Đẩy mạnh triển khai kế hoạch vay và trả nợ công giai đoạn 2021-2025 ngay từ đầu năm

Hoa Sơn

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai chương trình công tác năm 2021 của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà yêu cầu Cục cần đẩy mạnh triển khai kế hoạch vay và trả nợ 5 năm (giai đoạn 2021-2025) ngay những tháng đầu năm 2021.

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai chương trình công tác năm 2021 của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại. Ảnh: Đức Minh/thoibaotaichinhvietnam.vn
Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai chương trình công tác năm 2021 của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại. Ảnh: Đức Minh/thoibaotaichinhvietnam.vn

Chiều ngày 4/1/2021, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai chương trình công tác năm 2021. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Thông tin tại hội nghị, ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết, căn cứ vào quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2017, đơn vị đã tập trung nỗ lực kiểm soát chặt chẽ trong tất cả các khâu của quy trình quản lý nợ công, từ việc huy động, sử dụng vốn vay, trả nợ, xử lý rủi ro và thực hiện các nghiệp vụ quản lý nợ công, tạo chuyển biến tích cực. Qua đó, góp phần giảm dư nợ công từ mức đỉnh 63,7% GDP năm 2016 xuống còn 55,8% GDP cuối 2020; nợ chính phủ khoảng 49,6% GDP, làm tăng dư địa cho chính sách tài khóa. 

Đồng thời, cơ quan quản lý kiểm soát tốc độ tăng quy mô nợ công giảm từ mức bình quân 18,1%/năm giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 6,6%/năm giai đoạn 2016-2020; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của chính phủ đạt 22,4% so thu ngân sách nhà nước năm 2020, kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu chính phủ năm 2020 là 13,94 năm, đảm bảo duy trì trong giới hạn nợ được Quốc hội cho phép và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia...

Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cũng đã tăng cường quản lý cho vay lại, kiểm soát bảo lãnh chính phủ, với việc đã thực hiện ký được 41 hợp đồng cho vay lại, 19 hiệp định vay phụ với người vay lại, 3 phụ lục sửa đổi, bổ sung hợp đồng cho vay lại; đã hoàn thành và chuẩn bị ký tiếp 12 hợp đồng cho vay lại. Trong năm 2020, Bộ Tài chính không thẩm định và cấp bảo lãnh chính phủ cho các khoản vay mới để đầu tư các dự án mà chỉ cấp bảo lãnh chính phủ cho trái phiếu phát hành trong nước cho 2 ngân hàng chính sách trên cơ sở bám sát chủ trương quản lý chặt chẽ bảo lãnh chính phủ tại Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị...

Ngoài ra, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cũng hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ được giao, như: Tổ chức thực hiện, tiếp tục hướng dẫn Luật Quản lý nợ công nhằm đẩy mạnh áp dụng luật trong thực tiễn; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, báo cáo và công bố thông tin về nợ công; chủ động quản lý vốn viện trợ của nước ngoài cho Việt Nam và viện trợ của Chính phủ Việt Nam cho nước ngoài...

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đã biểu dương và chúc mừng những kết quả mà tập thể cán bộ, công chức, viên chức của Cục Quản lý nợ và Tài chính thực hiện nhiệm vụ được Lãnh đạo Bộ giao. Qua đó, đóng góp chung vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Bộ Tài chính, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ công tác quản lý nợ công cả giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt, những kết quả đạt được trong năm 2020 cũng như trong cả giai đoạn 5 năm (2016-2020) đã tạo ra dư địa cho chính sách tài khóa có nguồn lực tài chính đảm bảo cho các cân đối lớn.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng yêu cầu Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cần đẩy mạnh triển khai kế hoạch vay và trả nợ 5 năm (giai đoạn 2021-2025) ngay những tháng đầu năm 2021; có định hướng và đánh giá tổng thể việc huy động và sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài trong giai đoạn tới; theo dõi sát sao việc vay về cho vay lại, bảo lãnh chính phủ...