Báo cáo về tình hình thực hiện các nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước tháng 02 và 2 tháng năm 2014

Theo mof.gov.vn

1. Tổng hợp việc triển khai các đề án xây dựng chính sách trình Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ

1.1 Thực hiện Chương trình công tác tháng 2 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ 02 đề án sau:

 (1) Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi): Tờ trình số 16/TTr-BTC ngày 24/02/2014; Chính phủ đã thảo luận tại Phiên họp thường kỳ tháng 2/2014.

 (2) Dự án Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh: Tờ trình số 15/TTr-BTC ngày 19/2/2014; Chính phủ sẽ họp chuyên đề về nội dung này trong tháng 3/2014

1.2 Tình hình thực hiện các đề án thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Tài chính, trong tháng 2/2014, Bộ đã ký ban hành 14 Thông tư, 173 Quyết định, 968 công văn gửi các Bộ ngành, địa phương, đơn vị, cá nhân.

2. Tình hình kinh tế vĩ mô và thực hiện dự toán ngân sách nhà nước

2.1. Tình hình kinh tế - xã hội:

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2014 tăng 0,55% so với tháng 1/2014, đây là mức tăng thấp nhất so với tốc độ tăng cùng kỳ của một số năm trước; tính chung 2 tháng CPI tăng 1,24% so với tháng 12/2013. Một số loại hàng hóa, dịch vụ cơ bản do Nhà nước định giá được giữ ổn định; riêng giá xăng có điều chỉnh tăng 300 đồng/lít (ngày 21/2/2014) nhưng tác động tới chỉ số CPI tháng 2 không đáng kể mà sẽ được phản ánh trong CPI của các tháng sau.

- Trị giá xuất khẩu tháng 2 ước đạt 9,6 tỷ USD, giảm 16,2% so với tháng 1 và tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước. Trị giá nhập khẩu ước đạt 10,8 tỷ USD tăng 7,8% so với tháng 1, tăng 50,1% so với cùng kỳ năm trước.

- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI thực hiện 2 tháng đầu năm ước đạt 1.120 triệu USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2013.

2.2. Tình hình thực hiện dự toán ngân sách:

2.2.1. Tình hình thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước:

Tổng thu ngân sách tháng 2 ước đạt 49.600 tỷ đồng; luỹ kế thu 2 tháng đạt 129.870 tỷ đồng, bằng 16,6% dự toán, tăng 12,9% so với cùng kỳ của năm 2013, trong đó:

- Thu nội địa: thực hiện tháng 2 ước đạt 31.400 tỷ đồng, xấp xỉ bằng 51% số thu tháng trước. Luỹ kế thu 2 tháng ước đạt 93.465 tỷ đồng, bằng 17,3% dự toán, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2013 (không kể tiền sử dụng đất thì tăng 17,8%); trong đó: thu từ kinh tế quốc doanh đạt 15,5% dự toán, tăng 16%; thu thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 20,4% dự toán, tăng 24,3%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 19,9% dự toán, tăng 25,6%; thuế thu nhập cá nhân đạt 17,7% dự toán, giảm 2,2% so với cùng kỳ.

So với cùng kỳ một số năm gần đây, thu nội địa 2 tháng đầu năm 2014 đạt khá cả về tiến độ thực hiện dự toán và mức tăng trưởng so với cùng kỳ do một số nguyên nhân là: kinh tế các tháng cuối năm 2013 và đầu năm 2014 tiếp tục có những chuyển biến tích cực, làm tăng nguồn thu ngân sách; thực hiện Nghị định số 204/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã thu vào ngân sách khoảng 1.800 tỷ đồng cổ tức được chia năm 2013 của phần vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần có vốn Nhà nước do Bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu và phần lợi nhuận còn lại năm 2013 của các Tập đoàn, Tổng công ty do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ sau khi trích nộp các quỹ theo quy định của pháp luật. Đồng thời, thu vào ngân sách nhà nước khoảng 2.100 tỷ đồng số thuế Thu nhập doanh nghiệp phát sinh trong quý 3/2013 của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử,... đã được gia hạn 3 tháng theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, nay đến hạn phải nộp. Công tác quản lý thu được triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm; cơ quan Thuế bám sát tình hình, đẩy mạnh kiểm tra, đôn đốc thu nợ.

Ước tính có 45/63 địa phương thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 16%), trong đó: 18 địa phương thu đạt trên 20% dự toán; 18 địa phương thu chưa đảm bảo tiến độ (chủ yếu là các địa phương giảm thu từ các mặt hàng nông, lâm, thuỷ hải sản do thực hiện Thông tư 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật thuế Giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng). So với cùng kỳ năm 2013, có 51/63 địa phương thu cao hơn, 12 địa phương thu thấp hơn.

 - Thu từ dầu thô: thực hiện tháng 2 ước 9.000 tỷ đồng, luỹ kế thu 2 tháng ước 17.005 tỷ đồng, bằng 20% dự toán, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2013. Giá dầu thanh toán bình quân 2 tháng đạt khoảng 113 USD/thùng, tăng 15 USD/ thùng so với giá xây dựng dự toán; sản lượng dầu thanh toán ước đạt 2,5 triệu tấn, bằng 17,4% kế hoạch năm.

- Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu: thực hiện tháng 2 ước đạt 14.000 tỷ đồng, bằng khoảng 77,8% mức thực hiện tháng trước, chủ yếu do kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 2 giảm so với tháng 1. Luỹ kế thu 2 tháng đầu năm đạt 32.000 tỷ đồng, bằng 14,3% dự toán, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2013; sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (13.000 tỷ đồng), thu cân đối ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm ước 19.000 tỷ đồng, bằng 12,3% dự toán, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2013.

2.2.2. Tình hình thực hiện dự toán chi ngân sách nhà nước:

Tổng chi ngân sách nhà nước tháng 2 ước đạt 65.710 tỷ đồng; luỹ kế chi 2 tháng ước đạt 150.070 tỷ đồng, bằng 14,9% dự toán, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 14,3% dự toán, bằng 99,4% so với cùng kỳ; chi trả nợ và viện trợ đạt 15,9% dự toán, bằng 105,5% so với cùng kỳ; chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước đạt 15,3% dự toán, bằng 105,2% so với cùng kỳ.

Các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước được đảm bảo theo đúng dự toán và tiến độ thực hiện của các chủ đầu tư, đơn vị sử dụng ngân sách; đáp ứng nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, phục vụ sản xuất, khắc phục hậu quả thiên tai, bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán. Riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản, do thời điểm Tết Nguyên đán chỉ có một số dự án quan trọng vẫn tổ chức thi công để đảm bảo tiến độ nên số thanh toán đạt thấp (14,2% dự toán), trong đó chủ yếu tập trung cấp ứng vốn cho dự án thuộc kế hoạch năm 2014 và tiếp tục thanh toán khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành trong kế hoạch năm 2013 chuyển sang.

Tính đến ngày 26/2/2014 đã thực hiện phát hành được 51.889 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển, bằng 17,5% nhiệm vụ huy động vốn trong nước năm 2014.

3. Tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NĐ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ

Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 2/1/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 68/QĐ-BTC ngày 08/01/2014 ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ. Theo đó, Bộ giao nhiệm vụ và thời hạn cụ thể cho từng đơn vị nhằm hoàn thành cao nhất mục tiêu và yêu cầu đặt ra đối với lĩnh vực tài chính – ngân sách năm 2014.

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 2/01/2014 của Chính phủ và Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính, trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2014, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao đạt một số kết quả sau:

(1) Hoàn thành về cơ bản việc phân bổ, giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 cho các Bộ, cơ quan Trung ương theo chế độ quy định.

(2) Đảm bảo nhu cầu chi ngân sách nhà nước cho phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản chi trả nợ đến hạn, chi trả kịp thời các khoản lương và các khoản có tính chất lương, góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và tạo điều kiện cho các đối tượng vui đón Tết cổ truyền Giáp Ngọ.

Để đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước nói chung và ngân sách địa phương nói riêng, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh việc huy động vốn trong nước; đồng thời, tăng tiến độ bổ sung cân đối ngân sách địa phương cho các địa phương khó khăn, tạo điều kiện chủ động về nguồn đáp ứng nhu cầu chi phát sinh trên địa bàn, trong đó: Phú Yên 100 tỷ đồng, Bình Phước 560 tỷ đồng, Tiền Giang 165 tỷ đồng, Vĩnh Long 125 tỷ đồng, Hậu Giang 150 tỷ đồng và Cà Mau 156 tỷ đồng... Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước (đến hết tháng 02/2014, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã phát hiện trên 7.500 khoản chi của 3.500 lượt đơn vị chưa chấp hành đúng thủ tục chế độ quy định).

(3) Đã hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương thực hiện mua sắm tài sản từ nguồn dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 được giao, gồm cả nguồn vốn ngân sách nhà nước năm 2013 được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển nguồn sang 2014 để tiếp tục sử dụng nếu có (công văn số 2133/BTC-QLCS  ngày 19/2/2014). Trong đó, đã yêu cầu việc mua sắm xe ôtô chuyên dùng phải đảm bảo nguyên tắc phù hợp với số lượng, chủng loại xe ôtô chuyên dùng theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Quyết định 59/2007/QĐ-TTg ngày 7/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ và khoản 6 Điều 1 Quyết định số 61/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty nhà nước.

(4) Đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản lý, điều hành, bình ổn giá; ngăn chặn các hành vi gây ảnh hưởng lớn đến giá cả (đầu cơ tích trữ, nâng giá, buôn lậu, gian lận thương mại..), kiểm soát chặt chẽ các phương án giá và mức giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng.

- Về quản lý giá xăng, dầu: Đã phối hợp với Bộ Công thương yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đầu mối: (i) giữ ổn định mức trích Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng, dầu như hiện hành; (ii) chưa tính đủ lợi nhuận định mức trong giá cơ sở đối với mặt hàng xăng, dầu hỏa (tạm tính 100 đồng/lít); (iii) ngừng sử dụng Quỹ Bình ổn giá với các mặt hàng dầu hỏa, dầu madut; (iv) Chủ động rà soát lại phương án giá, cách tính giá theo quy định để điều chỉnh tăng giá bán các mặt hàng xăng, dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá cơ sở và quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, nhưng tối đa không cao hơn mức chênh lệch giữa giá bán hiện hành và giá cơ sở

- Về quản lý giá sữa: Bộ Tài chính đã chỉ đạo Sở Tài chính, Cục thuế, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý giá sữa của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa trên địa bàn (văn bản số 2200/BTC-QLG ngày 21/2/2014); đồng thời phối hợp Bộ Công thương tổ chức kiểm tra việc niêm yết giá, kê khai giá và điều chỉnh giá các sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi của 4 doanh nghiệp; trên cơ sở đó đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp giải trình nguyên nhân tăng giá và chưa được tăng giá sữa. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa vẫn tăng giá bán sản phẩm, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Về vấn đề này, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thành lập 5 đoàn thanh tại 5 công ty sữa.

(5) Tiếp tục thực hiện giải pháp miễn thuế khoán (thuế Giá trị gia tăng, thuế Thu nhập cá nhân), thuế Thu nhập doanh nghiệp đối với hộ, cá nhân kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân theo quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định số 204/2013/NĐ-CP ngày 05/12/2013 của Chính phủ và Thông tư số 187/2013/TT-BTC ngày 5/12/2013 của Bộ Tài chính.

­(6) Đối với việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Thực hiện Quyết định số 929/QĐ-TTg, Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015 để chỉ đạo xử lý kịp thời.

Đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Ban chỉ đạo Đổi mới, phát triển doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của Chính phủ; xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh, vững chắc, hiệu quả công tác sắp xếp, chuyển đổi sở hữu, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước cũng như công tác thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước.

(7) Thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, ngân sách nhà nước thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời theo tiến độ các khoản kinh phí đã bố trí trong dự toán ngân sách 2014. Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong 02 tháng đầu năm nay, Bộ Tài chính đã xuất, cấp trên 25,5 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ cho nhân dân ở những vùng bị thiếu đói, giáp hạt; góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

4. Các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 3/2014:

4.1. Các đề án cơ chế, chính sách theo Chương trình công tác tháng 3, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 06 đề án. Bộ Tài chính tiếp tục để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng đề án; đảm bảo hoàn thành các đề án, nhiệm vụ đã được giao theo chương trình công tác. Tiếp tục triển khai báo cáo phục vụ phiên họp thứ 26, 27 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đối với các dự án Luật như: Luật ngân sách nhà nước, Luật Hải quan (sửa đổi), Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

4.2. Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ và Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 68/QĐ-BTC ngày 8/01/2014, Bộ Tài chính tiếp tục tích cực triển khai thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ được giao.