Chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày Truyền thống ngành Tài chính (28/8/1945-28/8/2020):

Ngành Tài chính với hoạt động sưu tầm, tu bổ, xây dựng di tích lịch sử truyền thống

Bài đăng trên Sách “Gương sáng - Việc hay ngành Tài chính”

Trải qua hai cuộc kháng chiến, đấu tranh giải phóng dân tộc, đã có rất nhiều địa danh gắn liền với quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của ngành Tài chính. Nhằm bảo tồn, lưu giữ, giáo dục những giá trị lịch sử truyền thống, Bộ Tài chính đã có nhiều hoạt động thiết thực chung tay xây dựng, tu bổ các di tích lịch sử của Ngành trên mọi miền Tổ quốc. Đây là việc làm ý nghĩa và tốt đẹp, có giá trị cho muôn đời sau.

Lãnh đạo Bộ Tài chính và UBND tỉnh Tuyên Quang, Sở Tài chính tỉnh Tuyên Quang tổ chức Lễ khánh thành Bia Di tích lịch sử Nhà máy in tiền Khánh Thi (3/2014)
Lãnh đạo Bộ Tài chính và UBND tỉnh Tuyên Quang, Sở Tài chính tỉnh Tuyên Quang tổ chức Lễ khánh thành Bia Di tích lịch sử Nhà máy in tiền Khánh Thi (3/2014)

Tự hào với các di tích lịch sử của Ngành

Trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, ngành Tài chính Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh cùng đất nước. Từ khi thành lập nước Việt Nam non trẻ năm 1945, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ oanh liệt, trong bất kỳ hoàn cảnh, thời điểm, địa điểm nào của cuộc kháng chiến kiến quốc đều ghi đậm dấu ấn của ngành Tài chính. Minh chứng cho điều này không chỉ ở những con số về nguồn lực tài chính phục vụ cách mạng mà lịch sử còn ghi dấu những di tích, địa danh ngành Tài chính cách mạng Việt Nam đã làm việc, chiến đấu…

Từ Bắc vào Nam, từ Thủ đô Hà Nội đến Thủ đô kháng chiến Việt Bắc, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, hay Hòa Bình, Thanh Hóa, vào miền Trung - Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Khu 5, khúc ruột Miền Trung; vào Đồng bằng sông Cửu Long, Miền Đông, chiến khu D, Miền Tây Nam Bộ, cực Nam của Tổ quốc như đất Mũi Cà Mau… đâu đâu cũng bắt gặp chiến công hào hùng của dân tộc và hiện hữu, trong đó là những di tích vẻ vang của ngành Tài chính.

Điển hình như: Nhà in Tô-Panh (nay ở số 5 đường Lê Duẩn, Hà Nội) - nơi cho ra đời đồng tiền tài chính đầu tiên; Khu đồn điền Chi Nê, Hòa Bình, nơi đặt máy in tiền năm 1946-1947; Địa điểm kho chứa tiền (kho bạc) của Nhà máy in tiền Chi Nê; Khu di tích Nhà máy in tiền Khánh Thi, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang; Khu lưu niệm địa điểm in tiền – Sở Ấn loát Trung Bộ tại xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; Khu lưu niệm địa điểm in tiền – Sở Ấn loát Trung Bộ tại xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế; Khu di tích Ấn loát đặc biệt Nam Bộ tại xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau…

Các di tích lịch sử của ngành Tài chính ở khắp mọi miền tổ quốc đã và đang được trùng tu, xây dựng ngày càng khang trang hơn, bề thế hơn để xứng danh là minh chứng lịch sử của Ngành, của dân tộc. Với tinh thần đó, trong những năm qua, hàng loạt di tích lịch sử đã được ngành Tài chính chung tay xây dựng, tu bổ, qua đó không chỉ hun đúc thêm tinh thần dân tộc và niềm tự hào về lịch sử vẻ vang của Ngành, đồng thời bồi đắp thêm những hiện vật lịch sử. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã phát động và tổ chức tiếp nhận hiện vật lịch sử truyển thống của ngành Tài chính…

Chung tay xây dựng, sưu tầm, tu bổ các di tích lịch sử tài chính

Trân trọng những giá trị lịch sử, những cống hiến và đóng góp của các thế hệ đi trước, trong nhiều năm qua, ngành Tài chính đã phối hợp với các địa phương trong cả nước gìn giữ, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử của các di tích gắn liền với lịch sử phát triển của ngành Tài chính.

Cụ thể, ngày 8/8/2010 và ngày 10/8/2010, tại các tỉnh Thừa Thiên- Huế và Hà Tĩnh, Bộ Tài chính đã tổ chức Lễ khánh thành công trình xây dựng Bia Lưu niệm Sở Ấn loát Tài chính Trung Bộ; Công bố Quyết định công nhận địa điểm in tiền Tài chính - Giấy bạc Cụ Hồ tại thôn Hiền Sĩ, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế.

Bên cạnh đó, xác định được vai trò và trách nhiệm đối với lịch sử và cũng là vinh dự của thế hệ đi sau, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các Sở Tài chính, phối hợp với các đơn vị liên quan đặc biệt là chính quyền và nhân dân địa phương nơi gắn bó mật thiết với các di tích, các nhà nghiên cứu khoa học, những nhân chứng đã có thời gian gắn bó với Cơ sở in tiền Tài chính, để có được đầy đủ cơ sở khoa học, tư liệu lịch sử của địa điểm in tiền Tài chính - Giấy bạc Cụ Hồ tại hai địa điểm trên. Cách mạng tháng 8/1945 thành công, cùng với sự ra đời của Nhà máy in tiền cho Chính phủ tại Chi Nê, huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình ở phía Bắc, đầu năm 1946, Sở Ấn Loát Tài chính Trung Bộ được thành lập và trở thành cơ quan ấn loát đặc biệt, chuyên lo in tiền Tài chính, mà nhân dân ta quen gọi là “Giấy bạc Cụ Hồ” đã được chuyển đi mọi nơi, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu cấp bách của chính quyền cách mạng, tạo niềm tin sâu sắc trong lòng nhân dân, góp phần quan trọng cho thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

Để ghi nhận những đóng góp của Sở Ấn loát Tài chính Trung Bộ, Bộ Tài chính đã cùng với các đơn vị, địa phương đã đề nghị xếp hạng di tích lịch sử cách mạng tại các địa điểm đặt cơ sở in tiền của Sở Ấn loát Tài chính Trung Bộ, xây dựng Bia Lưu niệm tại Địa điểm in tiền Tài chính tại thôn Hiền Sĩ, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế… Các hoạt động đầy ý nghĩa này cũng là trách nhiệm, vinh dự của các thế hệ cán bộ ngành Tài chính.

Ngày 14/2/2014, Bộ Tài chính cùng UBND tỉnh Hòa Bình, UBND huyện Lạc Thủy đã tổ chức lễ công bố và trao kỷ lục Việt Nam Nhà máy in tiền đầu tiên; khánh thành di tích II (xưởng in bạc). Di tích Nhà máy in tiền tại Đồn điền Chi Nê là nơi lưu giữ những dấu ấn lịch sử quan trọng của ngành Tài chính, năm 2007, Khu di tích được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2009, UBND Tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu di tích rộng 15,64 ha, mức đầu tư giai đoạn I là 58 tỷ đồng. Năm 2010, công trình được khởi công để đưa vào khai thác, phục vụ khách tham quan. Với Nhà máy in tiền tại Đồn điền Chi Nê của nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện, trong nhiều năm qua, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với tỉnh Hòa Bình, huyện Lạc Thủy trong quá trình xây dựng hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận Di tích quốc gia cũng như trong quá trình tu bổ, tôn tạo Di tích.

Ngày 6/3/2014, Bộ Tài chính đã phối hợp với Sở Tài chính tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức Lễ cắt băng khánh thành Bia Di tích lịch sử Nhà máy in tiền Khánh Thi tại Chiêm Hóa - Tuyên Quang. Nhà máy in tiền Khánh Thi thuộc Bộ Tài chính là một trong những nơi sản xuất giấy bạc Tài chính - đồng bạc Cụ Hồ trong kháng chiến chống Pháp. Ngay sau ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, cán bộ công nhân viên cơ quan Ấn loát đã vận chuyển hơn 300 tấn máy, giấy, mực in tiền từ Nhà máy in tiền từ Nhà máy in tiền tại đồn điền Chi Nê - Hòa Bình theo đường sông từ Nho Quan - Vụ Bản - Tuyên Quang lên núi rừng Việt Bắc, đóng tại địa điểm Bản Thi, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Cạn tiếp tục ổn định sản xuất giấy bạc phục vụ kháng chiến. Là một trong số các bộ, ngành sơ tán lên núi rừng Tuyên Quang trong suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ, từ Tú Thịnh, Minh Thanh, Phú Lương, Hùng Mỹ, Bình Nhân..., ở đâu Bộ Tài chính đều được đồng bào các dân tộc Tuyên Quang đùm bọc, che chở, để rồi từ đó, một nền tài chính cách mạng không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, góp phần vào thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Những đồng bạc Tài chính - giấy bạc Cụ Hồ được sản xuất tại Nhà máy in tiền Khánh Thi đã có mặt ở các vùng kháng chiến, góp phần lưu thông tiền tệ quốc gia và trở thành vũ khí quan trọng đấu tranh với thực dân Pháp trên mặt trận kinh tế - tài chính...

Trong hành trình gian nan, nguy hiểm vận chuyển thiết bị, máy móc của Nhà máy in tiền từ Chi Nê - Hòa Bình lên Chiêm Hóa, trước sự chống phá ác liệt của kẻ thù, nhiều cán bộ Sở ấn loát Bộ Tài chính đã anh dũng hy sinh và nằm lại với mảnh đất Tuyên Quang. Nhằm tri ân những tấm gương đã hy sinh vì tổ quốc, ngành Tài chính đã chung tay xây dựng Nghĩa trang Liệt sỹ Phạm Văn Khang và đồng đội như một sự tri ân của thế hệ đi sau với những người đã ngã xuống cho nền tài chính cách mạng, như nhắc nhở những thế hệ sau về truyền thống vẻ vang, tự hào của những thế hệ đi trước. Cùng trong hoạt động tri ân trên mảnh đất Tuyên Quang cách mạng, ngành Tài chính cũng đã chung tay quyên góp xây dựng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lê Văn Hiến (Huyện Sơn Dương- Tuyên Quang). Với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, ngôi trường mang tên Cố Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến đã đáp ứng đầy đủ việc học hành của con em nhân dân trên địa bàn

Ngày 06/10/2014, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khánh thành Công trình cải tạo nâng cấp Bia kỷ niệm Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ tại huyện Năm Căn. Ngày 01/11/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 102/SL cho phép phát hành tín phiếu trị giá 20 triệu đồng tại Nam Bộ, đồng thời thành lập Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ tại chiến khu bưng biền Đồng Tháp Mười (huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) do đồng chí Ngô Tấn Nhơn làm Trưởng ban. Để che mắt địch và Việt gian, Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ được mang biệt danh là “Ban Trồng tỉa số 10”. Quá trình in giấy bạc ở Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ thời kỳ này vô cùng khó khăn gian khổ, nhất là từ năm 1949, địch mở rộng chiến tranh, đánh phá nhiều nơi, nên để đảm bảo an toàn việc in giấy bạc, Cơ quan Ấn loát đặc biệt Nam Bộ đã phải nhiều lần di chuyển địa điểm, vận chuyển máy móc, thiết bị vật tư, nguyên liệu… tới vùng Sác – U Minh, Cà Mau.

Di tích Bia lưu niệm Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ gồm một quần thể kiến trúc với các hạng mục chính như: Tượng đài kỷ niệm, nhà bia ghi danh liệt sỹ, hệ thống sân vườn, hàng rào, chiếu sáng... Công trình Bia kỷ niệm Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ đã được xây dựng từ giữa năm 1997, giá trị đầu tư khoảng 45 triệu đồng, do các đồng chí công tác tại Ban Ấn loát ngày xưa huy động, với kết cấu thô sơ. Ðầu năm 2009, Bộ Tài chính cho chủ trương nâng cấp, cải tạo Bia Ấn loát đặc biệt Nam Bộ. Ðến tháng 7/2012, Bộ Tài chính cùng Sở Tài chính Cà Mau khởi công xây dựng công trình gồm quần thể kiến trúc với các hạng mục chính: tượng đài kỷ niệm, nhà bia ghi danh liệt sĩ, vườn cây, sân, hàng rào, hệ thống chiếu sáng, bờ kè, vỉa hè và đường nối từ lộ Hàng Dương đến tận sông Bảy Háp.

Ngày 04/8/2014, Bộ Tài chính tổ chức tiếp nhận hiện vật lịch sử truyền thống của ngành Tài chính - hiện vật “Bản kẽm khuôn in tiền Tài chính - Giấy bạc Cụ Hồ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp tại Nam Bộ” do Sở Tài chính Bắc Ninh mua lại của nhà sưu tập tư nhân Nguyễn Văn Thạo - tỉnh Bắc Ninh và trao tặng lại cho Bộ Tài chính để lưu giữ, phục vụ công tác nghiên cứu trưng bày lâu dài tại phòng truyền thống của Ngành. Đây là hiện vật có giá trị lịch sử rất lớn, là khuôn dùng để in tiền do Bộ Tài chính phát hành ở khu vực Nam Bộ vào những năm 1948 - 1950 nhằm khẳng định chủ quyền của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, trở thành vũ khí quan trọng đấu tranh với địch trên mặt trận tiền tệ, kinh tế.

Những hoạt động thiết thực trong sưu tầm, tôn tạo, gìn giữ, xây dựng nhằm phát huy, giáo dục những giá trị lịch sử nói trên đã và đang tạo nên những điểm sáng và niềm tự hào truyền thống cách mạng nói chung và của ngành Tài chính nói riêng cho các thế hệ sau.