Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 13-18/11/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

Tăng trưởng

- Thế giới: Nền kinh tế toàn cầu dự báo tăng trưởng 3% trong năm 2017và năm 2018. Trong đó, các nền kinh tế phát triển tăng trưởng 2,2% trong năm 2017 và 2,1% trong năm 2018, cao hơn so với mức trung bình 1,8% trong 5 năm qua (2012 - 2017); các thị trường mới nổi tăng trưởng 3,7% trong năm 2017 và 3,8% trong năm 2018. (Theo Conference Board ngày 13/11)

- Nhật Bản: Trong quý III/2017, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 0,3% so với quý trước và tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn các mức tăng trưởng tương ứng 0,6% và 2,6% của quý II/2017. Xuất khẩu ròng vẫn là yếu tố đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng. Như vậy, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 7 quý liên tiếp, thời kỳ dài nhất trong hơn 10 năm qua. (Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản ngày 15/11)

- Đức: Trong quý III/2017, GDP của Đức tăng 0,8% so với quý trước, cao hơn mức tăng 0,6% (dự báo của các nhà kinh tế), do xuất khẩu và đầu tư tăng mạnh, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và Eurozone tăng trưởng nhanh hơn trong 9 tháng đầu năm 2017. Dự báo GDP sẽ tăng trưởng 2% trong năm 2017 và 2,2% vào năm 2018. (Theo Cục Thống kê Liên bang Đức ngày 14/11).

- Nga: Trong quý III/2017, GDP tăng trưởng 1,8% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mức tăng trưởng 2,5% của quý II nhưng cao hơn mức tăng 0,5% của quý I/2017. Ngân hàng Trung ương Nga dự báo GDP sẽ tăng trưởng 1,7 - 2,2% trong năm 2017. (Theo Văn phòng Thống kê Nga ngày 13/11)

- Hàn Quốc: GDP của Hàn Quốc tăng trưởng khoảng 2,3 - 2,7% trong năm 2018, thấp hơn so với 3% (dự báo đưa ra trước đó), do các yếu tố bất ổn từ bên ngoài như khả năng Hoa Kỳ tăng lãi suất cũng như các cuộc đàm phán lại FTA của Hàn Quốc. (Theo các chuyên gia kinh tế của Viện Nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc - KERI và Viện Nghiên cứu kinh tế LG - LGERI ngày 13/11)

- Philippines: Trong quý III/2017, kinh tế Philippines tăng trưởng 6,9% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn mức tăng 6,7% của quý II/2017 và 6,5% theo dự báo của thị trường. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ quý III/2016 do chi tiêu của Chính phủ tăng nhanh trong khi tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu tư nhân giảm. (Theo Văn phòng Thống kê Philippines ngày 16/11)

Lạm phát

- Eurozone: Trong tháng 10/2017, CPI của Eurozone tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mức tăng 1,5% của tháng 9/2017 và là mức thấp nhất trong 3 tháng qua, do giá năng lượng, hàng công nghiệp phi năng lượng và dịch vụ tăng chậm. CPI lõi (không bao gồm giá năng lượng, thực phẩm, rượu và thuốc lá) tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mức tăng 1,1% của tháng 9/2017. (Theo Văn phòng Thống kê châu Âu - Eurostat ngày 16/11)

- Hoa Kỳ: Trong tháng 10/2017, CPI của Hoa Kỳ tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 2% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn các mức tăng tương ứng là 0,5% và 2,2% của tháng 9/2017, do giá xăng giảm 2,4% - mức giảm lớn nhất kể từ tháng 6/2009. CPI lõi tăng 1,8%, cao nhất trong 6 tháng qua, do giá lương thực, dịch vụ vận chuyển và chăm sóc y tế tăng cao. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 15/11)

- Anh: Trong tháng 10/2017, CPI tại Anh tăng 3%, bằng mức tăng của tháng 9/2017. Đây là mức lạm phát cao nhất kể từ tháng 3/2012, do giá lương thực, nhà ở, đồ dùng tiện ích tăng cao. CPI lõi (không bao gồm giá năng lượng, thực phẩm, rượu và thuốc lá) tăng 2,7%, bằng mức tăng của tháng 9/2017. (Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh - ONS ngày 14/11)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần qua tăng/giảm trái chiều. Tính chung cả tuần (13/11 - 18/11/2017), chỉ số Dow Jones; S&P 500 giảm lần lượt là 0,27% và 0,13%; Nasdaq Composite tăng 0,47% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (10/11/2017). Trong ngày giao dịch 17/11/2017 so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Chỉ số Nasdaq giảm 10,5 điểm (-0,15%) xuống 6.782,79 điểm.

+ Chỉ số S&P 500 giảm 6,79 điểm (-0,26%) xuống 2.578,85 điểm.

+ Chỉ số Dow Jones giảm 100,12 điểm (-0,43%) xuống 23.358,24 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 0,89 điểm (-0,51%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (17/11/2017) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 180,82 điểm (0,62%) lên 29.199,58 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 45,68 điểm (0,2%) lên 22.396,8 điểm.

+ Kospi (Hàn Quốc) giảm 0,8 điểm (-0,03%) xuống 2.533,99 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 16,34 điểm (-0,48%) xuống 3.382,91 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) giảm 9,95 điểm (-0,17%) xuống 5.947,3 điểm.

Dầu mỏ

Trong tháng 12/2017, Saudi Arabia có kế hoạch giảm sản lượng xuất khẩu dầu thô khoảng 120.000 thùng/ngày so với sản lượng xuất khẩu của tháng 11/2017 (khoảng 7 triệu thùng/ngày) tại tất cả các thị trường. Trong đó, riêng sản lượng xuất khẩu dầu thô sang thị trường Hoa Kỳ sẽ giảm hơn 10% so với tháng 11. (Theo Bộ Năng lượng Saudi Arabia ngày 11/11)

Tuần từ 13/11 - 18/11/2017, giá dầu WTI và Brent giảm lần lượt là 0,33% và 1,26%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (17/11/2017), giá dầu kỳ hạn giao tháng 12/2017:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 1,41 USD (2,49%) lên 56,55 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 1,36 USD (2,17%) lên 62,72 USD/thùng.

Châu Âu

- Eurozone: Trong tháng 9/2017, thặng dư thương mại của Eurozone đạt 26,4 tỷ EUR, cao hơn so với 24,3 tỷ EUR của cùng kỳ năm 2016 và là mức thặng dự cao nhất trong các tháng 9 từ trước tới nay. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2016 lên 187,1 tỷ EUR, kim ngạch nhập khẩu tăng 5,1% lên 160,7 tỷ EUR. (Theo Eurostat ngày 15/11)

- Anh:

+ Trong quý III/2017, tỷ lệ thất nghiệp tại Anh là 4,3%, mức và thấp nhất kể từ năm 1975. Tính đến cuối tháng 9/2017, tại Anh có 1,4 triệu người không có việc làm, giảm 182 nghìn người so với cùng kỳ năm 2016.

Trong quý III/2017, thu nhập trung bình hằng tuần của người lao động Anh tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn so với tỷ lệ lạm phát hằng năm (3%), ảnh hưởng tới sức mua của người lao động. (Theo ONS ngày 15/11)

+ Trong tháng 10/2017, doanh số bán lẻ tại Anh giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2016, lần giảm đầu tiên kể từ năm 2003, do giá lương thực tăng (3,5% so với cùng kỳ năm 2016) và những bất ổn về kinh tế làm hạn chế chi tiêu của người tiêu dùng. (Theo ONS ngày 16/11)

- Đức: Trong tháng 9/2017, số nhân viên trong ngành chế tạo của Đức tăng 102.000 người (tương ứng 1,9%) so với cùng kỳ năm 2016 lên 5,5 triệu người, mức cao nhất kể từ năm 2005. Các chuyên gia kinh tế nhận định, sự phát triển tích cực trong lĩnh vực chế tạo sẽ củng cố đà tăng trưởng kinh tế kéo dài của Đức. (Theo Cục Thống kê Liên bang Đức ngày 15/11)

Châu Á

Hàn Quốc:

+ Trong năm 2017, thị phần xuất khẩu của Hàn Quốc trên thị trường thế giới sẽ cao hơn mức kỷ lục 3,19% của năm 2015, nhờ kinh tế toàn cầu phục hồi .

Trong 6 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu của Hàn Quốc chiếm khoảng 3,33% thị phần xuất khẩu toàn cầu, tỷ lệ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế đạt 78,5%, cao nhất trong 5 năm qua.(Theo Viện Thương mại Quốc tế của Hàn Quốc ngày 13/11)

+ Trong 9 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc đạt kỷ lục 430,19 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2016, chủ yếu do nhu cầu về chất bán dẫn và các sản phẩm dầu của nước này tăng cao (lần lượt đạt 53,9% và 32,7%).

Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hằng quý của Hàn Quốc (lĩnh vực chiếm khoảng ½ GDP nước này) trong 3 quý đầu năm 2017 lần lượt đạt 14,7%, 16,7% và 24%. (Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc ngày 15/11)

Hoa Kỳ

Trong tháng 10/2017, doanh số bán lẻ của Hoa Kỳ tăng 0,2% so với tháng 9/2017, thấp hơn mức tăng 1,9% của tháng 9 so với tháng 8, do hoạt động mua bán xe có động cơ và các hàng hóa khác tăng, bù đắp cho sự sụt giảm nhu cầu vật liệu xây dựng, cho thấy chi tiêu tiêu dùng tại Hoa Kỳ tăng khá mạnh. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 15/11)

Trong tháng 10/2017, sản lượng công nghiệp của Hoa Kỳ tăng 0,9% so với tháng 9/2017, cao hơn mức tăng 0,4% của tháng 9 so với tháng 8 và 0,5% theo dự báo của thị trường. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 4/2017, cho thấy lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Hoa Kỳ đã trở lại hoạt động bình thường sau các cơn bão hồi tháng 8 và tháng 9/2017 tại nước này. (Theo Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ ngày 16/11)

Trung Quốc

Trong tháng 10/2011:

- Doanh số bán lẻ của Trung Quốc tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn so với mức tăng 10,3% của tháng 9/2017. Lũy kế 10 tháng đầu năm, doanh số bán lẻ của Trung Quốc tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2016 lên 29,74 nghìn tỷ NDT (4,48 nghìn tỷ USD). Doanh số bán lẻ tăng mạnh đang hỗ trợ đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc (tăng 6,9% trong 3 quý đầu năm 2017).

- Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2016. Lũy kế 10 tháng đầu năm, sản lượng công nghiệp tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2016, bằng mức tăng của 9 tháng đầu năm. Theo NBS, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc được duy trì ổn định và lợi nhuận của các doanh nghiệp tiếp tục được cải thiện.

- Đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm 2017 tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mức tăng 8,1% của 9 tháng đầu năm; trong khi doanh thu trong lĩnh vực này tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn so với mức tăng 10,3% của 9 tháng đầu năm, trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc tăng cường kiểm soát đầu cơ bất động sản sau khi giá nhà đất tăng cao, làm tăng quan ngại về bong bóng bất động sản tại nước này, đặc biệt ở các thành phố lớn.

(Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc - NBS ngày 14/11)

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - PBoC đã bơm tiền mặt vào thị trường trong 4 ngày liên tiếp nhằm giảm tình trạng căng thẳng thanh khoản trong thời gian cuối năm. Ngày 16/11, PBoC trong đã thực hiện các hợp đồng repo (mua cổ phiếu có kỳ hạn) trị giá 330 tỷ NDT (50 tỷ USD), trong đó có 310 tỷ NDT tiền mặt được bơm vào thị trường, sau khi bơm ròng 150 tỷ NDT (ngày 13/11), 140 tỷ NDT (ngày 14/11) và 220 tỷ NDT (ngày 15/11). Tổng cộng trong 4 ngày (13 - 16/11), PBoC đã bơm ròng 820 tỷ NDT vào thị trường.

Theo giới phân tích, PBoC ngày càng dựa vào hoạt động thị trường mở để quản lý tình hình thanh khoản, thay vì cắt giảm lãi suất hoặc tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Trung Quốc theo đuổi chính sách tiền tệ “thận trọng và trung tính” trong năm 2017, đồng thời áp dụng các công cụ chính sách để duy trì sự ổn định trong thanh khoản và giữ lãi suất ở mức hợp lý.

(Theo TTXVN ngày 16/11)

Trung Quốc sẽ mở cửa hơn nữa các thị trường tài chính trong nước cho các doanh nghiệp nước ngoài, theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ được phép sở hữu tối đa 51% cổ phần của công ty liên doanh, dưới dạng cổ phiếu chứng khoán, vốn và các hợp đồng kỳ hạn, thay vì mức 49% trước đây. Trong ba năm tới, các biện pháp hạn chế sẽ dần được xóa bỏ, trong đó có cả các quy định hạn chế sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng và các công ty tài chính Trung Quốc.

Theo luật hiện hành, các công ty nước ngoài không được phép sở hữu lượng cổ phần cho phép nắm quyền kiểm soát trong các công ty tạiTrung Quốc,như nhà đầu tư nước ngoài không thể sở hữu quá 1/4 số vốn của một ngân hàng Trung Quốc. Những hạn chế này đã cản trở sự phát triển của các ngân hàng nước ngoài. (Theo Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Zhu Guangyao ngày 10/11)

Ngày 15/11, Trung Quốc đã ban hành những quy định mới (như tăng cường các cơ chế nhằm đảm bảo các ngân hàng chính sách không cung cấp các khoản vay lớn hơn khả năng vốn củangân hàng; quy định về quản trị doanh nghiệp) nhằm hạn chế rủi ro tại các ngân hàng chính sách của nước này, trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc đang phải đối mặt với khoản nợ công lớn, có nguy cơ đe dọa sự ổn định của nền kinh tế.

Tính đến cuối tháng 9/2017, ba ngân hàng chính sách gồm Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Trung Quốc có tài sản cố định trị giá là 25 nghìn tỷ NDT (3,8 nghìn tỷ USD).

(Theo TTXVN ngày 15/11)

Đàm phán - Ký kết

Hiệp định TPP

Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh (11/11) cho biết, các bộ trưởng phụ trách kinh tế của các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã nhất trí với một số vấn đề quan trọng, trong đó có việc đồng ý với tên gọi mới của TPP là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Các nước đã thống nhất giữ nguyên các nội dung của TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số nghĩa vụ để đảm bảo sự cân bằng trong bối cảnh mới với chất lượng cao của Hiệp định.

CPTPP là một hiệp định toàn diện và có tiêu chuẩn cao trên cơ sở cân bằng các lợi ích của các nước thành viên, có tính đến trình độ phát triển của các nước.

ASEAN và Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc)

Theo TTXVN, ngày 12/11, ASEAN đã ký với Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Đầu tư song phương.

Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hong Kong (AHKFTA) bao gồm các nội dung về thương mại hàng hóa và các vấn đề liên quan như thuế quan, quy định về nguồn gốc xuất xứ, biện pháp phi thuế quan, thủ tục hải quan và tạo điều kiện thương mại, biện pháp thương mại, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại và các biện pháp vệ sinh an toàn.

Bên cạnh đó, AHKFTA còn có một chương về Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật (ECOTECH) được thực hiện thông qua Chương trình làm việc ECOTECH.

Hiệp định Đầu tư ASEAN - Hong Kong (AHKIA) bao gồm các quy định về thương mại dịch vụ, đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp, các vấn đề liên ngành và thể chế, hợp tác kinh tế và kỹ thuật và các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm.

Các hiệp định trên được ký kết sau hơn 3 năm đàm phán và dự kiến có hiệu lực sớm nhất từ ngày 01/01/2018, nhằm giúp ASEAN và Hong Kong tiếp cận tốt hơn thị trường của nhau, tạo cơ hội kinh doanh mới cũng như tăng cường dòng thương mại và đầu tư.

Trong năm 2016, ASEAN là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ hai của Hong Kong; trong khi Hong Kong là đối tác thương mại lớn thứ 6 của ASEAN, với tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa song phương đạt 107 tỷ USD, chiếm hơn 4% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN. Tổng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hong Kong vào ASEAN năm 2016 đạt 9,6 tỷ USD, chiếm 9,9% tổng FDI vào ASEAN.

Hàn Quốc và Canada

Ngày 16/11, Hàn Quốc và Canada đã ký kết thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương nhằm mở rộng trao đổi tài chính giữa hai nước, thỏa thuận này cho phép cung cấp thanh khoản bằng đồng tiền của mỗi nước để hỗ trợ sự ổn định tài chính trong nước nếu điều kiện thị trường được đảm bảo.

Ngân hàng Trung ương Canada sẽ cung cấp đồng CAD cho Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc và thanh khoản bằng đồng KRW cho các thể chế tài chính ở Canada nếu cần. Tương tự, Ngân hàng Hàn Quốc có thể cung cấp đồng KRW cho đối tác Canada, cũng như cung cấp thanh khoản bằng CAD cho các thể chế tài chính ở Hàn Quốc.

Hàn Quốc đang triển khai các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Trung Quốc, Malaysia, Australia, Indonesia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) với tổng giá trị lên tới 122,2 tỷ USD, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD. (Theo TTXVN ngày 16/11)

Chính sách

- Trung Quốc: Bộ Tài chính Trung Quốc (16/11) quyết định tiếp tục duy trì chính sách miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng đối với nhập khẩu công nghệ chủ chốt nhằm tạo điều kiện thuận lợi để triển khai chiến lược thúc đẩy ngành chế tạo tại nước này. Theo đó, các nhà nhập khẩu Trung Quốc sẽ tiết kiệm được khoảng 2,3 tỷ NDT (gần 350 triệu USD).

Hoạt động nhập khẩu vật liệu và các linh kiện cốt lõi của thiết bị công nghệ chủ chốt tại Trung Quốc được hưởng chính sách trên từ năm 2009. Tính đến nay, các nhà nhập khẩu đã được miễn khoảng 32 tỷ NDT tiền thuế.

- Indonesia: Ngân hàng Trung ương Indonesia (16/11) quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 4,25%, phù hợp với kỳ vọng của thị trường do chính sách tiền tệ hiện nay đủ để giúp nước này kiểm soát lạm phát, duy trì trạng thái thâm hụt tài khoản vãng lai dưới mức mục tiêu (2% GDP), hỗ trợ đà tăng trưởng kinh tế.