Tổng cục Thuế họp bàn các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2021

Việt Dũng

Tổng cục Thuế vừa tổ chức hội nghị trực tuyến họp bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.

Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 đặt mục tiêu yêu cầu trước 30/9 phải giải ngân đạt tối thiểu 60% và cả năm 2021 đạt tối thiểu 95%. Ngày 14/7/2021, Bộ Tài chính cũng đã có Công văn số 7477/BTC-KHTC yêu cầu các đơn vị thực hiện quyết liệt các biện pháp đẩy mạnh tiến độ giải ngân năm 2021.

Trước tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 của Tổng cục Thuế tính đến 25/7/2021 còn rất hạn chế, ngày 28/7, dưới sự chủ trì của Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn, Tổng cục Thuế đã tổ chức hội nghị trực tuyến họp bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.

Tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn nhìn nhận, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản, công nghệ thông tin (CNTT) trong toàn Ngành còn hạn chế dù ngay từ cuối năm 2020 đến nay, Tổng cục đã liên tục ban hành 5 văn bản đôn đốc yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản nhưng hầu hết các đơn vị chưa đạt tiến độ giải ngân.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn yêu cầu thủ trưởng các đơn vị mua sắm và các chủ đầu tư quán triệt và thực hiện một số nội dung trọng tâm. Cụ thể, về công tác giải ngân, cần xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn NSNN là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2021; quán triệt đến các bộ phận được giao nhiệm vụ và cá nhân liên quan triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ.

Kịp thời đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền, cũng như phân công cụ thể lãnh đạo đơn vị chỉ đạo việc giải ngân, thường xuyên kiểm tra tiến độ giải ngân, nhất là đối với các dự án đầu tư, mua sắm có giá trị lớn, kịp thời báo cáo những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng, cần nâng cao trách nhiệm của các Cục Thuế, chủ đầu tư trong tất cả các khâu, từ chuẩn bị dự án đầu tư, hoàn thành các thủ tục phê duyệt thiết kế, dự toán, thủ tục đấu thầu đến triển khai dự án và thanh quyết toán vốn đầu tư cho dự án. Chủ động xây dựng kế hoạch và có giải pháp tập trung tiến độ giải ngân theo từng tháng, từng quý...

Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh, đối với các dự án mà Tổng cục, Ban Quản lý dự án làm chủ đầu tư, nhưng xây dựng trên địa bàn cho cơ quan thuế cấp Cục, Chi cục, Tổng cục đã có quyết định phân cấp nhiệm vụ từng đơn vị. Do đó, Ban Quản lý dự án cần chủ động trao đổi với các lãnh đạo Cục Thuế và có báo cáo thường xuyên Tổng cục. Đồng thời, lãnh đạo các Cục cũng cần nâng cao trách nhiệm, chủ động hơn để phối hợp chặt chẽ hơn với Ban Quản lý dự án để đẩy mạnh tiến độ dự án.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần kiên quyết, kịp thời xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm về tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, chậm trễ thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành và vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công; rà soát, đề nghị điều chỉnh kế hoạch vốn đối với các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt nhưng thiếu vốn, cam kết đến hết ngày 30/9/2021, giải ngân tối thiểu 60% và cả năm, đến ngày 31/12/2021 giải ngân tối thiểu 95%.

Tổng cục trưởng cũng đề nghị công khai rõ các dự án để có kế hoạch cụ thể theo ngày, tuần; thường xuyên đôn đốc, xử lý các dự án chậm tiến độ và kịp thời điều chỉnh những cán bộ yếu kém về năng lực, suy thoái đạo đức công vụ, nhũng nhiễu tiêu cực trong quản lý. Tăng cường kỷ luật kỷ cương trong giải ngân đầu tư công, đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu cá nhân có liên quan trong trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra.

Đối với lĩnh vực mua sắm tài sản và CNTT, Tổng cục trưởng đề nghị cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện giải ngân chi mua sắm tài sản, CNTT với hình thức cam kết tỷ lệ giải ngân đạt tối thiểu 95% dự toán được giao; yêu cầu các đơn vị khẩn trương hoàn thành các thủ tục đấu thầu, các nội dung mua sắm, tài sản CNTT, nhất là các danh mục tài sản có giá trị lớn. Các đơn vị cần rà soát ngay các danh mục tài sản được giao, danh mục nào không thực hiện thì tổng hợp báo cáo Tổng cục điều chỉnh danh mục bổ sung vào tháng 9/2021, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn được cấp phù hợp với thực tế thực hiện tại đơn vị.

Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn đề nghị các đơn vị chức năng thuộc Tổng cục Thuế, đại diện chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án, các Cục Thuế) cần nêu cao trách nhiệm, "theo sát từng việc, cần gỡ từng ngày, gỡ từng chỗ" và chủ động điều phối kịp thời. Đồng thời, thành lập ngay Ban chỉ đạo gồm Trưởng ban là Tổng cục trưởng, các Phó ban là các đồng chí Phó Tổng cục trưởng phụ trách công tác tài vụ quản trị và CNTT; thành lập tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo để rà soát, đôn đốc hồ sơ, tài liệu, điều phối cùng chủ đầu tư làm việc với các bên liên quan để đẩy nhanh tiến độ dự án...

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, lũy kế giải ngân đến ngày 25/7/2021 chỉ đạt 179.226 triệu đồng, rất thấp so với  tổng kế hoạch vốn đầu tư cả năm 2021 của Tổng cục Thuế là 1.440.760 triệu đồng.