Tích cực triển khai đổi mới Hệ thống kho Dự trữ Quốc gia

Bùi Tuấn Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước

“Hệ thống kho là cơ sở vật chất chủ yếu của ngành Dự trữ Quốc gia, là tiền đề quan trọng để thực hiện bảo quản theo công nghệ mới và từng bước cơ giới hóa, tự động hóa... Tuy nhiên, hiện nay kho và mạng lưới kho Dự trữ Quốc gia đã bộc lộ nhiều hạn chế cần phải có những thay đổi từ quy hoạch, bố trí địa điểm đến thiết kế kỹ thuật của từng kho”.

Hệ thống kho của các bộ, ngành đã từng bước được ngân sách nhà nước bố trí để đầu tư, sửa chữa, nâng cấp và áp dụng công nghệ mới.
Hệ thống kho của các bộ, ngành đã từng bước được ngân sách nhà nước bố trí để đầu tư, sửa chữa, nâng cấp và áp dụng công nghệ mới.

Kho tàng xuống cấp, lạc hậu

Từ buổi ban đầu, do chủ yếu phải đáp ứng nhiệm vụ dự trữ và cung cấp hàng cho tiền tuyến cũng như đảm bảo ổn định cho hậu phương nên hệ thống kho dự trữ quốc gia có đặc điểm là phân tán, nhỏ lẻ, được bố trí ở những vùng xa, vùng sâu (phòng tránh địch phá hoại là chủ yếu).

Do được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước nên hệ thống kho dự trữ quốc gia ngày càng xuống cấp, không còn phù hợp với yêu cầu bảo quản theo công nghệ mới.

Nhiều vùng kho chỉ có tích lượng là 1.000 - 3.000 tấn, được bố trí phân tán với công nghệ bảo quản là thông gió tự nhiên, công nghệ cách ẩm, cách nhiệt bằng mái, tường bao che truyền thống. Các trang thiết bị kiểm tra chất lượng thủ công dù đã đưa công nghệ bảo quản mới vào sử dụng nhưng lại trên cơ sở kho hiện có nên không phát huy hết hiệu quả.

Đến nay, khi Luật Dự trữ quốc gia được Quốc hội thông qua, ngành Dự trữ Quốc gia tiếp tục được Nhà nước giao nhiệm vụ sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh thì yêu cầu quy hoạch, cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống kho dự trữ quốc gia đặt ra ngày càng cấp bách.

Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống kho dự trữ quốc gia

Từ thực trạng trên, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước rà soát lại quy hoạch kho dự trữ quốc gia để tiến hành cải tạo xây dựng thêm nhiều kho dự trữ quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Yêu cầu đặt ra là kho dự trữ quốc gia phải được quy hoạch, xây dựng phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, bảo đảm quốc phòng, an ninh; phải thuận tiện trong việc nhập, xuất, bảo quản, phòng, chống thiên tai, hoả hoạn, không để xảy ra hư hỏng, mất mát và các nguyên nhân khác gây thiệt hại đến tài sản dự trữ quốc gia.

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho giai đoạn đến năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết hệ thống kho dự trữ quốc gia thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước đến năm 2020.

Bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI nêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011- 2020, nên quy hoạch chi tiết mạng lưới kho dự trữ quốc gia thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước được bố trí tại 8 vùng kinh tế - xã hội là: Tây bắc Bắc bộ, Đông bắc Bắc bộ, Đồng bằng Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.

Theo quy hoạch chi tiết được duyệt, mạng lưới kho dự trữ quốc gia thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước có hệ thống kho dự trữ quốc gia trọng điểm được bố trí theo từng khu vực trên địa bàn nhiều tỉnh, đảm bảo chung trong toàn bộ hệ thống kho dự trữ quốc gia trên toàn quốc; có hệ thống kho dự trữ quốc gia phục vụ cho địa bàn từng tỉnh, có nhiệm vụ điều phối hàng dự trữ quốc gia trong tỉnh và khu vực.

Tạo cơ chế huy động nguồn lực

Hàng năm, Nhà nước bố trí khoản ngân sách cho hoạt động dự trữ quốc gia đều có tăng, trong đó bố trí vốn cho đầu tư xây dựng kho cũng từng bước được cải thiện. Đến nay, một số kho dự trữ quốc gia thuộc Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước), đã được đầu tư xây dựng mới theo hướng: Bố trí tập trung, với công suất lớn, với công nghệ bảo quản kho kín, cơ giới hóa trong quá trình nhập, xuất (như kho lương thực, kho vật tư thiết bị tìm kiếm cứu nạn…).

Hệ thống kho của các bộ, ngành (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…) đã từng bước được ngân sách nhà nước bố trí để đầu tư, sửa chữa, nâng cấp và áp dụng công nghệ mới.

Trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu của chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020 với quy mô từ 1 - 1,5%/GDP thì việc đầu tư hệ thống kho dự trữ quốc gia là hết sức cấp thiết.

Trong điều kiện khả năng ngân sách nhà nước còn hạn chế thì vấn đề huy động và tập trung nhiều nguồn lực để thực hiện đầu tư hệ thống kho dự trữ quốc gia nói chung và trong xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật dự trữ quốc gia nói riêng cần được Thủ tướng Chính phủ cho phép tạo cơ chế huy động các nguồn lực như: Cho phép thanh lý tài sản và các điểm kho hiện có của Ngành nhưng không thuộc diện quy hoạch để tạo nguồn vốn tái đầu tư xây dựng kho mới…

Một điều rất thuận lợi là theo quy định của Luật Dự trữ quốc gia, Quốc hội đã giao Chính phủ ban hành một số chính sách huy động nguồn lực, khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dự trữ quốc gia.

Vấn đề đặt ra là cần sớm xây dựng và ban hành các chính sách này để Luật Dự trữ quốc gia thực sự đi vào cuộc sống, qua đó tạo thêm nguồn lực cho hoạt động dự trữ quốc gia. Có thể đề xuất một số hình thức huy động nguồn lực như: Cho phép các tổ chức áp dụng hình thức xây dựng - chuyển giao trong việc xây dựng hệ thống kho dự trữ quốc gia; cho phép sử dụng từ nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ để xây dựng hệ thống kho; cho phép sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để đầu tư xây dựng hệ thống kho...

Những kết quả ban đầu

Mới đây, kho dự trữ Thủy Nguyên, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đông Bắc đã được xây mới trên diện tích đất gần 70.000 m2. Các kho dự trữ Đông Anh, kho dự trữ Hòa Bình (Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Nội), kho dự trữ Nghi Lộc (Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nghệ Tĩnh), kho dự trữ Hòa Vang (Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đà Nẵng), kho dự trữ Linh Đa (Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Trung Bộ), kho dự trữ Long An (Cục Dự trữ Nhà nước khu vực TP. Hồ Chí Minh)… cũng đã được đầu tư xây mới và đưa vào sử dụng trong thời gian qua.

Đây là các dự án kho thí điểm công nghệ bảo quản lương thực đầu tiên của Tổng cục Dự trữ Nhà nước gồm: Công nghệ bảo quản kín, kỹ thuật nhập - xuất được cơ giới hóa…

Chỉ trong 5 năm gần đây đã có trên 12 dự án kho được đầu tư xây dựng mới đã hoàn thành theo từng giai đoạn, được bàn giao đưa vào sử dụng, nâng tích lượng kho thêm 150.000 tấn kho. Điều đó đã chứng minh cho việc Tổng cục Dự trữ Nhà nước đang tích cực bắt tay vào triển khai thực hiện quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về Quy hoạch chi tiết hệ thống kho dự trữ quốc gia đến năm 2020.

Để làm tốt được công tác đầu tư xây dựng theo quy hoạch, không bố trí vốn dàn trải, cân đối với nhiệm vụ kế hoạch dự trữ hàng năm tại các vùng, miền và để sớm có kho đưa vào sử dụng, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã chủ động phân kỳ đầu tư, điều chỉnh dự án phù hợp lộ trình thực hiện theo 2 giai đoạn (giai đoạn 1 từ khởi công đến năm 2015; giai đoạn 2 từ năm 2016 đến năm 2020).

Đồng thời, tiến hành bố trí lại tổng mặt bằng từng dự án, điều chỉnh dự án để nâng cao hiệu quả vốn đầu tư theo lộ trình từng giai đoạn triển khai quy hoạch chi tiết.

Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc đối với dự án kho dự trữ quốc gia Tuyên Quang, làm mô hình dự án mẫu để áp dụng cho hệ thống kho dự trữ quốc gia của Tổng cục nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư, đảm bảo tiết kiệm đáng kể thời gian lập, thẩm định, phê duyệt dự án, tiết kiệm chi phí.

Chặng đường tiếp theo, Tổng cục Dự trữ Nhà nước sẽ báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; đầu tư xây mới và cải tạo sửa chữa, nâng cấp mở rộng các điểm kho trong quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ thanh lý các điểm kho ngoài quy hoạch.

Trong năm 2015, Tổng cục Dự trữ Nhà nước sẽ tiến hành đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch và báo cáo Bộ Tài chính điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho những năm tiếp theo đến năm 2020, đảm bảo phù hợp với nhu cầu của ngành dự trữ quốc gia vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong tình hình mới.