Tổng thu ngân sách 5 tháng do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 672.878 tỷ đồng

Việt Dũng

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, lũy kế 5 tháng đầu năm 2022 tổng số thu ngân sách nhà nước (NSNN) do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 672.878 tỷ đồng, bằng 57,3% so với dự toán, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính đến ngày 15/5, cơ quan Thuế đã thực hiện được 12.164 cuộc thanh, kiểm tra
Tính đến ngày 15/5, cơ quan Thuế đã thực hiện được 12.164 cuộc thanh, kiểm tra

Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, số thu NSNN tháng 5/2022 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 99.100 tỷ đồng, đạt 8,4% so với dự toán, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả thu này đã đưa tổng số thu NSNN do cơ quan Thuế quản lý lũy kế 5 tháng năm 2022 ước đạt 672.878 tỷ đồng, bằng 57,3% so với dự toán, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2021.

So với dự toán đã có 16/19 khoản thu, sắc thuế đạt khá (trên 45%), đáng chú ý các khoản thu từ khu vực sản xuất kinh doanh (khu vực đóng góp lớn nhất trong tổng thu nội địa) đạt mức tăng trưởng khá bằng 54,7% so với dự toán, tăng 11,5% so với cùng kỳ.

Trong đó, khu vực DNNN ước đạt 50,6%; DN có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 50,6%; khu vực và dịch vụ ngoài quốc doanh ước đạt 60,4%. Toàn ngành có 44/63 địa phương có mức tăng trưởng khá đạt trên 50%.

Tổng cục Thuế cho biết, có được kết quả trên là do kinh tế những tháng đầu năm tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tình hình dịch bệnh trên cả nước tiếp tục được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục.

Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã và đang phát huy tác dụng, kích thích các doanh nghiệp tăng tốc trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại hoạt động trong trong 4 tháng đầu năm 2022 tăng 26,9% so với cùng kỳ năm trước (bình quân mỗi tháng có 20,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động).

Bên cạnh đó, do cầu tiêu dùng trong nước trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 tăng khá đã tạo đà cho nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì nhịp tăng trưởng trong những tháng đầu năm 2022.

Theo Tổng cục Thuế, một nguyên nhân khác khiến số thu 5 tháng tăng trưởng khá, đó là giá dầu thế giới vẫn đang duy trì ở mức cao, hiện giá dầu Brent đang giao động trong khoảng 107-110 USD/thùng đã có tác động tích cực đến thu từ dầu thô trong những tháng đầu năm 2022.

Bên cạnh các yếu tố khách quan tác động tích cực đến công tác thu ngân sách thì để có được kết quả trên là do ngành Thuế đã triển khai đồng bộ công tác quản lý thuế.

Cụ thể, tính đến ngày 15/5, cơ quan Thuế đã thực hiện được 12.164 cuộc thanh, kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp; kiểm tra được 209.910 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, bằng 112% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh, kiểm tra là trên 9.370 tỷ đồng, trong đó: tổng số thuế tăng thu qua thanh, kiểm tra là 2.550 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 483,5 tỷ đồng; giảm lỗ là 6.336 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 1.460,5 tỷ đồng, bằng 57,2% số tăng thu qua thanh, kiểm tra.

Về công tác quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, tính đến cuối tháng 05/2022, toàn ngành Thuế ước thu được 13.145 tỷ đồng, trong đó thu bằng biện pháp quản lý nợ là 12.020 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 1.125 tỷ đồng.

Cùng với đẩy mạnh công tác quản lý thuế, ngành Thuế đã tăng cường công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa, điện tử hóa ở tất cả các khâu quản lý thuế. Theo đó, tiếp nối thành công hóa đơn điện tử giai đoạn 1, ngày 21/4, ngành Thuế đã tiếp tục triển khai giai đoạn 2 đồng loạt tại 57 địa phương, phấn đấu hoàn thành hóa đơn điện tử trong cả nước trước ngày 1/7/2022.

Đặc biệt, chỉ sau hơn 1 tháng công bố triển khai 2 hệ thống Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài và Ứng dụng Etax-mobile, đã có 129,4 nghìn lượt tải và cài đặt ứng dụng này. Thống kê sơ bộ có 45.866 tài khoản đăng ký giao dịch, 23.809 giao dịch qua ngân hàng thương mại với tổng số tiền trên 159 tỷ đồng...