Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2020 và dự báo năm 2021


Sáng 05/01/2020, Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2020 và dự báo năm 2021”.

Toàn cảnh Hội thảo "Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2020 và dự báo năm 2021"
Toàn cảnh Hội thảo "Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2020 và dự báo năm 2021"

CPI bình quân tăng 3,23%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra

Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, nhà quản lý đã tập trung phân tích diễn biến kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2020, đồng thời đưa ra các dự báo về triển vọng thị trường giá cả và đề xuất các giải pháp ứng phó trong năm 2021.

Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Hầu hết các nền kinh tế lớn đối mặt với tình trạng suy thoái sâu, được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ năm 1930 tới nay...

Tháng 12/2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu âm 4,4%, trong khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo âm 4,2%. Bên cạnh đó, thị trường tài chính - tiền tệ toàn cầu có nhiều bất ổn do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn, căng thẳng chính trị gia tăng giữa Mỹ - Iran, Trung Quốc - Ấn Độ, bất đồng nội bộ trong tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ... làm cho các nhà đầu tư không an tâm. Cùng với đó, giá của nhiều nguyên, nhiên, vật liệu cơ bản và tiền USD biến động mạnh...

Cũng giống như nhiều quốc gia khác, kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Hầu hết các ngành, lĩnh vực đều bị ảnh hưởng; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao; tình trạng thiên tai lũ lụt ảnh hưởng đến đời sống nhân dân...

Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2020 và dự báo năm 2021 - Ảnh 1

TS. Nguyễn Công Định, Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) trình bày tham luận tại Hội thảo

Trong bối cảnh đó, Đảng và Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết quan trọng và chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện một cách quyết liệt như: Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2020 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19…

Những giải pháp kịp thời này đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến tích cực trong ổn định kinh tế đất nước. Cụ thể, GDP năm 2020 tăng 2,91% so cùng kỳ năm 2019; CPI bình quân tăng 3,23% so bình quân cùng kỳ năm 2019, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra là dưới 4%; Lạm phát cơ bản bình quân năm 2020 tăng 2,31% so bình quân cùng kỳ năm 2019...

CPI bình quân năm 2021 sẽ giảm?

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra các dự báo về diễn biến thị trường giá cả trong thời gian tới. Cụ thể, các đại biểu đều nhận định CPI bình quân năm 2020 khả năng sẽ được kiềm chế do một số nguyên nhân chủ yếu như: Trong nước, đại dịch khiến nhu cầu thiết yếu giảm mạnh (tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ giảm 2%); nguồn cung hàng hóa dồi dào, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối cao kỷ lục giúp ổn định tỷ giá. Đặc biệt, Chính phủ kiên quyết thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô... Bên cạnh đó, ở ngoài nước đại dịch cũng khiến giá hàng hóa thế giới 2020 tăng thấp; giá dầu giảm mạnh chưa từng có...

Tuy nhiên, vẫn còn có một số nhân tố khiến CPI tăng. Cụ thể, giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới sẽ tăng trở lại khi dịch Covid-19 dần dần được khống chế và các hoạt động sản xuất, thương mại, giao lưu quốc tế được khôi phục. Tình hình thiên tai, dịch bệnh ở Việt Nam vẫn còn diễn biến rất phức tạp (đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi, hạn hán, xâm nhập mặn, nắng nóng và bão lũ cực đoan...) sẽ ảnh hưởng rất lớn các hoạt động sản xuất nông nghiệp, cung-cầu hàng hóa trên thị trường và đời sống sinh hoạt của nhân dân...

Theo TS. Nguyễn Công Định, Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), năm 2021 dự báo thị trường hàng hóa có xu hướng tăng dựa trên triển vọng đồng USD tiếp tục suy yếu, trong khi lạm phát sẽ quay lại khi  các biện pháp kích thích kinh tế và tài khóa được kỳ vọng sẽ mạnh mẽ hơn. Dự báo, các mặt hàng tăng giá tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp và các kim loại cơ bản do nguồn cung bị thắt chặt trước những bất lợi về thời tiết, khí hậu, hay trước nhu cầu về kim loại của Trung Quốc không ngừng tưng do các biện pháp kích nền kinh tế được triển khai tại quốc gia lớn này. 

Trước những tác động trên, công tác điều hành giá trong năm 2021 đòi hỏi phải chủ động, linh hoạt nhưng vẫn phải thận trọng. Trong đó, tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát đề ra trong năm 2021 (chỉ tiêu CPI tăng bình quân khoảng 4%)...

Năm 2021 dự báo thị trường hàng hóa có xu hướng tăng dựa trên triển vọng đồng USD tiếp tục suy yếu, trong khi lạm phát sẽ quay lại khi  các biện pháp kích thích kinh tế và tài khóa được kỳ vọng sẽ mạnh mẽ hơn.