Đóng góp của dịch vụ công ngành Tài chính đối với cổng dịch vụ công quốc gia


Với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, thời gian qua, ngành Tài chính đã tập trung nguồn lực rà soát, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ; nâng cấp, chuẩn hóa dữ liệu tích hợp dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia…

Đến nay đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số của ngành Tài chính.

Tiên phong trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Đối với ngành Thuế

Tính đến hết tháng 5/2021, Tổng cục Thuế đã cung cấp 304 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), trong đó có 122 DVCTT mức độ 2, 32 DVCTT mức độ 3 và 150 DVCTT mức độ 4; Tổng số DVCTT mức độ 3, 4 của Tổng cục Thuế là 182. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã tích hợp 150/182 DVCTT lên Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) đạt tỷ lệ 82,42%.

Cũng theo Tổng cục Thuế, hiện có 99,7% doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; 99% DN đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử; 97% DN tham gia, thực hiện thủ tục hoàn thuế điện tử. Việc triển khai các dịch vụ thuế điện tử đã tiết giảm tối đa thời gian đi lại của DN, giảm chi phí quản lý cho cơ quan quản lý...

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc triển khai các dịch vụ thuế điện tử như: Phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, 7 ngân hàng (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV, MBBank, VPBank, TPBank) triển khai dịch vụ khai, nộp điện tử lệ phí trước bạ ô tô, xe máy; Phối hợp với 55 ngân hàng thương mại (NHTM) để triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử và tuyên truyền, vận động DN tham gia sử dụng dịch vụ.

Trong lĩnh vực quản lý thuế về đất đai, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Tổng cục Quản lý đất đai, Văn phòng Chính phủ, các NHTM triển khai kết nối trao đổi thông tin nghĩa vụ tài chính giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký đất đai tại 19 tỉnh, triển khai thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất trên Cổng DVCQG.

Trong năm 2020, Tổng cục Thuế đã triển khai 2 DVCTT mang ý nghĩa rất lớn đối với người dân và toàn xã hội: (i) Phối hợp với Bộ Công an triển khai khai lệ phí trước bạ ô tô, xe máy điện tử, đây là DVCTT thứ 1.000 tích hợp lên Cổng DVCQG. (ii) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai dịch vụ thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất tích hợp lên Cổng DVCQG tại 4 tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bình Định, Tây Ninh; Triển khai tích hợp thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai tại 4 tỉnh: Bình Định, Tây Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và tiếp tục triển khai trên toàn quốc trong quý II/2021. Hiện nay, đối với mỗi giao dịch phát sinh thông qua kết nối với Cổng DVCQG, hệ thống đã đồng bộ trạng thái xử lý hồ sơ lên Cổng DVCQG với số lượng hồ sơ đã đồng bộ từ ngày 01/01/2021 đến ngày 18/3/2021 là 4.535.520 hồ sơ.

Với kết quả nêu trên, Tổng cục Thuế đã được Chính phủ đánh giá cao trong việc tham gia triển khai tích hợp các DVCTT lên Cổng DVCQG. Bên cạnh đó, ngày 05/10/2020, Tổng cục Thuế đã triển khai và công bố chính thức hệ thống 479 kênh thông tin hỗ trợ người nộp thuế tại Lễ Tôn vinh 30 năm DN đồng hành cùng ngành Thuế.

Năm 2021, Tổng cục Thuế tiếp tục triển khai nâng cấp DVCTT dành cho DN và cá nhân lên mức độ 3, 4 theo Quyết định số 2204/QĐ-BTC ngày 21/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và triển khai tích hợp với Cổng DVCQG. Trong đó, một số thủ tục hành chính (TTHC) có sự thay đổi lớn về nghiệp vụ theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và các văn bản hướng dẫn. Ngoài ra, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục triển khai tích hợp các DCVTT lên Cổng DVCQG theo yêu cầu và kế hoạch của Văn phòng Chính phủ.

Đóng góp của dịch vụ công ngành Tài chính đối với cổng dịch vụ công quốc gia  - Ảnh 1

Đối với ngành Hải quan

Đối với ngành Hải quan, việc thực hiện các TTHC thông qua DVCTT trong thời gian qua đã mang lại nhiều lợi ích quan trọng, không chỉ đối với người dân, DN, cơ quan hải quan mà còn đặc biệt có ý nghĩa trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, việc thực hiện DVCTT tiết kiệm thời gian và chi phí. Khi thực hiện các TTHC qua các hệ thống DVCTT, DN giảm được thời gian đi lại, chờ đợi tại địa điểm thực hiện thủ tục. Đồng thời, các hồ sơ TTHC khi thực hiện qua DVCTT cũng được số hóa, giúp DN có thể cắt giảm được các chi phí về hồ sơ, giấy giờ, in ấn. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, việc giảm tiếp xúc vào hồ sơ cũng góp phần ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh...

Đối với cơ quan hải quan, DVCTT giúp sử dụng hiệu quả các nguồn lực, cắt bỏ được các quy trình tiếp nhận, bố trí nhân lực xử lý hồ sơ thủ công, giảm chi phí cho ngân sách nhà nước (NSNN), công khai minh bạch thông tin.

Đến hết tháng 5/2021, Tổng cục Hải quan đã cung cấp 203/243 DVCTT mức độ 3, 4 (xấp xỉ 84% tổng số TTHC do cơ quan hải quan thực hiện), trong đó có 197 TTHC được cung cấp DVCTT ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 81%), đặc biệt trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh Covid19 đang căng thẳng. Tính từ hết tháng 5/2021, số lượng hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 tiếp nhận, giải quyết hơn 5.800.795, trong đó số lượng hồ sơ Hệ thống DVCTT HQ36a hơn 54.581 hồ sơ.

Ngày 25/5/2021, lãnh đạo Bộ Tài chính đã có ý kiến chỉ đạo tại Thông báo ý kiến chỉ đạo về việc thực hiện Quyết định số 406/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 tích hợp, cung cấp DVCTT trên Cổng DVCQG năm 2021, theo đó Tổng cục Hải quan thực hiện cung cấp DVCTT năm 2021 đối với 22 TTHC mới và tích hợp, cung cấp DVCTT lên Cổng DVCQG năm 2021 đối với 26 TTHC.

Để thực hiện nội dung này, đơn vị đã tiến hành khảo sát quy trình nghiệp vụ, chuẩn bị kỹ thuật để triển khai DVCTT đối với 22 TTHC mới và phối hợp với các đơn vị trong Tổng cục cập nhật các TTHC mới công bố vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, chuẩn bị cho việc tích hợp 26 DVCTT lên Cổng DVCQG năm 2021.

Thực hiện chủ trương bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc, Tổng cục Hải quan đã chia sẻ dữ liệu phương tiện giao thông nhập khẩu cho Cổng DVCQG, Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công an để triển khai đăng ký xe trực tuyến; Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang tiếp tục phối hợp với Cục Xe máy – Bộ Quốc phòng để chia sẻ dữ liệu phương tiện giao thông nhập khẩu; tiếp tục hỗ trợ cơ quan đăng ký xe và DN trong việc khai thác dữ liệu điện tử của phương tiện giao thông nhập khẩu.

Việc tích hợp các DVCTT hải quan lên Cổng DVCQG có những thuận lợi nhất định, đó là sự đồng lòng nhất trí của lãnh đạo các cấp, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan và hỗ trợ kịp thời của Văn phòng Chính phủ.

Như vậy, với kế hoạch này, từ nay đến hết năm 2021, ngành Hải quan phấn đấu rà soát, lựa chọn 26 DVCTT, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin (CNTT), phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bên liên quan đảm bảo kết nối 98 thủ tục tham gia Cổng DVCQG.

Đóng góp của dịch vụ công ngành Tài chính đối với cổng dịch vụ công quốc gia  - Ảnh 2

Đối với hệ thống Kho bạc Nhà nước

Cùng với hệ thống Thuế, Hải quan, thời gian qua, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) không ngừng đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động nghiệp vụ chuyên môn, cải cách TTHC để phục vụ người dân ngày một tốt hơn. Bên cạnh thu ngân sách bằng tiền mặt theo phương thức truyền thống, KBNN đã đa dạng hóa và hiện đại hóa hình thức thu như: Thu qua Cổng DVCQG, Cổng dịch vụ công của cơ quan thu, qua ATM, internet banking, mobile banking, qua các điểm chấp nhận thẻ POS của ngân hàng… Sau các NHTM nhà nước, KBNN cũng mở rộng phối hợp thu ngân sách và thanh toán song phương điện tử với 4 NHTM cổ phần để hỗ trợ tối đa cho người nộp thuế. Việc này đã giúp đẩy nhanh tiến trình thanh toán không dùng tiền mặt và tạo thuận lợi hơn nữa cho cá nhân, DN nộp NSNN.

Một trong những nỗ lực để tiến tới hình thành Kho bạc số đó chính là việc triển khai có hiệu quả các DVCTT. KBNN cho biết hết tháng 5/2021 đơn vị đã cung cấp 7 TTHC, tổng số hồ sơ giải quyết TTHC (tổng số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến và trực tiếp) là 19 triệu hồ sơ; số lượng hồ sơ trực tuyến mức độ 4 (tổng số hồ sơ trực tuyến mức độ 4) là 19 triệu hồ sơ (trong đó 8 triệu hồ sơ và 11 triệu chứng từ). Số DVCTT mức độ 4 là 19 triệu hồ sơ chứng từ (trong đó 8 triệu hồ sơ và 11 triệu chứng từ). Dự kiến tháng 7/2021, KBNN cung cấp 02 DVCTT mức độ 4 và tích hợp 02 DVCTT này lên Cổng DVCQG gồm: Thủ tục kiểm soát cam kết chi NSNN qua KBNN. Thủ tục đối chiếu, xác nhận số dư tài khoản của đơn vị giao dịch tại KBNN. Điều này góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng đến giao dịch, đảm bảo minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn NSNN và hạn chế tiếp xúc trực tiếp khi giao dịch, góp phần phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Năm 2021, Bộ Tài chính sẽ cung cấp thêm 76 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã ứng dụng hiệu quả CNTT trong giải quyết công việc chuyên môn, khuyến khích người dân sử dụng DVCTT. Thực hiện cải cách TTHC thông qua hệ thống DVCTT trong giai đoạn hiện nay, không chỉ đơn thuần là những lợi ích về thời gian, chi phí, công khai, minh bạch mà còn là hành động thiết thực góp phần chung tay cùng cả nước chặn đứng dịch bệnh.

Bộ Tài chính cho biết, tính đến tháng 5/2021, tổng số TTHC và DVCTT là 895; Trong đó, số DVCTT mức độ 1 là 94 (tỷ lệ 10,5%); số DVCTT mức độ 2 là 281 (tỷ lệ 31,3%); số DVCTT mức độ 3 là 80 (tỷ lệ 8,9%); số DVCTT mức độ 4 là 440 (tỷ lệ 49,1%). Tổng số DVCTT mức độ 3, 4 là 520 (tỷ lệ 58,1%). Tổng số hồ sơ trực tuyến tính đến hết tháng 5/2021 hơn 33.662.429 hồ sơ.

Theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 45/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, các TTHC, nhóm TTHC được ưu tiên thực hiện trên môi trường điện tử nếu đáp ứng ít nhất một loại tiêu chí dưới đây: Những TTHC có số lượng hồ sơ phát sinh nhiều, tần suất giao dịch lớn; TTHC có các thành phần hồ sơ, dữ liệu đầu vào đã được cơ quan nhà nước số hóa và sẵn sàng cho việc kết nối, chia sẻ; TTHC có nhiều thành phần hồ sơ, dung lượng hồ sơ điện tử thực hiện TTHC lớn; Nhóm TTHC có liên quan đến nhau thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương; Nhóm TTHC liên quan đến thẩm quyền giải quyết của nhiều đơn vị trong bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương; TTHC, nhóm TTHC ưu tiên triển khai trên môi trường điện tử theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở quy định tại Nghị định số 45/NĐ-CP và kết quả rà soát của các đơn vị, trong năm 2021, Bộ Tài chính sẽ cung cấp thêm 76 DVCTT mức độ 3, 4 (trong đó có 19 DVCTT mức độ 3 và 57 DVCTT mức độ 4) và tích hợp thêm 31 DVCTT lên Cổng DVCQG.

Cụ thể, Tổng cục Thuế sẽ cung cấp thêm 52 DVCTT mức độ 3, 4 gồm 19 DVC mức độ 3, và 33 DVC mức độ 4 (trong đó, xây dựng mới 22 DVCTT và nâng cấp 11 DVCTT từ mức độ 3) và tích hợp 3 DVCTT lên Cổng DVCQG. Số TTHC chưa đủ điều kiện để cung cấp thành DVCTT mức độ 4 là 121 thủ tục, do số lượng hồ sơ phát sinh ít, nhiều thủ tục có kèm theo những hồ sơ, giấy tờ gốc hoặc có công chứng, chứng thực gửi kèm.

Tổng cục Hải quan sẽ xây dựng mới 22 DVCTT mức độ 4 và tích hợp 26 DVCTT lên Cổng DVCQG. Số TTHC chưa đủ điều kiện để cung cấp thành DVCTT mức độ 4 là 35 thủ tục do các thủ tục này phát sinh hồ sơ rất ít, hoặc không hiệu quả do đối tượng sử dụng là cư dân biên giới hoặc người nước ngoài, hoặc do bộ, ngành khác thực hiện.

KBNN sẽ cung cấp thêm 02 DVCTT mức độ 4 và tích hợp 02 DVCTT lên Cổng DVCQG. Đến hết năm 2021, KBNN sẽ hoàn thành cung cấp 100% các TTHC thành DVCTT mức độ 4 và tích hợp lên Cổng DVCQG.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ không cung cấp thêm DVCTT mức độ 4 và tích hợp 11 DVCTT lên Cổng DVCQG trong năm 2021. Số TTHC chưa đủ điều kiện để cung cấp thành DVCTT mức độ 4 là 47 thủ tục. Hiện nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rà soát, đánh giá danh mục các TTHC được ban hành theo Quyết định số 12/QĐ-BTC ngày 07/01/2021 đảm bảo theo quy định tại Điều 21 của Nghị định số 45/ NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ để cung cấp DVCTT mức độ 3, 4 trong năm 2021.

Đối với lĩnh vực tài chính chung, Cơ quan Bộ Tài chính sẽ không cung cấp thêm DVCTT mức độ 4. Số TTHC chưa đủ điều kiện để cung cấp thành DVCTT mức độ 4 là 199 thủ tục do không phát sinh hồ sơ hoặc phát sinh rất ít, nhiều thủ tục liên quan đến các bộ, ngành khác. Như vậy, theo kế hoạch đến hết năm 2021, Bộ Tài chính sẽ cung cấp thêm 48 DVCTT mức độ 4 nâng tổng số lên thành 488 DVCTT mức độ 4 đạt 54,5%, còn lại 407 TTHC chưa đủ điều kiện để cung cấp thành DVCTT mức độ 4.

Đến nay Bộ Tài chính đã hoàn thành kết nối, tích hợp 285/520 DVCTT mức độ 3, 4 trên Cổng DVCQG đạt tỷ lệ 55%. Trong đó, Tổng cục Thuế 150 DVCTT, Tổng cục Hải quan 72 DVCTT, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước 0 DVCTT, KBNN 7 DVCTT, cơ quan Bộ Tài chính 56 DVCTT.

Triển khai Quyết định số 406/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục DVCTT tích hợp, cung cấp trên Cổng DVCQG năm 2021, Bộ Tài chính đã ra Thông báo số 405/TB-BTC ngày 25/5/2021 gửi các đơn vị liên quan thuộc Bộ. Theo đó, Cục Tin học và Thống kê tài chính phối hợp với các đơn vị tổng cục tiếp tục rà soát, đánh giá và thực hiện tích hợp, cung cấp DVCTT lên Cổng DVCQG trong năm 2021, đảm bảo tỷ lệ cung cấp DVCTT mức độ 3, 4 trên tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị tăng thêm 20% so với năm 2020, theo quy định của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021.

Hiện nay, Bộ Tài chính đã hoàn thành kết nối, tích hợp 285/520 DVCTT mức độ 3, 4 lên Cổng DVCQG, đạt tỷ lệ 54,8%. Có thể khẳng định với những nỗ lực của Bộ Tài chính, đặc biệt là Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và KBNN trong việc cung cấp các DVCTT lên Cổng DVCQG đã đem lại sự hài lòng cho các tổ chức, cá nhân và DN khi tham gia giao dịch với cơ quan ngành Tài chính.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tài chính, Quyết định số 2204/QĐ-BTC ngày 21/11/2018 về Ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ngành Tài chính sẽ triển khai trong giai đoạn 2018-2019;

2. Bộ Tài chính, Quyết định số 683/QÐ-BTC ngày 28/04/2020 về ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến của bộ tài chính tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2020;

3.Chính phủ, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

4.Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 406/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 về việc phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2021.

(*) Nguyễn Kim Hoa, Hoàng Thành, Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính).

(**)Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2021.