Dự toán thu ngân sách năm 2022 tăng khoảng 3,4% so với năm 2021

Theo Hoài Anh/haiquanonline.com.vn

Bộ Tài chính đang xây dựng Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 Chính phủ trình Quốc hội để Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ hai. Theo đó, dự toán tổng thu cân đối NSNN năm 2022 là 1.411,7 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 3,4% so với ước thực hiện năm 2021. Tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,1% GDP.

Dự toán NSNN năm 2022 được xây dựng trên cơ sở dự kiến tăng trưởng kinh tế 6-6,5% so với năm 2021.
Dự toán NSNN năm 2022 được xây dựng trên cơ sở dự kiến tăng trưởng kinh tế 6-6,5% so với năm 2021.

Dự toán thu nội địa là 1.176,7 nghìn tỷ đồng

Theo Bộ Tài chính, quá trình phục hồi và tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 được dự báo thấp hơn năm 2021, trong đó, các nước mới nổi, đang phát triển khả năng tăng trưởng cao hơn phụ thuộc vào tỷ lệ tiêm chủng và mô hình thích ứng an toàn với dịch COVID-19 áp dụng tại các quốc gia.

Bên cạnh đó, khả năng thắt chặt dần các chính sách tài khóa, tiền tệ của một số nền kinh tế lớn nhằm kiểm soát lạm phát và an toàn tài chính, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và các dịch bệnh khác cũng là những rủi ro ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế thế giới.

Trong nước, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội phụ thuộc lớn vào việc hoàn thành bao phủ vắc-xin, kiểm soát được dịch bệnh để mở cửa trở lại nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Căn cứ dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước cùng các yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu NSNN năm 2022 được xác định là: huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước để phòng, chống, kiểm soát dịch COVID-19, tận dụng tốt các cơ hội thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội; tiếp tục cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương (NSTW), phát huy sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương; đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa gắn liền với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công lập, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, triệt để tiết kiệm chi NSNN.

Trên cơ sở đánh giá khả năng thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2021; dự toán NSNN năm 2022 được xây dựng trên cơ sở dự kiến tăng trưởng kinh tế 6-6,5% so với năm 2021, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; giá dầu thô 60 USD/thùng; tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khoảng 5,2%.

Về thu ngân sách, dự toán tổng thu cân đối NSNN năm 2022 là 1.411,7 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 3,4% so với ước thực hiện năm 2021. Tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,1% GDP, trong đó thu từ thuế, phí khoảng 12,7% GDP.

Cụ thể, dự toán thu nội địa là 1.176,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 83,4% tổng thu cân đối NSNN, tăng khoảng 3,8% so với ước thực hiện năm 2021; Dự toán thu dầu thô 28,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 2% tổng thu cân đối NSNN trên cơ sở sản lượng khai thác trong nước gần 7 triệu tấn, giá dầu dự toán khoảng 60USD/thùng; Dự toán thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 199 nghìn tỷ đồng, chiếm 14,1% tổng thu cân đối NSNN; Dự toán thu viện trợ 7,8 nghìn tỷ đồng.

Bố trí tổng chi đầu tư phát triển lớn hơn bội chi NSNN

Đối với chi ngân sách, nguyên tắc, định hướng bố trí dự toán chi NSNN năm 2022 được xác định là bố trí tổng chi đầu tư phát triển lớn hơn bội chi NSNN; chi trả lãi đầy đủ, đúng hạn.

Bố trí chi thường xuyên theo nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định, nhưng yêu cầu triệt để tiết kiệm gắn với tinh gọn bộ máy, nâng cao tự chủ đơn vị sự nghiệp công phù hợp với tình hình thực tế và đặc thù từng lĩnh vực, cắt giảm các khoản chi chưa cấp bách để tập trung tối đa nguồn lực cho phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.

Cùng với đó, bố trí ưu tiên cho các nhiệm vụ cần thiết, chi an sinh xã hội, cải thiện đời sống cho các đối tượng hưởng trợ cấp ưu đãi người có công, đối tượng có lương hưu thấp; bố trí chi các chương trình mục tiêu quốc gia phù hợp với khả năng giải ngân và cân đối NSNN.

Đồng thời, bố trí hợp lý dự phòng, dự trữ quốc gia theo quy định để bảo đảm xử lý kịp thời các nhiệm vụ cấp bách phát sinh

Theo dự kiến, dự toán chi cân đối NSNN năm 2022 là 1.784,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5% so dự toán năm 2021. Trong đó, dự kiến bố trí dự toán chi NSNN cho một số nhiệm vụ chủ yếu cụ thể như sau:

Chi đầu tư phát triển khoảng 526,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 29,5% tổng chi NSNN, tăng 10,2% so dự toán năm 2021; Chi trả nợ lãi khoảng 103,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,8% tổng chi NSNN, giảm 5,8% so với dự toán năm 2021.

Chi thường xuyên dự kiến 1.111,19 nghìn tỷ đồng, chiếm 62,2% tổng chi NSNN, tăng 5,1% so với dự toán năm 2021. Trong đó, tập trung bố trí tăng chi một số chính sách an sinh xã hội quan trọng, phát sinh mới.

Cụ thể: hỗ trợ chính sách cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19 và an sinh xã hội cho người dân; điều chỉnh chuẩn nghèo; lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995; chế độ trợ cấp người có công...; các nhiệm vụ chi thường xuyên khác triệt để tiết kiệm ngay từ khâu dự toán.

Về bội chi NSNN, dự kiến mức bội chi là 372,9 nghìn tỷ đồng, tương ứng khoảng 4% GDP (bằng tỷ lệ dự toán năm 2021). Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 21-22% tổng thu NSNN. Đến cuối năm 2022, nợ công khoảng 43-44% GDP.