Nối tiếp truyền thống vẻ vang, xây dựng ngành Tài chính ngày càng vững mạnh

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 8/2020

Song hành với sự phát triển của đất nước, trong 75 năm qua, toàn ngành Tài chính đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, xây dựng một nền tài chính quốc gia lành mạnh và hiệu quả, đảm bảo giữ vững các cân đối lớn về tài chính - ngân sách nhà nước, đáp ứng tốt hơn yêu cầu hội nhập và phát triển của đất nước xứng đáng với lòng tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm Trung tâm giám sát hệ thống Công nghệ thông tin Tổng cục Thuế (ngày 31/1/2018).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm Trung tâm giám sát hệ thống Công nghệ thông tin Tổng cục Thuế (ngày 31/1/2018).

Xây dựng nền móng vững chắc cho nền tài chính quốc gia

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó có Bộ Tài chính và ngày 28/8 đã trở thành ngày Truyền thống của ngành Tài chính. Đến nay, trải qua 75 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành có thể tự hào khẳng định rằng, lịch sử ngành Tài chính là một thành tố trong mạch nguồn lịch sử cách mạng Việt Nam. Trong từng thời kỳ, các thế hệ cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính luôn nỗ lực hết mình, góp phần tô thắm thêm trang sử hào hùng của dân tộc

Trong những ngày đất nước còn bộn bề gian khó, cán bộ ngành Tài chính đã không quản ngại gian khổ, bắt tay thực hiện ngay các nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tham mưu đề xuất nhiều biện pháp cấp thiết như quán triệt tinh thần tiết kiệm là quốc sách, cải tiến chính sách thuế khóa và thực hiện các biện pháp đấu tranh tài chính, tiền tệ; động viên các tầng lớp nhân dân tự nguyện đóng góp tiền bạc, của cải, góp phần bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc. Đặc biệt, đã kịp thời phát hành đồng tiền tài chính Việt Nam… để chủ động xây dựng nền móng vững chắc cho nền tài chính quốc gia.

Trong kháng chiến chống Pháp, ngành Tài chính đã tham mưu nhiều giải pháp quan trọng, thực hiện thống nhất quản lý thu, chi tài chính với nhiệm vụ trọng tâm là chỉnh đốn chế độ thuế theo nguyên tắc động viên đóng góp dân chủ, công bằng, đúng mức. Nhờ đó, ngành Tài chính đã huy động được nguồn lực tài chính bảo đảm đáp ứng các nhu cầu to lớn về mọi mặt của cuộc kháng chiến; tạo điều kiện thuận lợi thực hiện “lệnh tổng động viên, tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”.

Thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam (1955-1975), vận dụng sáng tạo, linh hoạt quan điểm “lấy dân làm gốc”, “dựa vào nhân dân”, ngành Tài chính phát triển hình thức tài chính độc đáo, góp sức cùng cả nước tạo nên đại thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, thu non sông về một mối.

Bước vào thời kỳ đổi mới, ngành Tài chính tiếp tục khẳng định vị thế lớn mạnh cùng đất nước, hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế. Trên tinh thần đổi mới theo Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, ngành Tài chính tiếp tục tiên phong với những cải cách căn bản, toàn diện về tài chính-ngân sách như: thực hiện một hệ thống chính sách thuế thống nhất; từng bước xóa bỏ bù lỗ sản xuất kinh doanh, bù chênh lệch ngoại thương, bù giá hàng bán; đồng thời ưu tiên phát triển thị trường tài chính, dịch vụ tài chính; phát triển hệ thống an sinh xã hội... Những đổi mới này đã tập trung đúng vào các vấn đề cần xử lý, tập trung giải phóng sức sản xuất, khuyến khích đầu tư kinh doanh, nhờ đó nhanh chóng thiết lập lại các cân đối lớn của nền kinh tế, chặn đứng lạm phát phi mã...

Theo đó, thu ngân sách tăng mạnh, giai đoạn 1986-1990, bằng 30,7 lần so với giai đoạn 1981-1985, từ chỗ thu không đảm bảo đủ chi thường xuyên, đến chỗ đã dành được một phần tích lũy cho đầu tư phát triển. Bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) giảm mạnh (từ bình quân 7,7%GDP giai đoạn 1986-1990 xuống còn 4,3%GDP giai đoạn 1991-1995) và được bù đắp bằng vay trong nước, vay nước ngoài; chỉ số giá hàng tiêu dùng từ 770% năm 1986 xuống 67% năm 1990 và tiếp tục giảm ở mức được kiểm soát dưới 2 con số. Cùng với sự phát triển của khu vực kinh tế nhà nước, khu vực kinh tế tư nhân và khu vực có vốn nước ngoài đã hình thành và phát triển mạnh, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, nhiều mặt xã hội có chuyển biến tích cực... Từ đó, Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong việc thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì sự phát triển...

Giữ vững và tô thắm nét son của ngành Tài chính

Trong thời gian gần đây, nhất là giai đoạn 2015-2020, ngành Tài chính đã cơ bản hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính-NSNN. Công tác xây dựng pháp luật tài chính không ngừng hoàn thiện, sớm tiếp cận các thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập và góp phần hiện đại hóa quản lý tài chính, đảm bảo yêu cầu về cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt, công tác quản lý, điều hành NSNN đề cao kỷ luật tài chính, chặt chẽ, tiết kiệm, công khai, minh bạch, đảm bảo an ninh tài chính, thúc đẩy tăng trưởng bền vững theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội.

Quy mô thu NSNN bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 25,6% GDP; ước giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 24,6% GDP, vượt mục tiêu Đại hội lần thứ XII đề ra là 20-21% GDP và tăng so với mức bình quân là 23,6% GDP giai đoạn 2011-2015. Đây là kết quả tích cực, trong khi tỷ trọng thu NSNN từ dầu thô và xuất nhập khẩu giảm mạnh, đồng thời giảm các nghĩa vụ thu thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân, xóa bỏ khoảng 340 khoản phí, lệ phí... 

Nguồn: Bản Ngân sách dành cho công dân 2020 – Dự toán ngân sách nhànước năm 2020 trình Quốc hội (Bộ Tài chính, tháng 10/2019)
Nguồn: Bản Ngân sách dành cho công dân 2020 – Dự toán ngân sách nhànước năm 2020 trình Quốc hội (Bộ Tài chính, tháng 10/2019)

Cơ cấu thu ngân sách chuyển dịch tích cực, bền vững hơn. Tỷ trọng thu nội địa được cải thiện, cơ bản đạt mục tiêu theo Nghị quyết số 07-NQ/TW là đến năm 2020 đạt 84-85%; tỷ trọng thu dầu thô và thu cân đối xuất nhập khẩu giảm từ khoảng 30,9% xuống khoảng 18,5% giai đoạn 2016-2019. Theo phân cấp, thu ngân sách địa phương có xu hướng tăng nhanh, bình quân giai đoạn 2016-2020 chiếm khoảng 45% tổng thu NSNN, tăng tính chủ động cho địa phương.

Trong giai đoạn 2016-2020, đã có nhiều đổi mới trong quản lý chi ngân sách, triển khai kế hoạch tài chính trung hạn; đẩy mạnh khoán chi, đấu thầu, đặt hàng; tăng cường phân cấp, trao quyền tự chủ; thực hiện cơ chế tài chính đặc thù đối với các thành phố lớn; siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách... Ước tổng chi NSNN 5 năm đạt mục tiêu kế hoạch. Cơ cấu lại chi NSNN, tăng tỷ trọng dự toán chi đầu tư phát triển lên 26,9% năm 2020, vượt mục tiêu là 25-26%; giảm tỷ trọng dự toán chi thường xuyên xuống 64% năm 2020, trong khi hàng năm thực hiện điều chỉnh tăng lương, lương hưu, trợ cấp người có công bình quân 7% và đảm bảo tăng chi quốc phòng, an ninh, đảm bảo an sinh xã hội... Chi NSNN kết hợp với thu hút các nguồn vốn khác đã phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, giải quyết đói nghèo, thực hiện các mục tiêu tiến bộ, công bằng xã hội.

Quản lý chặt chẽ bội chi NSNN, bình quân giai đoạn 2016-2019 là 3,5% GDP; tiếp tục cơ cấu lại, giảm mạnh quy mô nợ công từ 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống còn 54,7% GDP cuối năm 2019; tạo dư địa cho việc thực thi các gói hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19. Đánh giá cả giai đoạn 2016-2020, bội chi NSNN trong phạm vi mục tiêu dưới 3,9% GDP (bình quân giai đoạn 2011-2015 là 5,4% GDP); nợ công cuối năm 2020 khoảng 55,5-57% GDP, kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ được nâng lên mức bình quân năm 2019 là 13,44 năm, gấp 3,45 lần năm 2011, giảm lãi suất huy động, đa dạng hóa nhà đầu tư, giảm các loại rủi ro thanh khoản, rủi ro tỷ giá, rủi ro lãi suất...

Có thể khẳng định, một trong những thành công lớn của ngành Tài chính thời gian qua là đã kiểm soát chặt chẽ và cơ cấu lại nợ công hiệu quả. Đây là yếu tố khiến Quỹ Tiền tệ quốc tế và các tổ chức quốc tế nâng hạng tín nhiệm và đánh giá tích cực về kinh tế vĩ mô Việt Nam. Tỷ lệ nợ công/GDP ước thực hiện đến cuối năm 2019 là 54,8%; nợ Chính phủ/GDP là 47,8%, giảm mạnh so với cuối năm 2016 là 63,7% và 52,7% tương ứng. Tốc độ tăng quy mô nợ công giảm từ mức trung bình 18,1% giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 6,7% giai đoạn 2016-2019. Nợ Chính phủ giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 18,6% xuống còn 8,8% giai đoạn 2016-2019. Kết quả này minh chứng cho những nỗ lực của ngành Tài chính trong cơ cấu lại nợ công cả về kỳ hạn, lãi suất vay, vay trong nước và vay ngoài nước, các nhà đầu tư theo hướng bền vững...

Triển khai quyết liệt các nghị quyết của Bộ Chính trị về đổi mới sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, đến naybộ máy của ngành Tài chính đã được kiện toàn, giảm gần 5.400 đầu mối các đơn vị từ trung ương đến cấptổ (đội) tại địa phương.
Triển khai quyết liệt các nghị quyết của Bộ Chính trị về đổi mới sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, đến naybộ máy của ngành Tài chính đã được kiện toàn, giảm gần 5.400 đầu mối các đơn vị từ trung ương đến cấptổ (đội) tại địa phương.

Điểm sáng nổi bật nữa là Bộ Tài chính đã thể hiện rõ vai trò quan trọng trong hội nhập quốc tế. Thời gian qua, Bộ Tài chính đã tích cực, chủ động trong việc tham gia đàm phán, ký kết và thực thi 13 hiệp định thương mại tự do và các thỏa thuận thương mại song phương trong lĩnh vực thuế xuất khẩu, nhập khẩu và dịch vụ tài chính (chứng khoán, bảo hiểm). Việc thực hiện cắt giảm thuế quan đã tác động tích cực đến phát triển thương mại, đầu tư và sản xuất trong nước. Việt Nam hiện nay có quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ năm 2016 đến năm 2019, Việt Nam luôn ở trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu.

Cùng với đó, Bộ Tài chính tích cực tham gia các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế như: G20, APEC, ASEM, ASEAN, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực: thuế, hải quan, bảo hiểm, kho bạc, chứng khoán, thẩm định giá... Việc chủ trì những tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực quan trọng như: Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC năm 2016-2017; Tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN và ASEAN+3 năm 2008, 2010 và 2020; Chủ trì Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM lần thứ 13 năm 2019… Đây là những dấu ấn trong mở rộng hợp tác quốc tế về tài chính, góp phần tăng cường vị thế quốc gia và hỗ trợ cho các chính sách của ngành Tài chính.

Thị trường chứng khoán, bảo hiểm cũng đã phát triển mạnh mẽ về quy mô, không ngừng hoàn thiện về cấu trúc, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế. Tính đến ngày 31/12/2019, đã có 1.622 công ty niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, tổng giá trị vốn hoá trên thị trường cổ phiếu cả 2 sàn giao dịch xấp xỉ đạt 72,6% GDP năm 2019, tăng 6 lần so với năm 2010… Đối với thị trường bảo hiểm, tính chung cả giai đoạn 2015-2019, tổng tài sản toàn thị trường tăng bình quân 22%/năm, đạt 462.642 tỷ đồng năm 2019; Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế tăng bình quân 24,47%/năm, đạt 378.408 tỷ đồng năm 2019...

Triển khai quyết liệt các nghị quyết của Bộ Chính trị về đổi mới sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, bộ máy tổ chức của Bộ Tài chính đã không ngừng được kiện toàn trên nhiều phương diện, trở nên tinh gọn, mạnh mẽ và hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu phát triển, tăng cường hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đến nay bộ máy của ngành Tài chính đã được kiện toàn, giảm gần 5.400 đầu mối các đơn vị từ trung ương đến cấp tổ (đội) tại địa phương. Đặc biệt, triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW (từ 30/6/2017 đến 10/7/2020), Bộ Tài chính đã thực hiện cắt giảm 4.328 đầu mối các đơn vị từ trung ương đến địa phương, trong đó: Cơ quan Bộ Tài chính giảm được 02 đầu mối; Tổng cục Thuế giảm được 2.520 đầu mối; Kho bạc Nhà nước giảm được 1.524 đầu mối; Tổng cục Hải quan giảm được 253 đầu mối; Tổng cục Dự trữ Nhà nước giảm được 27 đầu mối; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giảm được 02 đầu mối… Kết quả sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Bộ Tài chính cho thấy những hiệu quả bước đầu trong việc giảm bớt các tầng nấc trung gian gắn với cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảm chi phí đầu tư cơ sở vật chất, thay đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Qua đó, giảm người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, góp phần cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức của ngành Tài chính, từ đó hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Nối tiếp truyền thống vẻ vang, xây dựng ngành Tài chính ngày càng vững mạnh - Ảnh 1

Song song với việc kiện toàn tổ chức, bộ máy quản lý, giai đoạn 2015-2019, ngành Tài chính đẩy mạnh việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015. Năm 2020, Bộ Tài chính đã thực hiện giao 67.802 chỉ tiêu biên chế hành chính cho các đơn vị (giảm 6.460 chỉ tiêu tương đương 8,7% so với năm 2015). Kết quả sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế đã góp phần cơ cấu lại đội ngũ công chức ngành Tài chính; tiết kiệm cho NSNN, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành Tài chính. Với những kết quả đã đạt được, Bộ Tài chính đã được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là đơn vị đi đầu trong triển khai công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Cần viết tiếp truyền thống vẻ vang và hào hùng

Kế thừa truyền thống vẻ vang 75 năm xây dựng và phát triển, trong giai đoạn tới, để tiếp tục xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, có khả năng chống chịu tốt trước sự biến đổi nhanh, mạnh và khó lường của kinh tế - tài chính khu vực và thế giới, ngành Tài chính sẽ tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục chủ động trong chỉ đạo, xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tài chính-NSNN, cũng như trong quản lý, điều hành các nhiệm vụ tài chính-NSNN hàng năm. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất - kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo an sinh xã hội.

Thứ hai, điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, kết hợp hài hòa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác nhằm đạt được mục tiêu về tăng trưởng bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách, mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn nguồn thu, quyết liệt chống thất thu, nợ thuế, trốn thuế, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ tài sản công, tài nguyên, đất đai. Quản lý chi NSNN chặt chẽ, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Thứ ba, theo dõi sát sao diễn biến tình hình kinh tế trong và ngoài nước để có các dự báo chính xác về các vấn đề có ảnh hưởng tới việc thực hiện các nhiệm vụ của ngành. Từ đó, chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp xử lý kịp thời, giảm thiểu những tác động bất lợi cho tài chính-NSNN. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thực hiện các giải pháp thu hút hiệu quả các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm cả nguồn vốn gián tiếp và trực tiếp.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công, cải thiện dư địa chính sách tài khóa, đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Đẩy mạnh quản lý tài chính-ngân sách trung hạn, quán triệt nguyên tắc chi trong phạm vi nguồn lực, vay trong phạm vi trả nợ. Kiểm soát bội chi NSNN, đảm bảo nợ công trong phạm vi giới hạn được Quốc hội đề ra.

Thứ năm, đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển đồng bộ, cân bằng thị trường tài chính. Hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về quản lý tài chính và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Tăng cường đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công; xây dựng cơ chế, chính sách tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân tham gia cung ứng các loại hình dịch vụ công, tham gia đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.

Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên cơ sở ba trụ cột cơ bản: Cải cách quy trình nghiệp vụ, tăng cường quản lý rủi ro và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; Phát triển tài chính điện tử hiện đại và hướng đến xây dựng nền tài chính số.

Thứ bảy, tiếp tục tăng cường cải cách tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh công tác đào tạo, nghiên cứu, đánh giá, hoạch định và thực thi công vụ trong ngành Tài chính.

Với truyền thống vẻ vang 75 năm qua, ngành Tài chính sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính-NSNN được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, xây dựng ngành Tài chính ngày càng vững mạnh, đáp ứng tốt hơn yêu cầu đổi mới và hội nhập trong tình hình mới!