Việc kiểm soát lạm phát cần được đặt trong đa mục tiêu

Trần Huyền

Theo Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, việc kiểm soát lạm phát không chỉ hướng thuần tuý đến vấn đề chỉ tiêu mà cần phải được đặt trong đa mục tiêu về thúc đẩy tăng trưởng, ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, là đòn bẩy cho sản xuất kinh doanh cũng như ổn định tâm lý người tiêu dùng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Lạm phát đã được dự báo, đánh giá trong kịch bản điều hành

Trong 6 tháng đầu năm 2021, thị trường giá cả diễn biến theo hướng tăng cao do quy luật trong dịp lễ, tết và đã giảm dần trong các tháng tiếp theo. Theo thống kê, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 1,47% so với cùng kỳ năm 2020; lạm phát cơ bản bình quân tăng 0,87% với bình quân cùng kỳ năm 2020.  

Như vậy, mặc dù nguy cơ lạm phát tăng cao trên nhiều khu vực thế giớI, song việc kiểm soát lạm phát trong nước vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ và đã được dự báo, đánh giá trong kịch bản điều hành giá do Ban chỉ đạo điều hành giá đề ra ngay từ đầu năm.

Kết quả trên thể hiện sự hiệu quả trong các chính sách, biện pháp kiểm soát lạm phát của Chính phủ thời gian qua. Các biện pháp quản lý, điều hành giá đã được triển khai quyết liệt, phối hợp linh hoạt với các chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại. Các chính sách này giúp cho cung cầu cơ bản ổn định, ít xảy ra tình trạng khan hiếm và tạo sự ổn định cho nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam ở trạng thái tốt, tạo dự địa cho Chính phủ triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy hồi phục tăng trưởng.

Trong vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 06/CT-BTC ngày 21/12/2020 gửi các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành đánh giá, dự báo tình hình giá cả và tính toán các kịch bản, giải pháp điều hành báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo, quán triệt triển khai đồng bộ, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến giá cả thị trường, Bộ Tài chính đã có Công văn số 4896/BTC-QLG ngày 14/05/2021 đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn để hỗ trợ cho việc thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.

Theo đó, vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tránh để xảy ra các biến động bất thường về giá ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội.

Tạo nền tảng cho việc kiểm soát lạm phát trong năm 2022

Trên cơ sở diễn biến trong 6 tháng đầu năm, theo ông Nguyễn Xuân Định, Phó Phòng chính sách tổng hợp (Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính), về mặt “con số” thì rủi ro lạm phát trong năm 2021 là không lớn. Theo ước tính của Cục Quản lý giá, CPI mỗi tháng cuối năm còn có dư địa trên 1% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm dưới 4%. Do vậy, việc kiểm soát CPI bình quân cả năm ở mức khoảng 4% vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra.

Tuy nhiên, ông Định cho rằng, việc kiểm soát lạm phát không chỉ hướng thuần tuý đến vấn đề chỉ tiêu Quốc hội giao mà cần phải được đặt trong đa mục tiêu về thúc đẩy tăng trưởng, ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, là đòn bẩy cho sản xuất kinh doanh cũng như ổn định tâm lý người tiêu dùng. 

Với tư cách là cơ quan điều hành giá, Cục Quản lý giá cho biết, để thực hiện mục tiêu trên, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát 6 tháng cuối năm 2021 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động.

Theo đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức năng theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ngoài việc theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới để đánh giá giá cả thị trường hàng hoá thiết yếu, sẽ phải tính toán dự báo các tác động đến mặt bằng giá trong nước cũng như các tác động tới sản xuất kinh doanh để có các biện pháp cân đối cung cầu. Mặt khác, ngăn chặn kịp thời các hoạt động đầu cơ, thao túng giá cả, các hành động “tát nước theo mưa” để trục lợi…

Công tác tổng hợp, phân tích, dự báo - nền tảng cho việc xây dựng kịch bản điều hành giá cũng sẽ được Bộ Tài chính triển khai hiệu quả hơn nhằm tính toán được những thời điểm thuận lợi, đủ điều kiện cho việc triển khai thực hiện lộ trình thị trường đối với giá dịch vụ công. Từ đó, nhanh chóng thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, giải phóng nguồn lực xã hội trong cung cấp dịch vụ công.

Bộ Tài chính cũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cước vận tải hàng hóa, nghiên cứu các giải pháp căn cơ nhằm giảm bớt chi phí logistics trong giá thành sản phẩm.

Đồng thời, tiếp tục giữ ổn định chính sách tiền tệ, mặt bằng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát cơ bản; tăng cường kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực nóng, tiềm ẩn nhiều rủi ro như chứng khoán, bất động sản. Có các giải pháp điều tiết nhằm tạo sự ổn định cho thị trường bất động sản, không để xảy ra hiện tượng sốt giá, thổi giá...