Cục Thuế Kiên Giang: Một số khoản thu, sắc thuế đã 'về đích' sớm

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Tính đến 30/11/2018, tổng thu thuế nội địa tỉnh Kiên Giang đạt trên 9.000 tỷ đồng, bằng 100% dự toán pháp lệnh và bằng 99% dự toán UBND tỉnh giao, tăng 11,4% so cùng kỳ năm 2017.

Một số khoản thu, sắc thuế của Cục Thuế Kiên Giang đạt tiến độ thu từ 92% trở lên.
Một số khoản thu, sắc thuế của Cục Thuế Kiên Giang đạt tiến độ thu từ 92% trở lên.

Theo đánh giá của Cục Thuế Kiên Giang, vẫn còn 7/16 khoản thu, sắc thuế không đạt tiến độ dự toán, một số nguồn thu chiếm tỷ trọng cao do tác động khách quan, khó có khả năng hoàn thành chỉ tiêu dự toán năm 2018.

Trồi, sụt nguồn thu

Trong điều kiện kinh tế tỉnh Kiên Giang năm 2018 tiếp tục ổn định, mức tăng trưởng ước đạt 7,59% so với năm 2017; hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; 1.650 doanh nghiệp (DN) mới được thành lập, tăng 13,87% với tổng vốn đăng ký  tăng 2 lần so cùng kỳ năm trước, nâng tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn lên 8.770… đã tạo đà tăng mức huy động thuế năm 2018 trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, cơ quan thuế tỉnh Kiên Giang đang nỗ lực phấn đấu đạt số thu vượt mức dự toán năm 2018 từ 5% - 8%, nhằm tạo tiền đề hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2019.

Theo báo cáo của Cục Thuế Kiên Giang, tính đến 30/11/2018, có 9/16 khoản thu, sắc thuế đạt tiến độ thu từ 92% trở lên, trong đó một số lĩnh vực thu đã sớm hoàn thành dự toán pháp lệnh năm 2018, cụ thể: khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 95,7%; thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đạt 100%; thu tiền sử dụng đất đạt 131%; thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước đạt 230%; lệ phí trước bạ đạt 117,9%; thu khác ngân sách đạt 106%; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 127%; thu lợi nhuận còn lại đạt 126%; thu từ xổ số kiến thiết đạt 113,6%, tăng từ 5,5% - 92% so cùng kỳ năm trước.

Cùng với đó, một số khoản thu, sắc thuế chưa đạt tiến độ dự toán, như: khu vực DNNN trung ương chỉ đạt 83,9%; khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh đạt 82,7%; DNNN địa phương đạt 73,7%; thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đạt 67%, giảm tương ứng 9,2% - 38,4% so cùng kỳ năm 2017.

Cục Thuế Kiên Giang cho rằng, nguyên nhân số thu những khu vực trên sụt giảm và không đạt chỉ tiêu dự toán do hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng thấp, dẫn đến hiệu quả kinh doanh không cao, số thuế phát sinh thấp. Riêng thuế BVMT chủ yếu thu từ các DN đầu mối phân phối xăng, dầu trên địa bàn. Tuy nhiên, việc thực hiện theo công văn số 5844/TCT-DNL của Tổng cục Thuế về việc kê khai, nộp thuế BVMT đã làm giảm số thuế phát sinh phải nộp tại tỉnh Kiên Giang. Các nhà quản lý ước tính, trong tổng thu năm 2018 sẽ có 7 khoản thu, sắc thuế giảm từ 1% đến 46% so với cùng kỳ năm 2017.

Ông Nguyễn Quốc Cường, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Kiên Giang cho biết, một số khoản thu liên quan đất đai tăng cao và tăng đột biến do phát sinh thuế từ cho thuê tài sản, chuyển nhượng đất tại huyện Phú Quốc sôi động, với giá chuyển nhượng cao và thu tiền sử dụng đất từ các dự án dân cư, trung tâm thương mại trên địa bàn. Tuy nhiên, đây là nguồn thu không ổn định, điều đáng lo là một số nguồn thu chiếm tỷ trọng cao thiếu ổn định đã làm hạn chế mức huy động thuế tại địa phương…

Nhiều biện pháp tăng thu ngân sách

Theo Cục Thuế tỉnh Kiên Giang, tổng thu trên địa bàn năm 2018 ước đạt 9.500 tỷ đồng, vượt 5,7% dự toán pháp lệnh và 4,4% dự toán UBND tỉnh giao, tăng 4% so với năm 2017. Trong đó, 12/16 khoản thu, sắc thuế đạt và vượt dự toán năm 2018; 4/16 khoản thu, sắc thuế không đạt chỉ tiêu dự toán, gồm: khu vực DNNN Trung ương ước đạt 89,7%; DNNN địa phương ước đạt 79,8%; khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh ước đạt 88,7%; Thuế  BVMT ước đạt 72,7%.

Nhằm quyết tâm hoàn thành vượt mức dự toán năm 2018 trong tháng còn lại, hiện nay cơ quan thuế tỉnh Kiên Giang tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp quản lý tác động trực tiếp tăng số thu, như rà soát, khai thác nguồn thu; công tác thu phải sát với thực tế; đôn đốc thu ngay các khoản thuế phát sinh, giao chỉ tiêu thu nợ thuế đến từng phòng chức năng và Chi cục Thuế, cương quyết thu nợ và cưỡng chế nợ thuế đảm bảo tỷ lệ nợ dưới mức 5%.

Công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu sẽ tập trung vào các DN thương mại, dịch vụ, sản xuất, chế biến, DN lỗ nhiều năm liền nhưng vẫn đầu tư mở rộng SXKD; tỷ suất lợi nhuận thấp; các DN có phạm vi hoạt động rộng nhưng nộp thuế ít, DN được miễn, giảm thuế TNDN. Ngoài ra, cơ quan thuế cũng tích cực phối hợp với cơ quan chức năng để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi trốn thuế, gian lận về thuế, cố tình dây dưa không nộp thuế. Đồng thời tập trung kiểm tra hồ sơ khai thuế, các cơ sở kinh doanh..., vận động DN thực hiện nộp thuế điện tử; đôn đốc các đơn vị hành chính sự nghiệp nộp thuế TNCN; xác định nghĩa vụ tài chính và thông báo kịp thời đối với các hồ sơ đất đai của tổ chức, cá nhân trên địa bàn... nhằm khai thác số thu bù đắp các khoản hụt thu.