Ngành Tài chính tiên phong trong cuộc cách mạng số

PV.

Không chỉ tiên phong trong chuyển đổi thể chế, cải cách thủ tục hành chính, ngành Tài chính cũng đang đi đầu trong cuộc cách mạng số trong các cơ quan của Chính phủ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Việt Nam hiện đang phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP và đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử và kinh tế số. Với vai trò mạch máu của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng sẽ là một trong những yếu tố then chốt cho chuyển đổi số nói chung và thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác.

Theo thống kê, đến tháng 5/2021, Bộ Tài chính đã triển khai, cung cấp 895 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 94 dịch vụ công trực tuyến mức độ 1; 281 dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; 80 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 440 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Bộ Tài chính là 520 dịch vụ (đạt tỷ lệ 60%). Điều đáng chú ý, nhiều dịch vụ công trực tuyến quan trọng của Bộ Tài chính đã được kết nối thành công lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Để thực hiện kiến trúc Chính phủ điện tử tài chính số, Bộ Tài chính đã đề xuất mô hình tổng thể về quy hoạch hệ sinh thái công nghệ thông tin hướng tới nền tài chính số. Tiếp đó, Bộ Tài chính đã chuyển đổi mô hình hạ tầng máy chủ tính toán từ hệ thống cũ sang ảo hóa 100%, tiến tới xây dựng nền tảng điện toán đám mây ngành Tài chính…

Chia sẻ tại “Diễn đàn Trực tuyến: Tài chính số 2021” do Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức chiều ngày 9/9/2021, TS. Nguyễn Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, năm 2018, Bộ Tài chính đã xây dựng Kiến trúc chính phủ điện tử của Bộ và năm 2020 đổi thành Kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số, mục tiêu sẽ thiết lập xong hệ sinh thái tài chính số, trong đó Chính phủ đóng vai trò kiến tạo kết nối với các đơn vị thông qua việc mở, chia sẻ dữ liệu nền tảng số hóa... 

Cụ thể, ngày 31/12/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Quyết định số 2366/QĐ-BTC ban hành Kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số. Quyết định này là cơ sở pháp lý quan trọng giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành Tài chính và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; đồng thời, tạo nền tảng cho ngành Tài chính tiếp cận, nắm vai trò chủ động, kiến tạo và đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền tài chính số hiện đại tại Việt Nam. 

Đánh giá cao những nỗ lực của ngành Tài chính, TS. Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng ngành Tài chính đang đi đầu trong cuộc cách mạng số trong các cơ quan của Chính phủ. Cơ quan tài chính, cụ thể là ngành Thuế, Hải quan, Kho bạc, Bảo hiểm đang là cơ quan đi đầu trong xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động của mình trong bối cảnh ngành Tài chính tích cực chuyển sang hoạt động trên nền tảng công nghệ số. Nỗ lực này của ngành Tài chính đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao trong những năm qua.

Chia sẻ nhận định này, GS., TS. Hoàng Văn Cường – Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại biểu Quốc hội khóa XV cho rằng hai lĩnh vực nổi trội về quản lý thuế và hải qua của ngành Tài chính đã có bước tiến vượt bậc, mang tính chất thay đổi căn bản. Theo đó, đã chuyển từ phương thức quản lý dịch vụ công dựa trên giấy tờ, giao tiếp trực tiếp, chuyển sang phương thức quản lý hiện đại, dựa vào ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng thiết bị hiện đại hóa để số hóa. Nhờ đó, doanh nghiệp, người dân đã thấy rõ sự công khai minh bạch về thuế từ việc thực hiện ứng dụng này.

GS., TS. Hoàng Văn Cường cũng tin ngành Tài chính sẽ thực hiện thành công, từng bước đạt được mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là thiết lập được nền tài chính mở; hoàn thành được mục tiêu là chuyển đổi số nền tài chính một cách toàn diện đầy đủ vào 2030.

Theo kế hoạch đề ra, dự kiến, đến năm 2030, sẽ định hình một ngành Tài chính hiện đại dẫn dắt sự phát triển của kinh tế số dựa trên việc đẩy nhanh các giá trị gia tăng của dịch vụ tài chính, chuyển đổi mô hình kinh tế bao hàm kinh tế số. Vai trò của công nghệ thông tin: Đồng nhất với các hoạt động nghiệp vụ trong môi trường số hóa hoàn toàn và tài chính thông minh quản lý và phát triển nền kinh tế số quốc gia. “Những người làm công tác chuyển đổi số của ngành Tài chính thường xuyên nghiên cứu, bám sát thực tiễn, tham mưu cho lãnh đạo Bộ để ra văn bản thúc đẩy quá trình này, thúc đẩy Chính phủ số, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp”, TS, Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.