Bàn giải pháp thúc đẩy nền kinh tế phát triển

Thùy Linh

Tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam năm 2024, các đại biểu đã cùng thảo luận về chủ đề “Chính sách tài chính thúc đẩy tổng cầu, hỗ trợ phát triển kinh tế”. Theo đó, việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các chính sách thuế kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất đóng vai trò quan trọng giúp nền kinh tế đất nước phát triển trong thời gian tới.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã cùng thảo thuận chủ đề “Chính sách tài chính thúc đẩy tổng cầu, hỗ trợ phát triển kinh tế”.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã cùng thảo thuận chủ đề “Chính sách tài chính thúc đẩy tổng cầu, hỗ trợ phát triển kinh tế”.

Quyết liệt thực hiện giải ngân vốn đầu tư công

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Dương Bá Đức – Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết, nguồn vốn đầu tư công năm 2024 tiếp tục tập trung cho các dự án quan trọng quốc gia, đặc biệt là các dự án cao tốc nhằm tạo không gian phát triển. Cụ thể, năm 2024, vốn ngân sách nhà nước bố trí khoảng 101 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương khoảng hơn 79 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương khoảng 22 nghìn tỷ đồng cho 9 dự án quan trọng quốc gia ngành Giao thông. Ngoài các dự án giao thông, các dự án hạ tầng trong lĩnh vực nông nghiệp cũng được quan tâm bố trí vốn làm động lực cho phát triển sản xuất bền vững, tăng cường năng lực phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo ông Dương Bá Đức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành của Quốc hội và sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia bước đầu đạt được những kết quả tích cực; trong đó vốn đầu tư công đóng vai trò quan trọng để tiếp tục hoàn thành mục tiêu của các chương trình mục tiêu đề ra. Năm 2024, ngân sách trung ương bố trí 27,2 nghìn tỷ đồng để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Qua triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn, miền núi được cải thiện nhiều.

Tuy nhiên, ông Dương Bá Đức cho biết, việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập. Trong đó, phải kể đến các vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng tại một số địa phương, thủ tục điều chỉnh chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước; vướng mắc về vật liệu xây dựng cho thi công, nguồn vật liệu đất đắp nền đường... Bên cạnh đó, công tác hoàn thiện thể chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từ Trung ương đến địa phương còn chậm, chưa đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các khâu từ phân bổ, giao kế hoạch thực hiện và giải ngân vốn thực hiện tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương...

Theo đại diện Vụ Đầu tư, năm 2025 vốn đầu tư công tiếp tục tập trung cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, đường cao tốc, dự án trọng điểm, đường ven biển, dự án có tính chất liên kết vùng, liên tỉnh, liên quốc gia có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, tạo đột phá thu hút nguồn khu vực tư nhân trong và ngoài nước và đảm bảo phát triển hài hòa giữa các địa phương, vùng lãnh thổ. Trong đó, ưu tiên đáp ứng nhu cầu vốn để hoàn thành một số đoạn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 2021 - 2025), khởi công mới các Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn, cao tốc phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành...

Ngoài triển khai các giải pháp trong khâu tổ chức triển khai như đã nêu, hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc sửa đổi đồng bộ các cơ chế chính sách có tác động đến dự án đầu tư công để tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện chính sách thuế thông minh

Liên quan đến chính sách thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và kích thích tiêu dùng, từ góc độ cơ quan quản lý, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh chia sẻ, trong giai đoạn COVID-19 và hậu COVID-19, Chính phủ đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhằm tăng cường kích thích nhu cầu của thị trường thông qua các biện pháp tài khóa, trong đó các chính sách về miễn, giảm và giãn thuế đóng vai trò quan trọng.

Theo đó, chỉ tính trong thời gian từ 2020 đến nay, trung bình mỗi năm các giải pháp hỗ trợ về thuế đã chiếm khoảng 10-15% tổng thu ngân sách nhà nước. Đây là một tỷ lệ khá lớn và phản ánh tính hiệu quả của các chính sách tài khóa trong việc duy trì hoạt động kinh tế. Các chính sách này nhằm giảm bớt gánh nặng thuế cho các DN và người dân, giúp họ vượt qua khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Theo ông Đặng Ngọc Minh, dù nền kinh tế đã có những dấu hiệu phục hồi từ cuối năm 2023, nhưng do thị trường bất động sản vẫn gặp khó khăn, tác động không tốt đến nền kinh tế, Chính phủ đã tiếp tục thực hiện các biện pháp miễn, giảm và giãn thuế với tổng giá trị lên tới 97.000 tỷ đồng, giúp hơn 100.000 đối tượng thụ hưởng. Các chính sách hỗ trợ thuế này đã tác động trực tiếp đến nguồn tài chính của DN, góp phần duy trì sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tiêu dùng, qua đó tạo ra động lực cho nền kinh tế phục hồi và phát triển. Các chính sách này không chỉ mang tính tổng quát mà còn rất cụ thể.  

Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ này cũng đã mang lại hiệu quả tăng thu ngân sách nhà nước. Chỉ trong 3 năm liên tục, thu ngân sách nhà nước luôn vượt kế hoạch đề ra. Chẳng hạn, năm 2023, thu nội địa đã vượt hơn 200.000 tỷ đồng. Năm 2024, tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng cả năm, nhưng đến cuối tháng 11/2024, tổng thu nội địa đã vượt 3,1% so với dự toán. Nếu tính cả năm, tổng thu dự kiến sẽ vượt trên 220.000 tỷ đồng. Nguồn lực này sẽ được sử dụng để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, công trình lớn phục vụ phát triển kinh tế.

Về thời gian tới, đại diện Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho hay, Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua với nhiều sửa đổi đã không chỉ cho thấy Quốc hội và Chính phủ tiếp tục kiên định các giải pháp khuyến khích hoạt động sản xuất trong nước, mà còn tạo điều kiện hỗ trợ xuất khẩu, giúp DN tận dụng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Như vậy, Việt Nam đang trong giai đoạn vàng về xuất siêu, điều này cho thấy Chính phủ đã áp dụng những giải pháp tài khóa hợp lý; các nỗ lực của ngành Tài chính trong thời gian qua không chỉ giúp DN phục hồi mà còn góp phần kích thích tiêu dùng trong xã hội.

“Trong kỷ nguyên mới, khi nhiều chính sách thuế sẽ tiếp tục được sửa đổi, Chính phủ tiếp tục thực hiện các ưu đãi thuế đối với các ngành có thế mạnh, đồng thời tập trung vào cải cách công tác thu thuế, đặc biệt là thu thuế thương mại điện tử. Việc sử dụng hóa đơn điện tử cũng cần được đẩy mạnh, giúp nâng cao hiệu quả quản lý thuế trong bối cảnh nền kinh tế chuyển đổi số và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh.

 

Tại Diễn đàn Chính sách Tài chính năm 2024, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng khẳng định, chính sách hỗ trợ thuế được thực hiện nhanh chóng, kịp thời như thời gian qua đã chứng tỏ tính hiệu quả. Hỗ trợ thuế là thiết thực nhất, nhanh nhất vì đó là “tiền tươi thóc thật”; hỗ trợ thuế là giảm áp lực ngay cho DN. Do đó, thời gian tới cần phải tiếp tục nghiên cứu thực hiện tiếp các chính sách này để góp phần làm tăng thu ngân sách nhà nước.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Khắng, không nên miễn giảm thuế là làm giảm thu ngân sách nhà nước, nếu như vậy thì không thể thành công được. Miễn giảm thuế mà vẫn tăng thu ngân sách nhà nước đó mới là vấn đề. Các chính sách kích cầu hỗ trợ DN, tăng thu ngân sách nhà nước chỉ có 2 nhóm giải pháp chính. Một là kích cầu phát triển kinh tế, tạo nguồn thu mới, ổn định nguồn thu cũ. Hai là, quản lý thuế phải đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước. Rõ ràng quản lý thuế điện tử, thuế số sẽ giải quyết vấn đề này. Các nước phát triển đã làm rất tốt, minh bạch, và cả chống thất thu ngân sách nhà nước. Do vậy, thời gian tới, ngành Tài chính, Thuế chắc chắn phải làm.

Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, việc giải ngân phải được phân cấp sao cho hợp lý từ Trung ương, xuống tỉnh, xuống huyện, xuống xã. Cùng với đó, với những điểm nghẽn ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân như giải phóng mặt bằng, mua vật liệu xây dựng… phải được quyết liệt tháo gỡ.