Địa phương được dùng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch COVID-19

Trần Huyền

Để xử lý khó khăn cho một số địa phương trọng điểm thu, Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội đã quy định, trường hợp sử dụng hết nguồn ngân sách địa phương, nguồn lực hợp pháp khác để chi phòng, chống dịch COVID-19 và cam kết bảo đảm đủ nguồn để thực hiện chính sách tiền lương, các địa phương được sử dụng nguồn cải cách chính sách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch COVID-19 trong năm 2021 và 2022.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cử tri TP. Hồ Chí Minh vừa tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ bổ sung thêm và sớm nguồn ngân sách phòng, chống dịch cho TP. Hồ Chí Minh. Cử tri cho biết, hiện nay một số bệnh viện trên địa bàn Thành phố chưa nhận được sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nguồn thu của các bệnh viện đều giảm, gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động.

Trả lời kiến nghị nêu trên, Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19, Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 437/QĐ-TTg ngày 30/3/2020 và Quyết định số 482/QĐ-TTg ngày 29/3/2021 về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương trong phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, đã quy định rõ tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách trung ương đối với các địa phương có khó khăn về ngân sách (TP. Hồ Chí Minh là địa phương chủ động sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện).

Đồng thời, khoản 2 Điều 2 Quyết định số 4374QĐ-TTg ngày 30/3/2020 và Quyết định số 482/QĐ-TTg ngày 29/3/2021 cũng đã quy định, trường hợp các địa phương chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở mức độ lớn, nếu phần ngân sách địa phương đảm bảo vượt quá nguồn lực của địa phương, gồm: 50% nguồn dự toán dự phòng ngân sách địa phương còn lại sau khi đã sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ chi theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từ nguồn 50% dự toán dự phòng của ngân sách địa phương (bao gồm cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) và 70% Quỹ Dự trữ tài chính địa phương, ngân sách trung ương sẽ bổ sung thêm phần chênh lệch vượt quá nguồn lực của địa phương để các tỉnh, thành phố có đủ nguồn để thực hiện.

Trước tác động nghiêm trọng từ đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư, trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ đặc thù từ ngân sách trung ương cho ngân sách Thành phố 2.000 tỷ đồng (Quyết định số 66/QĐ-TTg ngày 01/10/2021) để thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 và 71.104,95 tấn gạo (Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 20/8/2021) để hỗ trợ Thành phố và người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19.

Để có thêm nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ đã có Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08/6/2021 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021 yêu cầu cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch COVID-19.

Trên cơ sở báo cáo của Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh tại Văn bản số 2464/UBND-KT ngày 23/7/2021, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ và đã có Văn bản số 9116/BTC-NSNN ngày 12/8/2021 về thông báo số cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên cho địa phương để bổ sung nguồn phòng, chống dịch COVID-19 của TP. Hồ Chí Minh là 479.266 triệu đồng.

Để xử lý khó khăn cho một số địa phương trọng điểm thu như TP. Hồ Chí Minh, tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 đã quy định, trường hợp đã sử dụng hết nguồn ngân sách địa phương, nguồn lực hợp pháp khác để chi phòng, chống dịch COVID-19 và cam kết bảo đảm đủ nguồn để thực hiện chính sách tiền lương, cho phép các địa phương được sử dụng nguồn cải cách chính sách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch COVID-19 trong năm 2021 và 2022.

Đối với việc hỗ trợ các cơ sở y tế, ngoài việc đảm bảo kinh phí khi các đơn vị này tham gia phòng chống dịch, ngày 06/8/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH ngày 28/7/2021 của Quốc hội Khóa XV. Trong đó, tại điểm a khoản 1 Điều 1 giao Bộ Y tế tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các cơ sở y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và theo đề nghị của Bộ Y tế (Văn bản số 6981/BYT-KHTC ngày 24/8/2021), Bộ Tài chính đã có Văn bản số 10307/BTC-HCSN ngày 08/9/2021 góp ý với Bộ Y tế về dự thảo công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các cơ sở y tế công lập. Hiện nay, Bộ Y tế đang hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.