người nộp thuế đã khai giá chuyển nhượng sát với giá thị trường, từ đó làm tăng số thuế TNCN phải nộp. Báo cáo của Cục Thuế Lâm Ðồng đánh giá, để đạt được số thu này một phần là do số lượng hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất tăng so với cùng kỳ, một phần do thu nợ tiền sử dụng đất được ghi nợ của các năm trước.

Ðây cũng là cách làm hay của Lâm Ðồng, khi nhanh chóng nắm bắt được tình hình thực tế tại địa bàn tỉnh, chỉ đạo các chi cục thuế phải bám sát hiệu quả của việc triển khai các dự án trọng điểm (nhất là dự án đường cao tốc Dầu Giây - Bảo Lộc) đã làm cho thị trường chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn thành phố Bảo Lộc, các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà sôi động. Ðồng thời, cơ quan thuế đã áp dụng nhiều biện pháp đấu tranh với tình trạng khai thấp giá trị giao dịch bất động sản để né thuế, qua đó tác động tích cực đến công tác thu NSNN tại địa bàn.

Không chỉ riêng Lâm Ðồng, nhiều địa phương có tình trạng sốt nhà đất cục bộ như Bà Rịa - Vũng Tàu; Quảng Ninh; Hải Phòng; Thanh Hóa… cũng triển khai, áp dụng các biện pháp quản lý thuế mới này. Theo lãnh đạo Cục Thuế Bà Rịa - Vũng Tàu, để bảo đảm số thu ngân sách đã được giao, Cục Thuế thường xuyên quan tâm chỉ đạo và triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao công tác quản lý khai thác các nguồn thu từ đất; tham mưu, báo cáo UBND tỉnh xử lý đối với các dự án chậm triển khai và dây dưa thực hiện nghĩa vụ tài chính để kịp thời thu nợ ngân sách, góp phần thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách; thường xuyên kiểm tra, rà soát tình hình thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất. Phối hợp Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, điều chỉnh đơn giá thuê đất kịp thời, đầy đủ khi hết thời gian ổn định đơn giá thuê đất của các dự án thuê đất trên địa bàn tỉnh.

Việc tập trung khai thác nguồn thu từ thuế chuyển nhượng bất động sản sát với thực tế giao dịch là cách làm đúng định hướng của cơ quan thuế các cấp trong bối cảnh kinh tế - xã hội chung.