Trách nhiệm của cơ quan thuế trong quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh


Thông tư số 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan thuế các cấp trong việc chỉ đạo, xây dựng, củng cố cơ sở dữ liệu đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thông tư số 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan thuế các cấp trong việc chỉ đạo, xây dựng, củng cố cơ sở dữ liệu đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đáp ứng yêu cầu quản lý thuế theo rủi ro, kịp thời phát hiện các trường hợp có gian lận để xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trách nhiệm của Tổng cục Thuế

Thông tư số 40/2021/TT-BTC quy định rõ, Tổng cục Thuế có trách nhiệm xây dựng bộ chỉ số tiêu chí rủi ro đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; Hướng dẫn chi tiết quy trình cập nhật cơ sở dữ liệu về hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tại Cục Thuế và Chi cục Thuế; chỉ đạo thực hiện việc kiểm tra, đôn đốc cơ quan thuế, người nộp thuế trong việc thực hiện chính sách thuế và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Đồng thời, Tổng cục Thuế tổ chức thực hiện hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo lộ trình quy định. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để triển khai đề án hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu đến cơ quan thuế. Xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn có mã của cơ quan thuế đảm bảo phục vụ công tác quản lý thuế theo rủi ro đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trách nhiệm của cục Thuế

Cục Thuế các địa phương có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc chi cục Thuế trong việc quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm soát việc xây dựng cơ sở dữ liệu riêng tại từng chi cục Thuế để làm căn cứ xác định doanh thu và mức thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán tại từng địa bàn; xây dựng kế hoạch kiểm tra chi cục Thuế, người nộp thuế trong việc thực hiện chính sách thuế và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Bên cạnh đó, cục Thuế các địa phương xây dựng kế hoạch kiểm tra, triển khai và báo cáo Tổng cục Thuế kết quả thực hiện kế hoạch kiểm tra Chi cục Thuế, người nộp thuế. Cụ thể:

Thứ nhất, cục Thuế có trách nhiệm triển khai công tác kiểm tra thực tế hằng năm tối thiểu 10% số Chi cục Thuế theo quy định về quản lý rủi ro đối với việc xác định mức doanh thu khoán dự kiến, mức thuế khoán dự kiến. Kết quả kiểm tra của Cục Thuế là một trong những cơ sở để Chi cục Thuế lập và duyệt Sổ bộ thuế hộ khoán.

Thứ hai, trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu, Cục Thuế có trách nhiệm định kỳ kiểm tra thực tế tối thiểu 5% số Chi cục Thuế mỗi quý I, quý II, quý III. Kết quả kiểm tra là căn cứ xây dựng mức doanh thu khoán dự kiến, mức thuế khoán dự kiến cho năm sau và điều chỉnh doanh thu khoán, mức thuế khoán cho thời gian còn lại của năm tính thuế.

Thứ ba,nội dung kiểm tra thực tế của Cục Thuế gồm: kiểm tra trên cơ sở dữ liệu quản lý; đối chiếu số liệu đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế; kiểm tra thực tế đối với ít nhất 2% số hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và tổ chức có liên quan trên địa bàn trong đó tập trung kiểm tra 100% hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng quản lý rủi ro cao theo quy định.

Các cục Thuế địa phương thực hiện phê duyệt và công khai thông tin hộ khoán trên Trang thông tin điện tử của cơ quan thuế đảm bảo việc công khai được minh bạch, tăng cường khả năng giám sát của người dân và các cơ quan, ban ngành địa phương.

Trách nhiệm của chi cục Thuế

Chi cục Thuế ngoài việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu thường xuyên còn có trách nhiệm tuyên truyền, hỗ trợ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện khai thuế, nộp hồ sơ khai thuế, nộp thuế và tra cứu thông tin công khai về hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo quy định.

Thực hiện trình tự xác định doanh thu và mức thuế hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán theo hướng dẫn tại Thông tư này, bao gồm các công việc chính như: xác định doanh thu, mức thuế khoán; niêm yết công khai thông tin về hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán; tham vấn ý kiến Hội đồng tư vấn thuế; lập và duyệt Sổ bộ thuế; thực hiện điều chỉnh doanh thu và mức thuế khoán trong trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có thay đổi về hoạt động sản xuất, kinh doanh; tổ chức khảo sát doanh thu của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán.

Thực hiện kiểm tra định kỳ, theo kế hoạch tại trụ sở cơ quan thuế trên cơ sở dữ liệu đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và tổ chức có liên quan. Đối với những trường hợp rủi ro cao, có dấu hiệu vi phạm thì thực hiện việc kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về thuế và quản lý thuế.

Xây dựng cơ sở dữ liệu riêng tại từng chi cục Thuế về quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và định kỳ đến ngày 01/11 hằng năm phải chốt xong cơ sở dữ liệu để làm căn cứ cho việc lập sổ bộ thuế khoán của năm tiếp theo.

Trong đó, cơ sở dữ liệu riêng được xây dựng trên cơ sở thông tin từ: hồ sơ khai thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; số liệu quản lý thu thuế thực tế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; kết quả khảo sát doanh thu kinh doanh hằng năm do cơ quan thuế thực hiện; kết quả kiểm tra thực tế hằng năm đối với việc xây dựng doanh thu và mức thuế khoán do cơ quan thuế thực hiện; các thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan; tình hình thực tế tại địa bàn, mức tăng trưởng kinh tế trong khu vực, các yếu tố ảnh hưởng đến thu nộp Ngân sách Nhà nước tại địa bàn…

Chi cục Thuế có trách nhiệm báo cáo chủ tịch Ủy ban nhân dân chỉ đạo các cơ quan, ban ngành tại địa phương phối hợp với cơ quan thuế trong việc quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tại địa bàn. Đồng thời, phối hợp với cơ quan thuế tại địa bàn khác trong công tác kiểm tra, kiểm soát, đối chiếu, cung cấp thông tin về hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Thông tư số 40/2021/TT-BTC được Bộ Tài chính ban hành mới đây nhằm mục tiêu cải cách công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo hướng đơn giản, khuyến khích hộ lên doanh nghiệp, cải cách công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy mô lớn; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động trong chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp, tổ chức sử dụng vốn ngân sách nhà nước có sử dụng nhiều hoá đơn.