Kinh tế - tài chính thế giới tuần từ 13-18/3/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Dầu mỏ

Số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động tại Hoa Kỳ trong tuần (6 - 10/3) tăng 8 giàn lên 617 giàn, đây là tuần tăng thứ 8 liên tiếp và là mức cao nhất kể từ tháng 9/2015, làm tăng mối lo ngại về tình trạng dư cung dầu mỏ trên toàn cầu. (Theo Công ty Dịch vụ dầu khí Baker Hughes, Hoa Kỳ ngày 10/3)

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OPEC)ngày 14/3dự báo, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu trong năm 2017 tăng 1,26 triệu thùng/ngày lên 96,3 triệu thùng/ngày, cao hơn 70 nghìn thùng/ngày so với dự báo hồi tháng 02/2017. Nhu cầu dầu mỏ gia tăng chủ yếu tại Ấn Độ, Trung Quốc và các nước thành viên của OECD. Trong tháng 02/2017, tổng sản lượng dầu mỏ của 13 nước thành viên OPEC đạt 31,95 triệu thùng/ngày, giảm hơn 1 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm 2016 (33 triệu thùng/ngày).

Nguồn cung dầu mỏ toàn cầu trong tháng 02/2017 tăng 260 nghìn thùng/ngày lên 96,52 triệu thùng/ngày. Trong đó, sản lượng của các nước OPEC tăng 170 nghìn thùng/ngày lên 32 triệu thùng/ngày; các nước ngoài OPEC tăng 90 nghìn thùng/ngày lên 57,8 triệu thùng/ngày, chủ yếu do các nhà sản xuất ở Hoa Kỳ tăng sản lượng khai thác. (Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế- IEA ngày 15/3)

Tuần từ 13/3 - 17/3/2017, giá dầu WTI và Brent tăng tương ứng 0,6% và 2,23% do đồng USD giảm và từ OPEC và Nga tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu thô. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (17/3/2017), giá dầu kỳ hạn giao tháng 4/2017:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 0,03 USD (0,06%) lên 48,78 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 0,02 USD (0,04%) lên 51,76 USD/thùng.

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Hầu hết các chỉ số chứng khoán chính đã lấy lại đà tăng điểm nhẹ trong tuần qua do Fed tăng lãi suất. Tính chung cả tuần (13/3 - 17/3/2017), chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 0,06%; 0,14% và 0,67% so với chốt phiên giao dịch cuối của tuần trước (10/3/2017).Trong ngày giao dịch cuối tuần (17/3/2017) so với phiên giao dịch ngày 16/3/2017, các chỉ số:

+ Dow Jones giảm 19,93 điểm (-0,1%) xuống 20.914,62 điểm.

+ S&P 500 giảm 3,13 điểm (-0,13%) xuống 2.378,25 điểm.

+ Nasdaq Composite tăng 0,24 điểm (0,01%) lên 5.901 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Thị trường chứng khoán châu Á có sự tăng, giảm trái chiều trong tuần qua. Sau khi có chuỗi tuần tăng tốt, chứng khoán Nhật Bản có biến động nhẹ trong tuần với chỉ số Nikkei 225 giảm 0,42%, trong khi chỉ số Hang Seng tăng 3,15% và chỉ số Shanghai Composite tăng 0,76%. Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 3,96 điểm (2,72%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (17/3/2017) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

Các thị trường chính:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 68,55 điểm (-0,35%) xuống 19.521,59 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 31,62 điểm (-0,97%) xuống 3.237,31 điểm.

+ Kospi (Hàn Quốc) giảm 11,6 điểm (-0,54%) xuống 2.124,3 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) giảm 21,15 điểm (- 0,36%) xuống 5.786,16 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 21,65 điểm (0,09%) lên 24.309,93 điểm.

Châu Âu

Eurozone

Trong quý IV/2016, số người lao động có việc làm tạiEurozone đạt 153,9 triệu người - mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, tăng 0,3% so với quý III/2016 và tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2015. Xét chung cả Liên minh châu Âu (EU) gồm 28 quốc gia thành viên, số lượng người có việc làm trong quý IV/2016 đạt mức cao kỷ lục là 232,9 triệu người. (Theo Cơ quan Thống kê châu Âu - Eurostat ngày 15/3)

Anh

- Trong tháng 01/2017, thâm hụt thương mại của Anh là 1,97 tỷ GBP, thấp hơn so với mức thâm hụt 2,03 tỷ GBP của tháng 12/2016. Trong đó so với tháng 12/2016, kim ngạch xuất khẩu tăng 0,8% lên mức cao kỷ lục 49,4 tỷ GBP; kim ngạch nhập khẩu tăng 0,6% lên mức cao kỷ lục 51,37 tỷ GBP. (Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh - ONS ngày 10/3)

- Thượng viện Anh ngày 13/3 đã thông qua Dự luật cho phép Thủ tướng Anh Theresa May khởi động các vòng đàm phán để Anh rời khỏi Liên minh châu Âu - EU (Brexit). Theo đó, Thủ tướng Theresa May có thể kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon để bắt đầu tiến trình đàm phán Brexit (dự kiến kéo dài trong 2 năm). Theo quy định tại Điều 50 thì mọi thành viên đều có thể tự mình quyết định rời khỏi EU theo trình tự được quy định và quyết định thời điểm ra tuyên bố chính thức. (Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 14/3)

- Tỷ lệ thất nghiệp của Anh tính từ tháng 11/2016 đến tháng 01/2017 là 4,7% - mức thấp kỷ lục kể từ năm 1975. Trong khi đó, thu nhập tính theo tuần (bao gồm cả tiền thưởng) của người lao động Anh tăng 2,2%, mức tăng lương thực sau khi trừ tỷ lệ lạm phát là 0,7% - mức thấp nhất trong 2 năm qua. (Theo ONS ngày 15/3)

Italy

Trong tháng 01/2017, sản lượng công nghiệp của Italy giảm 2,3% so với tháng 12/2016, giảm mạnh hơn mức dự báo giảm 0,8%, làm gia tăng những quan ngại về sự phục hồi của nền kinh tế nước này. (Theo Văn phòng Thống kê Italy ngày 13/3)

Châu Á

Thái Lan

- Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Thái Lannên nâng cao năng lực thể chế của khu vực công để thực hiện cải cách, tạo thêm nhiều việc làm chất lượng hơn và hỗ trợ hàng triệu người thuộc nhóm 40% những người có thu nhập thấp của nước này, nhằm đạt được tăng trưởng kinh tế và mang lại lợi ích cho các tầng lớp trong xã hội. Trong giai đoạn 1986 - 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao đã góp phần làm giảm tỷ lệ nghèo ở Thái Lan từ 67% xuống còn 10,5% tổng dân số. Tuy nhiên, những bất ổn chính trị trong một thập kỷ qua đã đe dọa những thành công trong việc giảm tỷ lệ nghèo ở Thái Lan. (Theo Văn phòng Đông Nam Á của WB tại Thái Lan ngày 13/3)

- Vốn vay sẽ là hình thức huy động tài chính lớn nhất, chiếm 60% tổng vốn đầu tư của 20 dự án trị giá 1.700 tỷ THB mà Chính phủ Thái Lan đã thông qua vào cuối năm 2016. Phần còn lại sẽ được huy động từ các hình thức khác như: 20% từ hợp tác công tư (PPP), 10% từ ngân sách chi tiêu chính phủ, 2% từ chương trình quỹ tương lai Thái Lan (TFF) thông qua hình thức phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và 8% từ các doanh nghiệp nhà nước. (Theo Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Apisak Tantivorawong ngày 14/3)

Hàn Quốc

Trong tháng 02/2017:

- Số lao động thất nghiệp tại Hàn Quốc là 1,35 triệu người - mức cao nhất trong các tháng 2 kể từ năm 1999 và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 5% - mức cao nhất trong 7 năm qua.

- Số lao động có việc làm ở Hàn Quốc đạt 25,78 triệu người, tăng 371 nghìn người so với cùng kỳ năm 2016, trong đó, số lượng việc làm tăng trong các ngành công nghiệp dịch vụ và xây dựng, nhưng lại giảm (88 nghìn việc làm) trong lĩnh vực sản xuất, do Hàn Quốc đang tái cơ cấu các tập đoàn vận tải biển và đóng tàu.

(Theo Cục Thống kê Hàn Quốc ngày 15/3)

Singapore

- Trong năm 2017:

+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế Singapore dự báo đạt khoảng 2,3%, cao hơn mức tăng 1,5% (dự báo hồi tháng 12/2016). Trong đó, lĩnh vực sản xuất tăng 4,5%, cao hơn so với dự báo tăng 1,1%; lĩnh vực tài chính và bảo hiểm tăng 2%, cao hơn mức dự báo tăng 1,8%; lĩnh vực bán buôn và bán lẻ tăng 1,1%, cao hơn mức dự báo tăng 1%; lĩnh vực xây dựng tăng 0,3%, thấp hơn mức dự báo tăng 2,4%; lĩnh vực dịch vụ ăn uống và thực phẩm tăng 1,3%, thấp hơn mức dự báo tăng 1,7%.

+ Lạm phát duy trì ở mức 1%.

+ Tỷ lệ thất nghiệp tính đến cuối năm 2017 ở mức 2,4%, không thay đổi so với dự báo hồi tháng 12/2016.

(Theo Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore - MAS ngày 15/3)

- Trong năm 2016, Singapore có hơn 19 nghìn công nhân bị mất việc, tăng 23% so với năm 2015;tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 3% do tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại trong những năm qua.

(Theo Bộ Nhân lực Singapore ngày 16/3)

Hoa Kỳ

Trong tháng 02/2017:

- Nền kinh tế Hoa Kỳ tạo ra 235 nghìn việc làm mới, cao hơn 190 nghìn việc làm mới được dự báo trước dód. Số việc làm trong các lĩnh vực chế tạo, khai mỏ và xây dựng đều tăng, trong đó lĩnh vực xây dựng tăng 58 nghìn việc làm - mức tăng mạnh nhất trong gần 10 năm trở lại đây.

- Tỷ lệ thất nghiệp tại Hoa Kỳ giảm xuống 4,7% (tương đương 7,5 triệu người), thấp hơn so với mức 4,8% của tháng 01/2017.

(Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 10/3)

Từ ngày 15/3, Bộ Tài chính Hoa Kỳ bắt đầu thực hiện các biện pháp khẩn cấp để giữ nợ công không vượt quá mức trần gần 20 nghìn tỷ USD, như: Dừng phát hành trái phiếu chính quyền bang và địa phương cho đến khi trần nợ công được nâng lên hoặc được xóa bỏ; ngoài ra có thể áp dụng biện pháp tạm dừng các kế hoạch đầu tư vào quỹ lương hưu liên bang. (Theo TTXVN ngày 10/3)

Nếu Dự thảo Luật Chăm sóc sức khỏe Hoa Kỳ - AHCA (dự luật mới để thay thế chương trình chăm sóc sức khỏe Obamacare) được thông qua, sẽ có khoảng 14 triệu người dân Hoa Kỳ mất bảo hiểm y tế trong năm 2018 và sẽ tăng lên 52 triệu người vào năm 2026, do chi phí bảo hiểm y tế trung bình tăng lên 15 - 20% vào năm 2018 và 20 - 25% vào năm 2026. (Văn phòng Ngân sách Quốc hội Hoa Kỳ - CBO ngày 13/3)

Trung Quốc

Trong 2 tháng đầu năm 2017, sản lượng công nghiệp tại Trung Quốc tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn mức tăng 0,6% của tháng 12/2016 và dự báo tăng 6,2%; đầu tư tài sản cố định tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn mức dự báo tăng 8,2%; doanh số bán lẻ tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mức tăng 10,9% của tháng 12/2016 và dự báo tăng 10,5%, do doanh số bán ô tô sụt giảm. (Theo Reuters ngày 14/3)

Trong tháng 02/2017:

- Vốn FDI vào Trung Quốc đạt 58,6 tỷ NDT (850 triệu USD), tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng số vốnFDI trong 2 tháng đầu năm 2017 là 139 tỷ NDT, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2016. Vốn FDI tập trung vào lĩnh vực dịch vụ và chế tạo, đặc biệt dịch vụ tiện ích, tăng 184%.

- Có 1.850 doanh nghiệp mới có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập tại Trung Quốc, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm 2016.

(Theo Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 16/3)

Chi nhánh và liên doanh các tổ chức cho vay nước ngoài tại Trung Quốc có thể phối hợp với trụ sở chính của nó tại nước ngoài để cung cấp các dịch vụ tài chính giúp khách hàng phát hành trái phiếu, quản lý IPO ở nước ngoài; có thể đầu tư vào một số tổ chức tài chính trong nước. Tuy nhiên, tất cả các ngân hàng liên doanh, ngân hàng nước ngoàitham gia vào dịch vụ bảo lãnh, lưu ký và tư vấn kho bạc đều phải báo cáo về việc hoạt động kinh doanh đó trong vòng 5 ngày kể từ khi bắt đầu hoạt động kinh doanh với Ủy ban Điều tiết ngân hàng Trung Quốc (CBRC). (Theo CBRC ngày 17/3)

Nhật Bản

Trong tháng 01/2016, lượng đơn đặt hàng máy móc cơ bản (không bao gồm những đơn đặt hàng vận tải và thiết bị điện tử) của Nhật Bản giảm 3,2% so với tháng 12/2016 và giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2016 - mức giảm theo năm mạnh nhất trong 8 tháng. (Theo Văn phòng Nội các Nhật bản ngày 13/3)

Canada

Mặc dù giá dầu thô đang trong xu hướng tăng nhưng ngành công nghiệp dầu mỏ của Canada dự báo sẽ bị thua lỗ khoảng 1,1 tỷ CAD trước thuế (tương đương 816,36 triệu USD) trong năm 2017, thấp hơn mức lỗ 8,6 tỷ CAD trong năm 2016.CBoC dự báo, giá dầu thô sẽ duy trì ở mức 55 USD/thùng trong năm 2017 và đạt 71 USD/thùng vào năm 2021.(Theo Ủy ban Tư vấn Canada - CBoC ngày 13/3)

Đàm phán - Ký kết

TPP

Ngày 14/3, Hội nghị cấp cao các nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có chủ đề “Đối thoại cấp cao về đề xuất hội nhập châu Á - Thái Bình Dương” đã khai mạc tại Chile nhằm nỗ lực đưa ra giải pháp và hướng đi tiếp theo sau khi chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này. Ngoại trưởng Chile Heraldo Munoz cho biết, đây là cơ hội để phát đi thông điệp mạnh mẽ về thương mại tự do và đối phó với chủ nghĩa bảo hộ nền công nghiệp trong nước. (Theo TTXVN ngày 15/3)

Trung Quốc và Philippines

Trung Quốc và Philippines đã ký thỏa thuận thương mại trị giá 1,7 tỷ USD, theo đó các công ty Trung Quốc cam kết mua hoa quả và các sản phẩm nông nghiệp khác của Philippines, nhằm cân bằng thương mại giữa hai nước. (TTXVN ngày 15/3)

Trung Quốc và Saudi Arabia

Trung Quốc và Saudi Arabia đã ký kết 14 thỏa thuận hợp tác đầu tư và sản xuất có tổng trị giá 65 tỷ USD với 35 dự án hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng, không gian. (Theo TTXVN ngày 16/3)

Chính sách

- Hoa Kỳ: Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ - FED (15/3) quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm lên 0,75 - 1%, lần tăng thứ 2 trong 3 tháng qua do: Tăng trưởng kinh tế ổn định; thị trường việc làm phát triển mạnh và tỷ lệ lạm phát đang tiệm cận mục tiêu 2%. Quyết định trên thể hiện nỗ lực lớn của FED nhằm đưa chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ trở lại mức cân bằng hơn sau gần một thập kỷ nới lỏng nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau khủng hoảng tài chính năm 2007 - 2008.

FED dự báo kinh tế Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng 2,1% và tỷ lệ lạm phát tăng lên 1,9% trong năm 2017, đồng thời dự kiến tiếp tục tăng lãi suất thêm 2 lần trong năm 2017 và 3 lần trong năm 2018.

- Nhật Bản: Ngân hàng Trung ương Nhật Bản - BoJ (16/3) quyết định tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ để đạt mục tiêu lạm phát 2%, đồng thời giữ nguyên lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức 0%, tỷ lệ lãi suất -0,1% đối với một số khoản tiền gửi của các ngân hàng thương mại.

- Anh: Ngân hàng Trung ương Anh - BoE (16/3) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục 0,25% và duy trì chính sách nới lỏng định lượng, theo đó tiếp tục bơm vào nền kinh tế 435 tỷ bảng thông qua việc mua trái phiếu chính phủ, để hỗ trợ nền kinh tế sau sự kiện Brexit, trong bối cảnh tốc độ tăng lương của Anh chậm lại và lạm phát tăng lên gây ra những tác động bất lợi tới chi tiêu tiêu dùng.

Nhận định
chuyên gia

Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF (14/3):

Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn sẽ tăng lên do triển vọng tăng trưởng tại các nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản và châu Âu được cải thiện đáng kể, trong khi các nền kinh tế mới nổi vẫn là động lực chính giúp thúc đẩy và củng cố triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, đà tăng trưởng này có thể bị đe dọa bởi chính sách hướng nội tại một số quốc gia và điều kiện tài chính toàn cầu ngày càng thắt chặt. Do đó, IMF kêu gọi các nước thành viên thuộc Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) duy trì khung thương mại đa phương cởi mở, hoàn tất các cải cách tài chính và củng cố cấu trúc tài chính quốc tế.