Kinh nghiệm từ công tác thu hồi nợ thuế tại Cục Thuế Bắc Giang

Việt Dũng

Năm 2021, tổng số tiền thuế nợ thu được của Cục Thuế Bắc Giang đạt 2.618,7 tỷ đồng. Trong đó, thu nợ năm trước chuyển sang là 233,6 tỷ đồng; Thu nợ phát sinh năm 2021 là 2.385,1 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nợ ước đến 31/12/2021 là 710 tỷ đồng, đạt chỉ tiêu thu nợ thuế do Tổng cục Thuế giao.

Cục Thuế Bắc Giang giải đáp các vướng mắc của người nộp thuế.
Cục Thuế Bắc Giang giải đáp các vướng mắc của người nộp thuế.

Tỷ lệ nợ đọng thuế so với tổng thu ngân sách năm 2021 đạt 3,8%

Với mục tiêu ưu tiên các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế (NNT), Cục Thuế Bắc Giang yêu cầu toàn đơn vị tập trung phân tích nguyên nhân cụ thể và đề ra các giải pháp để triển khai quyết liệt công tác quản lý, thu hồi nợ thuế đối với từng địa bàn, từng nhóm nợ… Do đó, tỷ lệ số nợ thuế năm 2021 đã giảm so với năm 2020.

Cụ thể, theo báo cáo của Cục Thuế Bắc Giang, tổng nợ thuế ước đến ngày 31/12/2021 còn 710 tỷ đồng bằng 3,8% so với ước thực hiện dự toán năm (18.677 tỷ đồng), đạt chỉ tiêu thu nợ thuế do Tổng cục Thuế giao.

Trong đó, các khoản nợ thuế, phí là 657,6 tỷ đồng, chiếm 92,6% tổng nợ thuế; các khoản nợ liên quan về đất là 52,4 tỷ đồng, chiếm 7,4% tổng nợ thuế. Số nợ có khả năng thu (nợ trên và dưới 90 ngày) là 608,5 tỷ đồng, so với ước dự toán thu năm 2021 là 3,25% (năm 2020 là 4,6%); nợ khó thu là 101,5 tỷ đồng, so với ước dự toán thu năm 2021 là 0,5% (năm 2020 là 1,1%).

Bên cạnh đó, tổng số tiền thuế nợ thu được ước đến ngày 31/12/2021 đạt 2.618,7 tỷ đồng; trong đó, thu nợ năm trước chuyển sang là 233,6 tỷ đồng, thu nợ phát sinh năm 2021 là 2.385,1 tỷ đồng.

Như vậy, Cục Thuế Bắc Giang đã thực hiện đạt chỉ tiêu quản lý thu nợ do Tổng cục Thuế giao; ước tỷ lệ nợ đọng thuế so với tổng thu ngân sách năm 2021 đạt 3,8%, hoàn thành mục tiêu đề ra; các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế đều được thực hiện đúng quy trình, quy định...

Để đạt được những kết quả nêu trên, Cục Thuế Bắc Giang đã nghiêm túc thực hiện việc giao chỉ tiêu thu nợ cho các đơn vị. Căn cứ vào chỉ tiêu thu nợ do Tổng cục Thuế giao, đã giao chỉ tiêu thu nợ cho các Phòng, các Chi cục Thuế và cho đến từng bộ phận, công chức tham gia trực tiếp thực hiện quy trình quản lý nợ, nhằm gắn trách nhiệm và là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị, cá nhân.

Hàng tháng chỉ đạo thực hiện phân loại tiền thuế nợ, theo các tiêu chí phân tích nợ thuế, kết hợp với việc rà soát, đối chiếu, điều chỉnh nợ sai, nợ ảo, nợ đang chờ điều chỉnh tồn đọng trên hệ thống, xử lý sai sót trong việc xác định nợ thuế của NNT, đảm bảo phản ánh đúng bản chất của khoản tiền thuế nợ, của từng đối tượng nợ thuế, từ đó áp dụng các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế cũng như các biện pháp khác phù hợp để thu hồi nợ thuế.

Đối với các khoản nợ từ 01-30 ngày, sau khi khóa sổ, bộ phận quản lý nợ đã phối hợp lập danh sách chuyển cho các bộ phận liên quan đôn đốc thu dứt điểm, hạn chế để nợ đọng. Đồng thời, chỉ đạo theo dõi, phối hợp với các bộ phận kiểm tra tìm hiểu nguyên nhân nợ thuế để chuẩn bị có giải pháp xử lý nợ phù hợp...

Hàng tuần, Cục Thuế đánh giá tình hình thực hiện của các đơn vị, đôn đốc nhắc nhở và thông báo bổ sung những trường hợp nợ thuế mới phát sinh; kịp thời đôn đốc các khoản thuế, tiền thuê đất được gia hạn vào ngân sách. Gọi điện thoại, gửi tin nhắn đôn đốc nộp thuế, gửi Thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp, gửi văn bản đề nghị tạm dừng xuất cảnh đối với các trường hợp chây ì; Công khai NNT có tiền thuế nợ trên phương tiện thông tin đại chúng...

Bên cạnh đó, tập trung rà soát và thực hiện khoanh nợ, xóa nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 và theo Luật Quản lý thuế. Cục Thuế đã chỉ đạo Phòng Kiểm tra nội bộ phối hợp Phòng Quản lý nợ tổ chức kiểm tra tình hình quản lý nợ thuế và thực hiện các biện pháp đôn đốc cưỡng chế thu nợ thuế tại các Chi cục Thuế khu vực. Qua đó kịp thời phát hiện chấn chỉnh các sai sót, đôn đốc và yêu cầu các đơn vị tuân thủ đúng quy trình quản lý nợ thuế và sự chỉ đạo của cấp trên về công tác này.

Cục Thuế Bắc Giang thường xuyên tham mưu với UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố trong công tác thu hồi nợ đọng thuế trên địa bàn, tăng cường phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, như: Rà soát, đề xuất UBND Tỉnh thu hồi dự án đối với các doanh nghiệp chây ỳ, nợ đọng thuế kéo dài, không cho tham gia đấu giá, đầu thầu đối với các DN, NNT còn nợ đọng, chưa hoàn thành nghĩa vụ đối với Ngân sách nhà nước...

Bài học kinh nghiệm vượt khó 

Những giải pháp xử lý và thu nợ thuế thực hiện năm 2021 đã giúp Cục Thuế tỉnh Bắc Giang xác định rõ, công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế là một biện pháp quan trọng và là chỉ tiêu chất lượng đánh giá kết quả trong công tác quản lý thuế; hỗ trợ trực tiếp cho việc hoàn thành dự toán thu NSNN; đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời tiền thuế vào NSNN, sự công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế.

Bên cạnh đó, các đơn vị quản lý nợ phải tuân thủ đúng quy trình quản lý nợ thuế, thực hiện phân công đúng các bộ phận tham gia quản lý nợ theo quy trình, đồng thời đề cao tinh thần trách nhiệm của từng đơn vị, trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình thực hiện quy trình quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. Đồng thời, thực hiện tốt vai trò chủ trì, tham mưu cho lãnh đạo trong việc đánh giá đúng thực trạng nợ thuế, tìm hiểu và nắm chắc được nguyên nhân nợ của từng đối tượng nợ thuế, từ đó đề xuất các giải pháp đúng quy định, phù hợp với thực tế đảm bảo hiệu quả thu nợ cao nhất.    

Trong thời gian tới, Cục Thuế tỉnh Bắc Giang sẽ quyết tâm thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định, không nể nang, né tránh va chạm. Cùng với đó, làm tốt việc thông tin, tuyên truyền, đối thoại thuyết phục đối tượng nợ thuế trước thời điểm đến hạn cưỡng chế để NNT ý thức được trách nhiệm, đồng thời tránh việc NNT có phản ứng không tốt do thắc mắc số nợ chưa chính xác; chưa được cơ quan Thuế đôn đốc, nhắc nhở…

Cơ quan Thuế trên địa bàn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thương mại để nắm được hết các tài khoản mà DN mở và đang giao dịch; thường xuyên theo dõi nắm bắt tình hình sản xuất của NNT bị cưỡng chế, phối hợp chặt chẽ với các ngành Công an, Quản lý thị trường… để ngăn chặn, xử lý trường hợp NNT bán hàng hóa thu tiền mặt, không xuất hóa đơn.