Ngành Hải quan tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm


Trong quý II/2021, Tổng cục Hải quan tiếp tục triển khai các nhiệm vụ quan trọng: thực hiện kế hoạch phát triển hải quan số; siết chặt công tác kiểm tra giám sát hàng hoá xuất nhập khẩu, chống thất thu, chống buôn lậu gian lận thương mại.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trước bối cảnh khó khăn do dich bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng với quyết tâm hoàn thành mục tiêu kép, vừa thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch, vừa tích cực hỗ trợ khơi thông hoạt động xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp.

Trong đó, công tác cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, tự động hóa quy trình thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại được ngành Hải quan đặt lên hàng đầu. Theo đó, ngay từ đầu năm 2021, Tổng cục Hải quan đã quyết liệt triển khai thực hiện: Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu và thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện Hải quan.

Tổng cục Hải quan xác định, đây là 2 đề án lớn nhằm xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại ngang tầm Hải quan các nước phát triển hàng đầu thế giới, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực hoạt động, hiện đại hóa hải quan, cải cách toàn diện, ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh.

Tổng cục Hải quan đã đẩy mạnh thực hiện và hoàn thành 5 đề án trọng tâm trình Chính phủ, 4 đề án trình Bộ Tài chính và 21 đề án trình Tổng cục; Đã tham mưu Bộ Tài chính trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, trình Bộ Tài chính ký ban hành 4 Thông tư và 1 Quyết định.

Trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), Tổng cục Hải quan đã rà soát, đề xuất bãi bỏ các thủ tục không cần thiết; cắt giảm, đơn giản hóa TTHC; cắt giảm điều kiện kinh doanh nhằm tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm các yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực hải quan.

Bên cạnh đó, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại được triển khai tích cực trên toàn tuyến đường bộ, đường không, chuyển phát nhanh, đặc biệt nhiều chuyên án, chuyên đề kiểm soát, kiểm tra, giám sát đã được triển khai đạt hiệu quả.

Công tác kiểm tra sau thông quan tiếp tục xây dựng kế hoạch định hướng đấu tranh chống gian lận về xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, tiếp tục triển khai Kế hoạch định hướng, kế hoạch chi tiết và thực hiện kiểm tra sau thông quan đối với các chuyên đề, qua đó phát hiện nhiều vụ việc vi phạm góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.

Trong quý I/2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã đạt 153,65 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 78,18 tỷ USD, tăng 23,3% và tổng trị giá nhập khẩu là 75,47 tỷ USD, tăng 26,6%.

Triển khai nhiệm vụ quý II/2021, toàn ngành Hải quan tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện song song hai nhiệm vụ tạo thuận lợi thương mại nhưng vẫn phải nâng cao năng lực quản lý; đồng thời, tập trung vào công tác thu ngân sách. Trong đó, tăng cường vào các biện pháp chống thất thu về giá, về chủng loại, thuế suất; kiểm tra giá hàng xuất khẩu, phân tích, phân loại hàng hóa…

Cùng với đó, ngành Hải quan tập trung thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng như triển khai thực hiện kế hoạch phát triển hải quan số đáp ứng yêu cầu quản lý và đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo quyết định.

Mặt khác, nâng cao hiệu quả công tác soi chiếu container hàng hoá; tăng cường các biện pháp kiểm soát khai báo hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận chuyển; tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo về nâng cao hiệu lực kiểm tra, kiểm soát hải quan.

Ngành Hải quan, kiên quyết đấu tranh chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp; tập trung kiểm soát đối với doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp xuất nhập khẩu mặt hàng gỗ, thủy hải sản, linh kiện điện tử…