Dự kiến khung cân đối thu, chi ngân sách nhà nước 03 năm 2021-2023

Hải An

Khung cân đối thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) dự kiến 03 năm 2021-2023 đã được làm rõ tại "Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 Chính phủ trình Quốc hội”.

Công tác xây dựng dự toán ngân sách nhà nước ngày càng minh bạch, hiệu quả
Công tác xây dựng dự toán ngân sách nhà nước ngày càng minh bạch, hiệu quả

Để đưa công tác xây dựng dự toán NSNN ngày càng minh bạch, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hướng tới các mục tiêu phục vụ xã hội, cộng đồng một cách tốt nhất, “Báo cáo công khai dự toán NSNN năm 2021 Chính phủ trình Quốc hội” vừa được Bộ Tài chính biên soạn, phát hành và lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức cá nhân. Hiện nay, báo cáo này đang được đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính.

Bên cạnh việc đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2020, dự kiến dự toán NSNN năm 2021, một phần nội dung quan trọng của Báo cáo đã được dành cho Kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2021-2023.

Theo đó, Chính phủ đánh giá, trong giai đoạn 3 năm 2021-2023, dự báo môi trường khu vực, thế giới phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định: xung đột địa - chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng và công nghệ có xu hướng gia tăng; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự dịch chuyển nguồn vốn, lao động sẽ dẫn tới những điều chỉnh mới về trật tự thế giới; việc kiểm soát dịch bệnh Covid...

Đối với nước ta, điểm thuận lợi vẫn là tình hình chính trị ổn định, môi trường kinh doanh được cải thiện, kiểm soát được dịch bệnh và việc mở ra những thời cơ mới từ việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do CPTPP, EVFTA…, dịch chuyển dòng vốn đầu tư nhằm phân tán rủi ro của một số công ty đa quốc gia...

Tuy nhiên, tác động của đại dịch Covid-19 đã và đang tạo thêm nhiều khó khăn, thách thức cho phát triển kinh tế, tạo áp lực đối với các cân đối vĩ mô. Bên cạnh đó, những yếu kém nội tại của nền kinh tế chưa được xử lý hiệu quả, thể chế chưa đồng bộ, nhất quán, ổn định; các cân đối vĩ mô chưa bền vững; năng suất, chất lượng, hiệu quả nền kinh tế chưa cao; hạ tầng đô thị còn nhiều bất cập; nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình...

Trong bối cảnh đó, mục tiêu Kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2021-2023 đặt ra là: "Phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội; huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục cơ cấu lại NSNN, nợ công, nâng cao hiệu quả, hiệu lực và cải thiện dư địa chính sách tài khóa; siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách".

Với mục tiêu đó, dự kiến khung cân đối thu, chi NSNN 03 năm 2021-2023 gồm: Về thu NSNN: phấn đấu khoảng 4,33 triệu tỷ đồng; tỷ lệ huy động thu vào NSNN bình quân 15,5% GDP điều chỉnh (từ thuế, phí 13% GDP), tương ứng khoảng 19,7% và 16,6% GDP chưa điều chỉnh; Tiếp tục cơ cấu lại thu NSNN, tăng tỷ trọng thu nội địa, dự kiến đến năm 2023 khoảng 85-86%.

Chi NSNN dự kiến khoảng 5,4 triệu tỷ đồng, tuy nhiên, tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đã và đang tạo ra những thách thức đối với Kế hoạch NSNN trung hạn 3 năm 2021-2023.

Về bội chi NSNN, nợ công, tỷ lệ bội chi NSNN bình quân giai đoạn 2021-2023 dự kiến khoảng 3,8% GDP điều chỉnh (Tương ứng khoảng 4,9% GDP chưa điều chỉnh). Nợ công đến năm 2023 khoảng 48,1% GDP điều chỉnh, nợ Chính phủ khoảng 44,1% GDP điều chỉnh.

Với mục tiêu và dự kiến khung cân đối thu, chi ngân sách nhà nước 03 năm 2021-2023 nêu trên, Chính phủ đề xuất thực hiện các giải pháp gồm: Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp với các cam kết quốc tế; Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đảm bảo thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, kiên định với các mục tiêu cơ cấu lại NSNN, nợ công, cải thiện dư địa chính sách tài khóa; Đẩy mạnh việc quản lý tài chính - ngân sách trung hạn; đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa kế hoạch đầu tư công trung hạn với kế hoạch nợ công, kế hoạch tài chính trung hạn; Hoàn thiện chính sách thu NSNN phù hợp với trình độ phát triển, mở cửa nền kinh tế, hướng tới thông lệ chung; Đẩy mạnh việc thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; đổi mới quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; Đẩy mạnh phát triển các thị trường tài chính, chứng khoán ổn định, cấu trúc hoàn chỉnh, đồng bộ về các yếu tố cung - cầu; Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN.