Nghiên cứu đưa mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế vào diện bình ổn giá

Trần Huyền

Với vai trò là cơ quan phối hợp, Bộ Tài chính đã tích cực tham gia ý kiến với Bộ Y tế trong quản lý chặt chẽ giá vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị y tế. Hiện nay, Bộ Tài chính đang đánh giá, rà soát để sửa đổi, bổ sung Luật Giá, trong đó, nghiên cứu đưa mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế vào diện bình ổn giá.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Dược, Nghị định số 36/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế, Bộ Y tế là cơ quan chủ trì quản lý nhà nước về giá dịch vụ y tế, giá thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, vật tư, trang thiết bị y tế.

Giai đoạn đầu của dịch COVID-19, một số mặt hàng hóa chất sát khuẩn, khử khuẩn, khẩu trang... phục vụ phòng, chống dịch bệnh có hiện tượng tăng giá mạnh do nguồn cung thiếu hụt. Tuy nhiên, đến nay, do nguồn cung trong nước dồi dào và nhờ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ và triển khai của Bộ Y tế, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan, mặc dù dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng giá các mặt hàng này cơ bản được kiểm soát.

Thời gian vừa qua cũng xuất hiện hiện tượng có nhiều mức giá test/kit xét nghiệm với dải giá rộng ảnh hưởng đến chi phí xét nghiệm của người dân, doanh nghiệp. Trước tình hình đó, với vai trò là cơ quan phối hợp tham gia ý kiến với Bộ Y tế quản lý giá hàng hóa, dịch vụ trong lĩnh vực y tế, Bộ Tài chính đã có văn bản góp ý với Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương thực hiện giá xét nghiệm.

Bộ Tài chính cũng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế tăng cường công khai giá vật tư, trang thiết bị y tế để các địa phương, đơn vị tham khảo mua sắm phục vụ phòng chống dịch COVID-19; đề nghị Bộ Y tế tăng cường công khai về giá thuốc, thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm… trên trang điện tử của Bộ Y tế theo quy định tại Luật Dược, Nghị định số 36/2016/NĐ-CP để các địa phương, đơn vị tham khảo trong mua sắm phục vụ phòng, chống COVID-19.

Bộ Y tế đã công khai giá thuốc kê khai, kê khai lại, giá thuốc trúng thầu, giá trúng thầu trang thiết bị, vật tư y tế trên trang điện tử của Bộ Y tế (congkhaiyte.moh.gov.vn), đồng thời công khai trên các trang điện tử khác của Bộ Y tế giá thuốc kê khai, kê khai lại (dichvucong.dav.gov), giá trúng thầu vật tư, trang thiết bị y tế (congkhaiketquathau.moh.gov.vn), giá chào bán  vật tư, trang thiết bị y tế của một số nhà cung cấp 02 (congkhaigiadmec.moh.vn).

Theo thống kê trên các trang điện tử của Bộ Y tế, Bộ Y tế đã công khai khoảng 65 nghìn giá thuốc trúng thầu tại các cơ sở y tế; khoảng 93 nghìn giá trúng thầu trang thiết bị, vật tư y tế; khoảng 45 nghìn giá chào bán trang thiết bị, vật tư y tế của một số nhà cung cấp. Tất cả các cá nhân đều có quyền quy cập và tra cứu thông tin, tiếp cận được giá công khai trên.

Để quản lý chặt chẽ giá vật tư, thiết bị y tế, Bộ Tài chính cũng đã tham gia với Bộ Y tế trong xây dựng Nghị định số 98/2021/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 8/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế, thay đổi hoạt động cấp phép lưu hành từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Theo đó, kể từ ngày 1/1/2022, trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm sẽ là các mặt hàng phải kê khai giá khi lưu hành tại Việt Nam và cập nhật khi thay đổi giá đã kê khai. Đặc biệt, các tổ chức, cá nhân không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán. Những quy định này sẽ thắt chặt và khắc phục những lỗ hổng về quản lý giá thiết bị y tế. 

Ngoài ra, theo kiến nghị của Bộ Y tế về việc rà soát vướng mắc thực hiện quy định của pháp luật hiện hành trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, hiện Bộ Tài chính đang đánh giá, rà soát để sửa đổi, bổ sung Luật giá.

Trong đó, nghiên cứu đưa mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế (bao gồm kit test xét nghiệm) vào diện bình ổn giá trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế về danh mục mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế cụ thể đưa vào bình ổn giá.