Kinh tế - tài chính thế giới tuần từ 04-09/9/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Châu Âu

Eurozone: Trong tháng 7/2017, doanh số bán lẻ của Eurozone giảm 0,3%, trái ngược với mức tăng 0,6% của tháng 6/2017 và cao hơn mức giảm 0,2% theo dự báo của thị trường.

Đây cũng là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 3/2016, do doanh số bán ô tô giảm 0,9%; thực phẩm, đồ uống và thuốc lá giảm 0,5%. (Theo Văn phòng Thống kê châu Âu - Eurostat ngày 05/9)

Anh: Trong tháng 8/2017, doanh số bán lẻ tại Anh tăng 1,3%, trong khi tháng 8/2016 lại giảm 0,9%,trong bối cảnh người tiêu dùng tăng mua sắm những mặt hàng phi thực phẩm như đồ gia dụng, quần áo mùa thu và quần áo đồng phục học sinh cho năm học mới, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. (Theo Hiệp hội Bán lẻ Anh - BRC ngày 05/9)

Châu Á

Hàn Quốc:

- Trong tháng 7/2017:

+ Thặng dư tài khoản vãng lai của Hàn Quốc đạt 7,26 tỷ USD, thấp hơn so với mức thặng dư 8,41 tỷ USD của cùng kỳ năm 2016 do thâm hụt trong lĩnh vực dịch vụ gia tăng. Tuy nhiên, đây là tháng thứ 65 liên tiếp Hàn Quốc đạt thặng dư tài khoản vãng lai (chỉ số quan trọng nhất để đánh giá hoạt động thương mại quốc tế).

+ Thặng dư thương mại của Hàn Quốc đạt 10,71 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2016 lên 47,21 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu tăng 15,2% lên 36,5 tỷ USD.

- Tính đến cuối tháng 8/2017, dự trữ ngoại tệ của Hàn Quốc tăng lên mức cao kỷ lục 384,84 tỷ USD, tăng 1,08 tỷ USD so với cuối tháng 7/2017, do sự tăng giá của các loại tiền không phải là đồng USD. Trong khi đó, dự trữ vàng của Hàn Quốc giữ nguyên ở mức 4,79 tỷ USD.

(Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc - BoK ngày 05/9

Hoa Kỳ

Trong tháng 7/2017, thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ là 43,7 tỷ USD, cao hơn so với mức thâm hụt 43,5 tỷ USD của tháng 6/2017, song thấp hơn mức dự báo thâm hụt 44,6 tỷ USD của thị trường.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu giảm 0,3% so với tháng 6/2017 xuống 194,4 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu giảm 0,2% xuống 238,1 tỷ USD. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 06/9)

Trong tháng 8/2017:

- Nền kinh tế Hoa Kỳ tạo thêm được 156 nghìn việc làm mới, thấp hơn so với 399 nghìn việc làm mới trong tháng 6 và tháng 7/2017 và thấp hơn 180 nghìn việc làm mới theo dự báo của các chuyên gia kinh tế.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng việc làm này vẫn cao hơn so với mức 75 - 100 nghìn việc làm mà các nhà kinh tế và Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ - FED cho là đủ để hấp thụ lực lượng lao động mới gia nhập thị trường.

Điều này có thể hỗ trợ FED lên kế hoạch thu hẹp danh mục đầu tư trái phiếu kho bạc và chứng khoán cầm cố trị giá 4,2 nghìn tỷ USD trong cuộc họp chính sách ngày 19 - 20/9.

- Thu nhập bình quân theo giờ tại Hoa Kỳ tăng 3 cent, tương đương tăng 0,1%, thấp hơn mức tăng 0,3% của tháng 7, qua đó giữ tốc độ tăng lương hằng năm ở mức 2,5% (tháng thứ 5 liên tiếp). Tiền lương tăng trưởng thấp có thể khiến FED thận trọng hơn với lộ trình tăng lãi suất trong năm 2017.

(Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 01/9)

Trung Quốc

Trong tháng 8/2017, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc đạt 52,4 điểm, cao hơn 51,9 điểm của tháng 7/2017 và là mức cao nhất trong 6 tháng qua. Trong đó, PMI lĩnh vực dịch vụ đạt 52,7 điểm, cao hơn mức 51,5 điểm của tháng 7 và là mức cao nhất trong 3 tháng qua; PMI lĩnh vực sản xuất đạt 51,6 điểm, mức cao nhất trong 6 tháng.

Theo các chuyên gia kinh tế, sự phục hồi trong cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ cho thấy triển vọng kinh tế Trung Quốc tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới. (Theo Công ty Caixin ngày 04/9)

Trong tháng 8/2017, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tăng 10,08 tỷ USD lên 3.092 tỷ USD, đánh dấu 7 tháng tăng liên tiếp lần đầu tiên kể từ tháng 6/2014, nhờ sự phục hồi của đồng CNY và áp lực “chảy máu vốn” giảm dần.

Ngoài ra, Cục Quản lý Ngoại hối Quốc gia Trung Quốc cho rằng, sự tăng trưởng của các dòng vốn xuyên biên giới ổn định, sự cân bằng cung cầu trên thị trường ngoại hối và sự tăng giá tài sản trên thị trường tài chính toàn cầu cũng là những tác nhân tố tác động tích cực đến dự trữ ngoại hối của nước này. (Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - PBoC ngày 07/9)

Trong tháng 8/2017, thặng dự thương mại của Trung Quốc đạt 41,99 tỷ USD, thấp hơn so với mức thặng dư 50,23 tỷ USD của cùng kỳ năm 2016 và là mức thặng dư thấp nhất kể từ tháng 5/2017.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2016 lên 199,22 tỷ USD, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 02/2017 do nhu cầu tiêu dùng của các thị trường trên thế giới giảm; kim ngạch nhập khẩu tăng 13,3% lên 157,23 tỷ USD. (Theo Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 08/9)

Nhật Bản

Trong quý II/2017, nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 2,9% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn so với ước tính tăng 4% được đưa ra trước đó. Trong đó, chi tiêu vốn tăng 0,5%, thấp hơn so với mức tăng 2,4% được đưa ra trước đó.

Chuyên gia kinh tế Hidenobu Tokuda của Viện nghiên cứu Mizuho cho biết, mặc dù chi tiêu vốn có mức tăng giảm, nhưng nhìn chung nềnkinh tế Nhật Bảnvẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhờ chi tiêu tiêu dùng và đầu tư công tiếp tục đà phục hồi trong quý III/2017.

(Theo kết quả khảo sát của Reuters ngày 07/9)

Trong tháng 7/2017, thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản đạt 2,32 nghìn tỷ JPY (21,4 tỷ USD), là tháng thứ 37 liên tiếp Nhật Bản đạt thặng dư tài khoản vãng lai.

Trong đó, thặng dư thương mại đạt 566,6 tỷ JPY, thặng dư du lịch đạt 156 tỷ JPY, trong khi đó dịch vụ thâm hụt 237,3 tỷ JYP… (Theo Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 08/9)

Canada

Trong tháng 7/2017, thâm hụt thương mại của Canada là 3 tỷ CAD, thấp hơn mức thâm hụt 3,8 tỷ CAD của tháng 6/2017 và 3,1 tỷ CAD theo dự báo của thị trường.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu giảm 4,9% so với tháng 6/2017 xuống 44,1 tỷ CAD; kim ngạch nhập khẩu giảm 6% xuống 47,1 tỷ CAD. Kim ngạch xuất - nhập khẩu của Canada giảm do ảnh hưởng của việc giảm giá trên diện rộng, trong bối cảnh đồng CAD tăng giá mạnh so với đồng USD. (Theo Văn phòng Thống kê Canada ngày 06/9)

Úc

Trong quý II/2017, GDP của Úc tăng trưởng 0,8% so với quý trước đó và 1,8% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn so với các mức tương ứng là 0,9% và 1,9% (dự báo của các nhà kinh tế).

Tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình là 4,6% trong khi chi tiêu hộ gia đình tăng 0,7% so với quý trước. Tuy nhiên, đây là quý thứ 26 liên tiếp kinh tế Úc duy trì đà tăng trưởng.

Ngân hàng Dự trữ Úc đã giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục 1,5% trong 13 tháng qua để thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ việc dựa vào ngành khai khoáng sang dựa vào dịch vụ và sản xuất để thúc đẩy tăng trưởng.

(Theo Ngân hàng Dự trữ Úc ngày 06/9)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần qua giảm điểm do những lo ngại về căng thẳng địa chính trị.

Tính chung cả tuần (04/9 - 08/9/2017), chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt 0,86%; 0,61% và 1,17% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (01/9/2017).Trong ngày giao dịch ngày 08/9/2017, so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Nasdaq giảm 37,68 điểm (-0,59%) xuống 6.360,19 điểm.

+ S&P 500 giảm 3,67 điểm (-0,15%) xuống 2.461,43 điểm.

+ Dow Jones tăng 13,01 điểm (0,06%) lên 21.797,79 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 2,23 điểm (1,4%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (08/9/2017), so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Kospi (Hàn Quốc) tăng 20,65 điểm (0,88%) lên 2.337,24 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 145,55 điểm (0,53%) lên 27.668,47 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) tăng 27,58 điểm (0,49%) lên 5.717,97 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 121,7 điểm (-0,63%) xuống 19.274,82 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 0,25 điểm (-0,01%) xuống 3.365,24 điểm.

Dầu mỏ

Đến cuối năm 2017, giá dầu mỏ thế giới sẽ được giao dịch trong khoảng 50 - 55 USD/thùng và thị trường năng lượng sẽ tái cân bằng, chấm dứt tình trạng dư cung trong nhiều năm qua, do nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ tăng vào quý IV/2017 nên dự trữ dầu thô sẽ giảm nhanh.(Theo dự báo của Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait Essam al-Marzouk ngày 05/9)

Tuần từ 04/9 - 08/9/2017, giá dầu WTI và Brent tăng lần lượt là 0,4% và 2,79%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (08/9/2017), giá dầu kỳ hạn giao tháng 10/2017:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 1,61 USD (-3,39%) xuống 47,48 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe giảm 0,71 USD (-1,32%) xuống 53,78 USD/thùng.

 

Chính sách

Ngân hàng Trung ương Canada - BoC quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm phần trăm lên 1%, trái ngược với dự báo của thị trường về việc ngân hàng này sẽ giữ nguyên lãi suất.

Đây là lần tăng lãi suất thứ hai liên tiếp trong năm nay (sau lần tăng đầu tiên trong 7 năm vào tháng 7/2017). BoC cho biết, các số liệu kinh tế gần đây cao hơn dự kiến đã củng cố nhận định của ngân hàng này về việc kinh tế Canada ngày càng tăng trưởng sâu rộng và bền vững.

Bên cạnh đó, tăng lương và việc làm ổn định đã thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng, trong khi các lĩnh vực đầu tư và kinh doanh chủ chốt cũng có nhiều dấu hiệu được cải thiện. (Theo BoC ngày 06/9)

Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB quyết định giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn ở mức 0%, lãi suất cho vay là 0,25% và lãi suất tiền gửi là -0,4%.

Ngoài ra, ECB vẫn tiếp tục duy trì kế hoạch mua 60 tỷ EUR (72 tỷ USD)/tháng trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp tới tháng 12/2017 theo chương trình nới lỏng định lượng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát lõi của khu vực vẫn được giữ ở mức 1,2%, cao hơn so với những năm qua. (Theo ECB ngày 07/9)