Mô hình giao dịch viên chuyên sâu tại Kho bạc đáp ứng yêu cầu “giao dịch một cửa”


Mô hình giao dịch viên chuyên sâu được Kho bạc Nhà nước triển khai thực hiện tại các Kho bạc cấp tỉnh từ tháng 7/2020. Đến nay, sau 1 năm áp dụng, mô hình này đã tạo nhiều thuận lợi cho Kho bạc Nhà nước cũng như đơn vị giao dịch; góp phần thay đổi căn bản các hoạt động nghiệp vụ của Kho bạc Nhà nước, tiết kiệm kinh phí cho ngân sách, tạo niềm tin cho khách hàng giao dịch.

Nhờ áp dụng mô hình giao dịch viên chuyên sâu, quy trình tiếp nhận, xử lý chứng từ, hồ sơ tại Kho bạc Nhà nước tỉnh đã tinh gọn, giảm từ 3 bước xuống còn 2 bước.
Nhờ áp dụng mô hình giao dịch viên chuyên sâu, quy trình tiếp nhận, xử lý chứng từ, hồ sơ tại Kho bạc Nhà nước tỉnh đã tinh gọn, giảm từ 3 bước xuống còn 2 bước.

Góp phần rút ngắn thời gian kiểm soát thanh toán

Mô hình giao dịch viên chuyên sâu được Kho bạc Nhà nước (KBNN) triển khai thực hiện tại các Kho bạc cấp tỉnh từ tháng 7/2020. Mô hình này được kết tinh từ việc thực hiện Đề án thống nhất đầu mối kiểm soát chi (1/10/2017-30/6/2020).

Triển khai theo mô hình này, giao dịch viên phòng kiểm soát chi, phòng kế toán nhà nước của KBNN tỉnh thực hiện tất cả các khâu của quy trình kiểm soát thanh toán, từ tiếp nhận hồ sơ, kiểm soát cam kết chi, kiểm soát chi, hạch toán kế toán, thanh toán, trả kết quả và lưu hồ sơ của các đơn vị giao dịch.

Triển khai theo mô hình này, giao dịch viên phòng kiểm soát chi, phòng kế toán nhà nước của KBNN tỉnh thực hiện tất cả các khâu của quy trình kiểm soát thanh toán, từ tiếp nhận hồ sơ, kiểm soát cam kết chi, kiểm soát chi, hạch toán kế toán, thanh toán, trả kết quả và lưu hồ sơ của các đơn vị giao dịch.

Đến nay, sau 1 năm áp dụng, mô hình đã tạo nhiều thuận lợi cho hệ thống KBNN cũng như đơn vị giao dịch. Cụ thể, quy trình tiếp nhận, xử lý chứng từ, hồ sơ theo đó được tinh gọn, giảm từ 3 bước xuống còn 2 bước so với trước đây; giảm bớt chữ ký trên chứng từ, rút ngắn thời gian kiểm soát.

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phòng kiểm soát chi và phòng kế toán nhà nước sẽ thực hiện kiểm soát chứng từ chi thường xuyên, chi đầu tư theo quy trình độc lập “từ A đến Z”, giảm thiểu tối đa tình trạng chứng từ đã hoàn thành khâu kiểm soát chi phải thực hiện luân chuyển sang phòng kế toán nhà nước chờ thanh toán, chuyển trả cho đơn vị thụ hưởng như trước đây. Điều này góp phần thay đổi căn bản các hoạt động nghiệp vụ, tiết kiệm kinh phí cho ngân sách, tạo niềm tin cho khách hàng.

Không chỉ vậy, mô hình cũng đã tạo được sự thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi của KBNN cấp tỉnh và KBNN cấp huyện. Đội ngũ công chức làm công tác chuyên môn cũng có thêm thời gian và điều kiện tìm tòi, nghiên cứu, nâng cao trình độ để phục vụ khách hàng.

Kỹ năng tác nghiệp trên các phần mềm tin học ứng dụng cũng được các công chức hoàn thiện, góp phần đẩy mạnh giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến, công khai minh bạch nguồn ngân quỹ nhà nước. Từ dịch vụ công trực tuyến, các đơn vị giao dịch cũng giám sát được quy trình từ khâu tiếp nhận, xử lý đến trả kết quả hồ sơ chứng từ của KBNN.

Đáp ứng yêu cầu về “giao dịch một cửa”

Mô hình giao dịch viên chuyên sâu mặc dù đã đáp ứng được yêu cầu về “giao dịch một cửa” trong hoạt động nghiệp vụ của KBNN, phù hợp với điều kiện thực tế của KBNN cấp tỉnh hiện nay... Tuy nhiên, quy trình kiểm soát của phòng kiểm soát chi và phòng kế toán nhà nước đều cùng thực hiện trên cùng một ứng dụng như: Tabmis, thanh toán liên ngân hàng, thanh toán song phương… Điều này đòi hỏi sự bao quát, trách nhiệm cao của kế toán trưởng đơn vị; đặt ra nhiều thách thức đối với vấn đề quản lý dữ liệu của giao dịch viên.

Thực tiễn cho thấy, thời gian tới, KBNN cần thường xuyên cập nhật, bổ sung, sửa đổi lỗi của các chương trình ứng dụng phát sinh trong quá trình tác nghiệp; nâng cao hiệu năng các chương trình ứng dụng, đảm bảo sự ổn định của các ứng dụng. Quan trọng là phải bảo mật dữ liệu của từng ứng dụng, cũng như cần có phương án dự phòng để thực hiện kiểm soát, thanh toán, khai thác dữ liệu khi các ứng dụng bị sự cố kỹ thuật.

Đặc biệt, để có thể phát huy tối đa tác dụng mô hình giao dịch viên chuyên sâu, KBNN cần thực hiện phân quyền mạnh mẽ cho KBNN cấp tỉnh, để KBNN cấp tỉnh chủ động phân luồng công việc trên dịch vụ công trực tuyến cho các phòng kiểm soát chi, kế toán nhà nước theo quy định.

Cùng với đó, KBNN cần đầu tư nâng cấp dịch vụ công trực tuyến bảo đảm cho đơn vị giao dịch kê khai và gửi hồ sơ, chứng từ lĩnh vực chi đầu tư bằng phương thức giao dịch trực tuyến trên dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, xây dựng các giải pháp liên thông giữa các chương trình ứng dụng để giảm thiểu các thao tác của giao dịch viên, kế toán trưởng, lãnh đạo kho bạc. Hạn chế tối đa các sai sót trong khâu giao diện giữa các ứng dụng, tiến tới thực hiện kiểm soát chi tự động một số nội dung chi thường xuyên. Tuyên truyền, phổ biến kịp thời các văn bản chế độ mới đến các đơn vị sử dụng ngân sách.

Đối với cán bộ, công chức tham gia vào mô hình giao dịch viên chuyên sâu cần thực hiện nghiêm quy trình nghiệp vụ, tích cực học tập, nghiên cứu văn bản chế độ mới liên quan đến nghiệp vụ kiểm soát chi. Những giao dịch viên, quyền kế toán trưởng chưa có chứng chỉ kế toán cần tự học hỏi, tự hoàn thiện các tiêu chuẩn theo vị trí việc làm...

(*) ThS. Vũ Thị Kim Thanh.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 7/2021.