Xây dựng Quy hoạch tổng thể hệ thống kho đáp ứng yêu cầu dự trữ quốc gia giai đoạn mới


Thực tiễn cho thấy, nguồn vốn đầu tư bố trí để xây dựng hệ thống kho dự trữ quốc gia (DTQG) giai đoạn 2011 - 2020 còn thấp (đạt khoảng 20% so với nhu cầu vốn đầu tư theo quy hoạch phê duyệt). Chính vì vậy, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của DTQG trong giai đoạn mới, việc xây dựng Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG là yêu cầu cần thiết.

Cục DTNN khu vực Nghĩa Bình thực hiện tốt công tác bảo quản hàng DTQG  đảm bảo chất lượng, số lượng.
Cục DTNN khu vực Nghĩa Bình thực hiện tốt công tác bảo quản hàng DTQG đảm bảo chất lượng, số lượng.

Thực hiện Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 9/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 774/ QĐ-BTC ngày 9/7/2020 của Bộ Tài chính, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã và đang phối hợp với các cơ quan có liên quan, các bộ, ngành quản lý hàng DTQG và đơn vị tư vấn lập quy hoạch, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để sớm trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Đánh giá hệ thống kho DTQG giai đoạn 2011 - 2020, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Nguyễn Thị Phố Giang cho biết, trong những năm qua, hệ thống kho DTQG đã từng bước được đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp sửa chữa, cơ bản đáp ứng yêu cầu ”4 tại chỗ”, chủ động, sẵn sàng thực hiện mục tiêu DTQG và các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách xảy ra.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nguồn vốn đầu tư bố trí để xây dựng hệ thống kho DTQG giai đoạn 2011-2020 còn thấp (chỉ đạt khoảng 20% so với nhu cầu vốn đầu tư theo quy hoạch phê duyệt); nguồn vốn bố trí cho cải tạo, sửa chữa kho DTQG còn hạn chế.

Thực trạng này dẫn tới hệ thống kho DTQG hiện nay chưa đồng bộ, nhỏ lẻ, dàn trải, nhiều kho đã xuống cấp; một số bộ, ngành phải tận dụng nhiều kho cũ để chứa hàng DTQG. Điều này làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, chỉ đạo điều hành hoạt động DTQG.

Để khắc phục những hạn chế trên, cũng như đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ DTQG giai đoạn mới, việc xây dựng Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất của địa phương, quy hoạch vùng chiến lược kinh tế - xã hội, nhằm đảm bảo lâu dài, an toàn, ổn định của hệ thống kho DTQG.

Bên cạnh đó, quy mô công suất của hệ thống kho DTQG và cơ cấu kho phải đáp ứng nhu cầu nhập, xuất, bảo quản hàng DTQG trên từng vùng kinh tế - xã hội, phù hợp với định hướng về tổng mức, mức DTQG từng mặt hàng, nhóm hàng, phù hợp với quy hoạch phát triển của ngành, địa phương và vùng lãnh thổ.

Việc xây dựng Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG có tính kế thừa, đảm bảo tính khoa học để mở rộng, nâng cấp hệ thống kho hiện có; đồng thời, bổ sung điểm kho mới đảm bảo quy mô của toàn hệ thống.

Cùng với các yêu cầu trên, việc đầu tư xây dựng các điểm kho tập trung, đồng bộ với quy mô đủ lớn, công nghệ và trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến hiện đại; Bố trí điểm kho đảm bảo quy mô, công suất kho để thực hiện đầu tư kho chuyên dùng cho từng mặt hàng, nhóm hàng; Vị trí kho được đặt tại các địa điểm hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng của thiên tai, hỏa hoạn, thuận lợi về giao thông, các khu vực chiến lược về quốc phòng, an ninh.

Nhằm đạt mục tiêu đề ra, việc lập Quy hoạch phải đáp ứng yêu cầu xuất cấp để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, thảm họa, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện các nhiệm vụ khác được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Nguyên tắc lập Quy hoạch Để đáp ứng yêu cầu, nhiệmphải tuân theo quy định của Luật Quy hoạch, quy định khác của pháp luật có liên quan và Điều ước quốc tế mà nước Việt Nam là thành viên. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa Quy hoạch với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm kết hợp quản lý ngành với quản lý lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường.

Bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Bảo đảm tính nhân dân, sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân, trong đó lợi ích quốc gia là cao nhất; bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới. Bảo đảm tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại, kết nối liên thông, dự báo, khả thi, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực của đất nước; bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch, tính bảo tồn.

Bảo đảm tính độc lập giữa cơ quan lập quy hoạch với Hội đồng thẩm định quy hoạch. Bảo đảm nguồn lực để thực hiện quy hoạch và bảo đảm thống nhất quản lý nhà nước về quy hoạch, phân cấp, phân quyền hợp lý giữa các cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Tổng cục DTNN, trong quá trình lập Quy hoạch, Tổng cục DTNN cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như:

(i) Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG chưa được phê duyệt nên thiếu căn cứ khi triển khai lập quy hoạch ngành quốc gia;

(ii) Quy hoạch phải có sự đánh giá về liên kết ngành, liên kết vùng trong phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng xã hội, cơ sở hạ tầng quốc phòng, an ninh; đồng thời, phải có hệ thống bản đồ, sơ đồ và cơ sở dữ liệu về quy hoạch theo quy định.

Trên thực tế, hiện nay, cấp có thẩm quyền chưa ban hành văn bản hướng dẫn việc khai thác, sử dụng các dữ liệu quy hoạch để thống nhất bộ dữ liệu quy hoạch đảm bảo đầy đủ nội dung quy hoạch Ngành;

(iii) Quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch tổng thể quốc gia cùng với các quy hoạch khác có liên quan. Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về sử dụng phương pháp tích hợp; do đó, việc lập Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc tích hợp đối với các quy hoạch thuộc Danh mục bí mật nhà nước như: Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG...

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tài chính, sự phối hợp tích cực của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan và của đơn vị tư vấn, Tổng cục DTNN sẽ hoàn thành việc lập Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sớm trình Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ký trong năm 2022 theo đúng tiến độ đề ra.

*Theo Khải Nguyễn - Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 8/2022.