Giải pháp tài khóa, tiền tệ mạnh mẽ đã hỗ trợ các nền kinh tế ASEAN ổn định tài chính


Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN (AFMGM) lần thứ 7 diễn ra theo hình thức trực tuyến đã thành công tốt đẹp. Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương đã thống nhất thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị với nhiều nội dung quan trọng.

Các đại biểu tham dự chuỗi các Hội nghị Bộ trưởng tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN do Brunei chủ trì.
Các đại biểu tham dự chuỗi các Hội nghị Bộ trưởng tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN do Brunei chủ trì.

Tăng cường khả năng bền vững dài hạn

AFMGM lần thứ 7 ghi nhận tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 vào năm 2020 đã thu hẹp các hoạt động kinh tế của ASEAN. Trong khi cuộc sống vẫn chưa trở lại bình thường sau hơn một năm kể từ trường hợp Covid-19 đầu tiên được báo cáo ở ASEAN, những tín hiệu phục hồi đang bắt đầu xuất hiện, tăng trưởng kinh tế ASEAN được dự báo sẽ tăng 5,2% vào năm 2021.

Hội nghị ghi nhận một loạt các biện pháp chính sách mà các nước ASEAN đã triển khai để giảm thiểu tác động lớn của đại dịch Covid-19, bao gồm các giải pháp chính sách tài khóa và tiền tệ nhanh chóng và mạnh mẽ đã hỗ trợ tốt cho các nền kinh tế ASEAN và giúp ổn định tài chính. Hội nghị cũng ghi nhận các gói hỗ trợ kinh tế của các nước thành viên thông qua các phương thức điện tử cũng đã giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ASEAN.

Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương vui mừng ghi nhận việc thông qua Khung khổ Phục hồi Toàn diện ASEAN (ACRF), trong đó có các biện pháp ứng phó của khu vực qua các giai đoạn phục hồi khác nhau.

Với tầm quan trọng của một giải pháp ứng phó toàn khu vực nhằm kiểm soát tác động của đại dịch Covid-19, việc thông qua ACRF là một bước quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu cuối cùng của ASEAN là tăng cường khả năng bền vững dài hạn.

Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với AMRO nhằm tăng cường khả năng giám sát kinh tế đối với những rủi ro mà khu vực phải đối mặt, trong bối cảnh tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và các biến thể Covid mới đang phát sinh.

Thúc đẩy tài chính bền vững khu vực

AFMGM lần thứ 7 cũng hoan nghênh các sáng kiến đang được Diễn đàn thị trường vốn (ACMF), Hội nghị các nhà quản lý bảo hiểm ASEAN (AIRM), Ủy ban công tác cấp cao (SLC) và Ủy ban Công tác về Phát triển Thị trường Vốn (WC-CMD) nhằm triển khai Hệ thống phân loại Tài chính Bền vững ASEAN. Hệ thống này sẽ là hướng dẫn tổng thể cho tất cả các nước ASEAN, hỗ trợ các sáng kiến bền vững quốc gia tương ứng và đóng vai trò là tiêu chuẩn chung của ASEAN về tài chính bền vững.

Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ghi nhận tiến độ hợp tác chung giữa WC-CMD và ACMF trong việc thúc đẩy tài chính bền vững, bao gồm việc Thành lập Ban Tư vấn Chuyên ngành với sự tham gia của khu vực tư nhân. Sáng kiến này sẽ giúp WC-CMD và ACMF xây dựng một hệ thống tài trợ mạnh mẽ cho thị trường vốn.

Các đại biểu cũng khuyến khích WC-CMD triển khai các khuyến nghị đã được nêu trong Báo cáo về Thúc đẩy Tài chính Bền vững ASEAN có tính đến sự phù hợp của các khuyến nghị đối với từng nước thành viên và thời gian biểu của từng nước, cũng như các mục tiêu khu vực.

Hội nghị hoan nghênh ACMF tiếp tục nỗ lực triển khai các lĩnh vực trọng tâm ngắn hạn đến trung hạn theo Lộ trình Thị trường vốn bền vững ASEAN và sáng kiến của ACMF nhằm xây dựng các tiêu chuẩn trái phiếu liên kết bền vững ASEAN để tạo thuận lợi cho phát hành trái phiếu liên kết bền vững và bổ trợ cho các tiêu chuẩn ASEAN về tài trợ bền vững.

Cùng với đó, các đại biểu cũng ghi nhận sự đóng góp của AIRM trong việc chỉ đạo ngành Bảo hiểm hướng tới bảo hiểm bền vững, bao gồm việc hoàn thành việc tổng hợp sáng kiến của các thành viên AIRM về tính bền vững và các hoạt động xanh trong lĩnh vực bảo hiểm, và xây dựng kế hoạch về bảo hiểm bền vững.

Ngoài ra, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương cũng đã thống nhất các nội dung về chủ đề ưu tiên của Chủ trì ASEAN 2021; hội nhập và tự do hóa tài chính; tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư; tài chính toàn diện; tài trợ cơ sở hạ tầng; Kết nối tài chính, thanh toán và dịch vụ; tài trợ rủi ro thiên tai; an ninh mạng bền vững; đối thoại với các hội đồng tư vấn kinh doanh...