Quyết liệt các giải pháp thúc giải ngân vốn đầu tư nguồn vay nước ngoài năm 2020


Theo báo cáo của Bộ Tài chính tại hội nghị với các bộ, ngành về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ 9 tháng đầu năm 2020 được tổ chức sáng ngày 12/10, đã có 10 trong số 12 bộ, ngành cam kết hoàn thành giải ngân năm nay, sau khi điều chỉnh giảm kế hoạch vốn.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến tháng 9, tổng số đề nghị cắt giảm kế hoạch vốn của các bộ, ngành được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định là hơn 4.700 tỷ đồng.

Về thời gian kiểm tra đơn rút vốn, Bộ Tài chính đã rút ngắn thời gian xử lý đối với hồ sơ rút vốn hợp lệ chỉ trong 1 đến 2 ngày làm việc so với quy định. Đối với các đơn rút vốn không đủ điều kiện để giải quyết, Bộ Tài chính đã có công văn trả lại ngay để chủ dự án hoàn thiện. Tính đến hết tháng 9/2020, Bộ Tài chính đã nhận 560 hồ sơ rút vốn; trong đó, đã giải quyết 554 hồ sơ, chiếm 98,8%.

Ông Trương Hùng Long cho biết, thời gian vừa qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp quyết định thúc đẩy giải ngân. Vì vậy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài trong tháng 9 tăng 4.315,570 tỷ đồng, tăng 558,659 tỷ đồng so với tháng 8 tương đương 3,14% so với giải ngân trên kế hoạch vốn đã được ghi nhận trong tháng 8.

Việc giải ngân vốn đầu tư công được lãnh đạo Chính phủ đặc biệt quan tâm, thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm thúc đẩy giải ngân. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, phần lớn các bộ, ngành đã có nhiều biện pháp quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, như tiến hành giao ban hàng tháng/quý; ban hành chỉ thị về tiền vay; thành lập và kiện toàn các tổ công tác thúc đẩy giải ngân; phân công lãnh đạo bộ trực tiếp chỉ đạo, điều hành công tác giải ngân các dự án thuộc bộ quản lý...

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và theo yêu cầu của Bộ Tài chính các bộ đã thực hiện cam kết giải ngân nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài, đã có 10 bộ có cam kết thực hiện giải ngân. Điển hình như Bộ Giao thông Vận tải cam kết giải ngân 100%; Bộ Khoa học Công nghệ, Ban Quản lý Công nghệ cao Hòa Lạc cam kết giải ngân vốn cắt giảm 100 tỷ đồng theo kế hoạch được giao; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cam kết giải ngân 100% vốn trên cơ sở cắt giảm 1/2 tổng dự toán được giao (1800 tỷ)...

Tại Hội nghị, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cũng lưu ý các đơn vị thời điểm các tháng cuối năm cần có sự hoàn thành khối lượng lớn cũng như khối lượng giải ngân cao nhất trong năm, tình hình giải ngân nguồn vốn vay cũng như tiến độ triển khai các nguồn vốn vay ODA chưa phải là phù hợp.

Thời gian qua, Bộ Tài chính vẫn thường xuyên nhận được thông báo của Nhà tài trợ nước ngoài bày tỏ quan ngại về tình trạng chậm triển khai của các dự án trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, giao thông vận tải... dẫn đến kết quả giải ngân của các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi vẫn thấp là do chưa có khối lượng cho giải ngân.

Vấn đề này xuất phát từ các nguyên nhân như dự án chưa hoàn thành các thủ tục đầu tư trong nước như chưa hoàn thành giải phóng mặt băng, phê duyệt các hợp đồng; việc đấu thầu của nhiều dự án được triển khai chậm, một số dự án có khiếu kiện trong quá trình đấu thầu.

Ngoài ra, quá trình chuẩn bị dự án kéo dài, chuẩn bị đầu tư không kỹ, và các yếu tố khó khăn khách quan khác dẫn đến phải thay đổi thiết kế, điều chỉnh dự án trong quá trình thực hiện, gia hạn thời gian thực hiện, thời gian giải ngân. Trong khi đó, các thủ tục điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay được thực hiện chậm trễ, chưa có cơ sở pháp lý để giải ngân…

Đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết, ngay trong tháng 9/2020, Bộ Tài chính đã có 6 cuộc làm việc với các chủ dự án thuộc các Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm tiếp tục đưa ra kế hoạch phối  hợp giữa các bộ để đánh giá việc triển khai dự án và nắm rõ các vướng mắc nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức buổi làm việc với Ngân hàng Thế giới về các dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ để cùng nhau thảo luận, xác định cách giải quyết vướng mắc giữa các bên.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã có công văn đôn đốc, nhắc nhở các chủ dự án các bộ đẩy nhanh hơn công tác hoàn chứng từ với tiến độ 1-2 tháng/một lần thay cho thời gian 6 tháng thậm chí hàng năm như trước đây. 

Tại Hội nghị, Bộ Tài chính tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong phạm vi thẩm quyền của mình, các bộ, ngành tập trung xử lý dứt điểm; phối hợp với nhà tài trợ, các cơ quan, địa phương liên quan tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, nhất là các dự án đầu tư lớn, các dự án sắp hết hạn giải ngân theo quy định của hiệp định vay. Đối với các vấn để còn vướng, còn chưa rõ về chính sách, các bộ, ngành cần sớm có ý kiến với các cơ quan liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung phù hợp.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Việt Hồng - Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Việt Nam khẳng định, nhằm tạo điều kiện cho đơn vị giải ngân vốn đầu tư công, Kho bạc Nhà nước đã có nhiều công điện yêu cầu hệ thống Kho bạc Nhà nước các cấp  thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nội dung, nhất là khi tiếp nhận hồ sơ giải ngân đến Kho bạc Nhà nước thì phải giải quyết ngay, đảm bảo đúng thời hạn về thủ tục hành chính trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước được quy định tại Nghị định số11/2020/NĐ-CP, ngày 20/01/2020 của Chính phủ, về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước.