Nhiều bộ, ngành xin trả lại kế hoạch vốn đầu tư công nguồn nước ngoài năm 2021 do dịch bệnh COVID-19

Trần Huyền

Sáng ngày 7/10/2021, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị với các bộ, ngành trung ương đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ trong 9 tháng đầu năm 2021. Tại hội nghị, nhiều bộ, ngành đề nghị trả lại kế hoạch vốn do khó khăn trong công tác giải ngân.

Toàn ảnh hội nghị.
Toàn ảnh hội nghị.

Các bộ, ngành đề nghị trả lại 44,08% kế hoạch vốn 

Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài khối các bộ, ngành trung ương thời gian qua có nhiều khó khăn. Mặc dù 9 tháng đầu năm Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đều rất nỗ lực thực hiện quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân, nhất là sau khi hội nghị hồi tháng 6.

Về phía Bộ Tài chính, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải giãn cách, Bộ Tài chính đã tích cực làm việc trực tuyến và trao đổi với tất cả các chủ dự án của 13 bộ, ngành được giao kế hoạch vốn nước ngoài để rà soát, đôn đốc giải ngân, phối hợp xử lý các khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến giải ngân thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ Tài chính.

Thông tin về tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn nước ngoài của khối các bộ, ngành, ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, tại Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 21/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành, địa phương kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, trong đó nguồn nước ngoài là: 51.550 tỷ đồng (bộ ngành là 16.637 tỷ đồng; địa phương là 34.913 tỷ đồng).

Các bộ, ngành nhập dự toán trên hệ thống TABMIS đến hết tháng 9/2021 là 13.043 tỷ đồng, đạt 78%. Đến ngày 06/10/2021, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài kế hoạch vốn năm 2021 của các bộ, ngành đạt 19,03% (3.166 tỷ đồng), gấp hơn hai lần số giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài vào thời điểm tổ chức hội nghị tháng 6/2021.

Tính đến ngày 6/10/2021, Bộ Tài chính đã nhận được 9 văn bản của các bộ, ngành đề nghị trả lại kế hoạch vốn với tổng giá trị là 8.054 tỷ đồng, chiếm khoảng 44,08% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn này có thể phải điều chuyển cho các bộ, địa phương có nhu cầu giải ngân vượt kế hoạch hoặc buộc phải hủy kế hoạch vốn theo quy định.

Ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại phát biểu tại hội nghị.
Ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại phát biểu tại hội nghị.

Mặc dù đã các cơ quan đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ cho công tác giải ngân, tuy nhiên với thời gian còn lại từ nay cho đến hết năm có thể thấy việc hoàn thành tỷ lệ giải ngân so với kế hoạch vốn năm 2021 trên 95% kế hoạch được giao như mục tiêu Nghị quyết số 63/NQ-CP là không khả thi.

Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành đã thông tin về tình hình giải ngân cũng như những nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài, trả kế hoạch vốn và kiến nghị các giải pháp triển khai công tác này.

Tất cả ý kiến của đại diện các bộ, ngành đều đánh giá, tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của phần lớn các dự án ODA. Dịch bệnh dẫn đến nhiều địa phương thực hiện giãn cách, các công trình thi công dự án phải dừng; tư vấn quốc tế không sang Việt Nam; công tác hồ sơ thầu bị ảnh hưởng; việc trang đổi với các nhà tài trợ gặp khó khăn...

Phát biểu tại hội nghị, Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ có 18 dự án với tổng vốn được giao là 3.286 tỷ đồng, trong đó 2.845 tỷ đồng vốn ODA. Bộ đã giải ngân 45,5% kế hoạch vốn. Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vướng mắc lớn nhất là do dịch COVID-19, gần như toàn bộ công trường ở các địa phương đều dừng thi công, tư vấn nước ngoài không nhập cảnh được. Bộ đã có văn bản gửi UBND tỉnh có giãn cách theo Chỉ thị 16 là cho phép tự cách ly tại công trường nhưng chỉ một vài tỉnh cho phép...

Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, năm 2021, Bộ được giao kế hoạch vốn là 4.837 tỷ đồng, hiện đã giao chi tiết vốn được 100%, giải ngân hết tháng 9/2021 đạt 2391 tỷ đồng, bằng 49,43% kế hoạch vốn. Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến công tác giải ngân do tư vấn thiết kế nước ngoài không đến được, ảnh hưởng đến công tác triển khai trong hồ sơ thầu, trao đổi với nhà tài trợ khó khăn. Bộ Giao thông vận tải đề nghị trả lại 3 dự án, giảm trừ tổng cộng 589 tỷ đồng nguồn vốn vay nước ngoài được giao năm 2021.

Giải ngân chậm tiến độ hoặc không có khối lượng giải ngân còn do các vướng mắc trong quá trình triển khai dự án như: chậm triển khai các công tác sẵn sàng cho đầu tư, đặc biệt là chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư, thiết kế cơ sở, chậm trong đấu thầu, ký hợp đồng; đang trong quá trình thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay với các nội dung như: gia hạn thời gian thực hiện, thời gian giải ngân, sử dụng vốn dư, điều chỉnh chủ đầu tư, tỷ lệ thanh toán ngoại tệ/nội tệ, điều chỉnh kinh phí giữa các hạng mục. Ngoài ra, công tác kế hoạch vốn chưa tốt, nhiều bộ, ngành chưa thể giao hết kế hoạch vốn chi tiết dẫn đến phải hủy dự toán.

Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại Trương Hùng Long đề nghị các bộ ngành tích cực đôn đốc chỉ đạo các dự án triển khai tốt nhất có thể được từ nay đến cuối năm, nhất là các dự án ở vùng không có dịch. Các bộ ngành cũng cần rà soát lại nhu cầu huỷ vốn, điều chuyển vốn. Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò tổng hợp sẽ tiếp nhận thông tin, phối hợp cùng các bộ ngành tổng hợp những vướng mắc cũng như đề xuất các giải pháp để báo cáo Thủ tướng.