Đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp trong thời gian tới


Theo báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), qua 3 tháng đầu năm 2021 đã thực hiện thoái vốn với giá trị 286,6 tỷ đồng, thu về 2.165 tỷ đồng. Như vậy, kết quả thoái vốn trong quý I/2021 còn tương đối chậm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cụ thể, trong quý đầu của năm 2021, đã thoái thực hiện thoái vốn nhà nước tại ba đơn vị thuộc quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 52,5 tỷ đồng, thu về 84,1 tỷ đồng; với thoái vốn của tập đoàn, tổng công ty, đã thoái vốn tại 9 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Viettel, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, VNPT, Tổng công ty Thái Sơn với tổng giá trị 234,1 tỷ đồng, thu về 2.081,3 tỷ đồng.

Theo lộ trình thoái vốn năm 2021, Chính phủ yêu cầu vẫn thực hiện theo Quyết định 908/QĐ-TTg đến thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2021–2025. Theo đó, các đơn vị vẫn tiếp tục triển khai xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa theo quy định.

Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, trong năm 2021 sẽ thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn như MobiFone, Agribank, VNPT. Đối với việc cổ phần hóa doanh nghiệp lớn, công tác triển khai cần thận trọng ở khâu chuẩn bị, khi đã có quyết định cổ phần hóa thì phải thực hiện quyết liệt.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến kết quả thoái vốn trong quý I/2021 còn chậm, Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, thời gian qua nền kinh tế đã bị tác động rủi ro từ dịch Covid-19 đã khiến tiến độ thoái vốn bị ảnh hưởng, không triển khai được vì theo quy định phải thực hiện đấu giá trực tiếp.

Dù các đơn vị đã tích cực triển khai đẩy nhanh thoái vốn, tuy nhiên về nguyên tắc thoái vốn, phải đảm bảo nguyên tắc thị trường. Bên cạnh đó, vấn đề liên quan đến đất đai cần phải minh bạch thì thoái vốn mới được an toàn.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn có quy mô lớn, có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai, phạm vi hoạt động rộng nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài...

Về giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ mới xem xét sớm ban hành chỉ thị đôn đốc việc cổ phần hóa, thoái vốn. Trong đó, kiến nghị việc đôn đốc sẽ gắn liền với trách nhiệm người đứng đầu.

Với phương án mới, tiến độ sẽ nhanh hơn do việc xác định giá trị doanh nghiệp thông thoáng hơn, gắn trách nhiệm của cơ quan thẩm định giá; cơ chế đấu giá đảm bảo theo cơ chế thị trường, do đó sẽ thu hút được nhà đầu tư vì bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư hơn.