Ngành Thuế đạt kết quả cao từ các giải pháp thực hiện "mục tiêu kép"

Việt Dũng

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế cùng sự ủng hộ, đồng hành của người dân và doanh nghiệp đã mang lại kết quả toàn diện...

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn báo cáo tại hội nghị
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn báo cáo tại hội nghị

Tiến độ thu ngân sách đạt 58,8% dự toán, tăng trưởng 14,3% so với cùng kỳ năm 2020

Báo cáo tại hội nghị “Sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính – NSNN 6 tháng cuối năm 2021 của ngành Tài chính”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết: Qua 6 tháng đầu năm, số thu NSNN do cơ quan thuế quản lý là 656.374 tỷ, bằng 58,8% dự toán, tăng trưởng 14,3% so với cùng kỳ. Trong đó, số thu từ dầu thô là 18.725 tỷ đồng, bằng 80,7% dự toán, bằng 87,8% cùng kỳ; Số thu nội địa (không bao gồm dầu thô) do cơ quan thuế quản lý là 637.649 tỷ đồng, bằng 58,3% dự toán, bằng 115,3% cùng kỳ.

Có 60/63 địa phương thu đạt trên 50% dự toán. Hầu hết các khoản thu theo các sắc thuế chính đều đạt khá; trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đạt 61,5%, thuế tiêu thu đặc biệt (TTĐB) đạt 61%, thuế giá trị gia tăng (GTGT) đạt 51,5%, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đạt 68% dự toán...

Đặc biệt, một tín hiệu vui đến từ số thu từ 03 khu vực kinh tế là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI và khu vực công thương nghiệp, ngoài quốc doanh, sau nhiều năm thu không đạt dự toán thì trong 6 tháng đầu năm là khu vực có số thu đạt trên 57% dự toán và tăng trưởng trên 26% so cùng kỳ (chiếm 52,4% tổng thu nội địa).

Hội nghị “Sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính – NSNN 6 tháng cuối năm 2021 của ngành Tài chính”
Hội nghị “Sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính – NSNN 6 tháng cuối năm 2021 của ngành Tài chính”

Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm với nhiệm vụ tham mưu, Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ kịp thời ban hành hoặc duy trì các chính sách hỗ trợ cho người nộp thuế (NNT) gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19. Trong đó, nổi bật nhất là việc Chính phủ kịp thời ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 trong năm 2021.

Về vấn đề này, ngay từ đầu năm 2021, khi phát sinh đợt dịch thứ 3 và kéo dài trong khoảng 2 tháng (từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 3), Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu với Chính phủ để ban hành Nghị định về gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất. Ngay khi Nghị định được ban hành, ngành Thuế đã lập tức thực hiện tuyên truyền đến các đối tượng được thụ hưởng; nâng cấp các ứng dụng, phần mềm, hướng dẫn, hỗ trợ NNT nộp Giấy đề nghị gia hạn bằng phương thức điện tử mọi lúc, mọi nơi (24/7).

Tạo điều kiện thuận lợi nhất, tiết kiệm thời gian, chi phí cho NNT và đảm bảo hiệu quả công tác phòng chống dịch. Tính đến ngày 08/7/2021, tổng số đơn đề nghị gia hạn là 64.743 đơn, với tổng số thuế GTGT, TNDN, TNCN và tiền thuê đất được gia hạn 35.247 tỷ đồng.

Việc ban hành và thực hiện kịp thời giải pháp nêu trên đã tiếp tục nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, người dân; góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện khó khăn bởi dịch bệnh.

Bên cạnh đó, kết quả tích cực ngành Thuế đạt được trong 6 tháng đầu năm còn có sự ủng hộ, tham gia chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của chính quyền địa phương hỗ trợ cơ quan thuế các cấp trong công tác xử lý nợ, quản lý chống thất thu ngân sách. Điều này thể hiện rõ nét nhất ở công tác xử lý nợ thuế theo Nghị quyết 94 của Quốc Hội. 

Số liệu tổng hợp cho thấy, tính đến hết tháng 6/2021, các địa phương đã ban hành 960 Quyết định xóa nợ cho 119.509 người nộp thuế với tổng số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp được xóa là 3.020 tỷ đồng. Đạt được kết quả tích cực này là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương mà trực tiếp là đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đã sát sao chỉ đạo các sở, ngành địa phương phối hợp với cơ quan thuế trong công tác xử lý nợ xấu thời gian qua.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2021, công tác thanh tra, kiểm tra đã được Tổng cục Thuế chỉ đạo thực hiện linh hoạt, phù hợp với diễn biến dịch Covid của từng địa phương, theo nguyên tắc, các địa phương có dịch bệnh diễn biến phức tạp thì không thực hiện thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế; tập trung thực hiện kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế.

Các địa phương ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì thực hiện song song việc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế và đẩy mạnh kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế. Đồng thời việc kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế chỉ thực hiện đối với những đơn vị có rủi ro cao, có dư địa khai thác số thu lớn, …, và phải đảm bảo an toàn, phù hợp với diễn biến thực tế của dịch Covid-19. Qua công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế 6 tháng đầu năm, đã kiến nghị xử lý trên 22.963 tỷ đồng...

Phấn đấu hoàn thành mức cao nhất thu NSNN năm 2021

Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ông Cao Anh Tuấn cho biết, trên tinh thần thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ trướng Chính phủ, kết luật của Bộ trưởng Bộ Tài chính, toàn ngành Thuế quyết tâm cụ thể hóa các giải pháp thực hiện trong 6 tháng cuối năm.

Cụ thể, toàn ngành Thuế quyết liệt triển khai các giải pháp quản lý thu, phấn đầu hoàn thành vượt mức dự toán Quốc Hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao năm 2021. Hiện nay Tổng cục Thuế đang chỉ đạo rà soát kỹ các nguồn thu và bám sát các kịch bản tăng trưởng tổng thể, tăng trưởng GDP để có kịch bản thu ngân sách phù hợp, sát với tình hình thực tế và tham mưu cho Bộ Tài chính trong điều hành thu ngân sách trong 6 tháng cuối năm.

Hệ thống Thuế các cấp tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp chống thất thu thuế, đẩy mạnh chống chuyển giá, trốn thuế; đẩy mạnh công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh thương mại điện tử; tiếp tục tập trung xử lý hiệu quả công tác thu hồi nợ thuế và xử lý nợ thuế theo Nghị quyết số 94 của Quốc Hội, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng xuống dưới 5% tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý.

Song song với đó, ngành Thuế sẽ hoàn thành công tác xây dựng thể chế, chính sách pháp luật trong lĩnh vực thuế theo chương trình xây dựng văn bản pháp luật năm 2021; Với mục tiêu tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế để đảm bảo nguồn thu, nguồn lực tài chính chủ yếu thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả và công tác quản lý thuế thống nhất minh bạch, chuyên sâu, chuyên nghiệp. Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021–2030 sẽ sớm được hoàn thiện Trình Bộ để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Trong 6 tháng cuối năm, Tổng cục Thuế sẽ hoàn thành trình Bộ ban hành Quyết định về chức năng, nhiệm vụ của 03 đơn vị mới được nâng cấp thành cấp Cục; Tiếp tục rà soát để tham mưu với Bộ Tài chính sắp xếp lại tổ chức bộ máy đối với các Chi cục Thuế đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện để nâng cấp các Đội thành Phòng thuộc Chi cục theo Quyết định số 812/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Lãnh đạo ngành Thuế cũng khẳng định, trên cơ sở hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc kê khai nộp thuế và tạo thuận lợi cho người dân thực hiện các thủ tục hành chính, thực hiện tối đa áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, ngành Thuế sẽ tập trung chuẩn bị hạ tầng hóa đơn điện tử đáp ứng các quy định tại Nghị định số 123/2020 của Chính phủ, đúng tiến độ, đảm bảo thực hiện trên phạm vi toàn quốc từ 01/7/2022. Hiện nay đã có 450 TTHC thuế được tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia, trên 180 TTHC về thuế đã đáp ứng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4...

Bên cạnh đó, cơ quan thuế sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, NNT tuân thủ pháp luật thuế thông qua tăng cường kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế; đẩy mạnh thanh tra chống chuyển giá;  thực hiện tối đa áp dụng công nghệ thông tin, khai thác cơ sở dữ liệu phân tích rủi ro, thực hiện một bước thanh kiểm tra trên hệ thống và hạn chế thanh tra, kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính.

Đồng thời, ngành Thuế tiếp tục phối hợp với các cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, cơ quan đăng ký kinh doanh rà soát cơ sở dữ liệu, đánh giá rủi ro những thương vụ chuyển nhượng vốn, dự án, góp phần tăng thu vào những khoản hụt thu.