Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 18-23/9/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Sản xuất công nghiệp

Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) đã công bố Dự thảo Báo cáo quy hoạch phát triển năng lượng Quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, theo đó định hướng đến 2035, tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng của Việt Nam sẽ tăng gấp gần 2,5 lần so với năm 2015.

Vào năm 2035, mức tiêu thụ năng lượng trong giao thông vận tải (chiếm tỷ trọng 27,5%) được dự báo sẽ tăng nhanh nhất (5,7%/năm), lĩnh vực công nghiệp (chiếm tỷ trọng 45,3%) có tốc độ tăng 5%/năm.

Dự kiến, tỷ trọng của năng lượng nhập khẩu trên tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp sẽ tăng lên 37,5% (năm 2025) và 58,5% (năm 2035). (Theo Bộ Công Thương ngày 20/9)

Kết quả khảo sát các giám đốc mua hàng (CPO) của 63 thương hiệu hàng may mặc hàng đầu thế giới, với tổng lượng mua hàng trị giá 137 tỷ USD/năm do Hãng tư vấn McKinsey & Company thực hiện cho thấy, Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia hàng đầu để các CPO tìm nguồn hàng dệt may, với 35% CPO cho biết họ chọn Việt Nam là 1 trong 3 điểm mua hàng quan trọng nhất trong 5 năm tới. Bangladesh dẫn đầu danh sách này với tỷ lệ 49%, theo sau là Ethiopia (43%), Myanmar (37%), Việt Nam và Ấn Độ (22%).

Cuộc khảo sát của McKinsey cho rằng, chi phí nguyên vật liệu và hóa chất, tỷ giá hối đoái, chi phí lao động, các thay đổi trong hiệp định thương mại, chi phí tuân thủ, thay đổi sức mua, chi phí vận chuyển và chi phítài chính sẽ là những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động kinh doanh hàng may mặc.

(Theo Tạp chí Nhịp cầu đầu tư ngày 21/9)

Quỹ bình ổn - Giá xăng dầu

Tính đến 15h ngày 20/9, Quỹ bình ổn (BOG) của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) còn dư 3.087 tỷ đồng, tăng 131 tỷ đồng so với kỳ công bố ngày 05/9. Trước đó, giá xăng, dầu trong nước đã được điều chỉnh và áp dụng từ 15h ngày 20/9.

Theo đó, giá xăng RON 92 tăng 319 đồng/lít, xăng E5 tăng 297 đồng/lít, dầu diesel 0,05S tăng 491 đồng/lít, dầu hỏa tăng 568 đồng/lít và dầu mazút 3,5S tăng 388 đồng/kg.

Như vậy, xăng RON 92 sẽ có mức trần mới là 18.111 đồng/lít, xăng E5 là 17.836 đồng/lít, dầu diesel 0,05S là 14.441 đồng/lít, dầu hỏa là 13.115 đồng/lít và dầu mazút 3,5S là 11.536 đồng/kg. (Theo Petrolimex ngày 20/9)

Doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa chấp thuận cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) được tăng vốn điều lệ từ 11.196 tỷ đồng lên 12.036 tỷ đồng theo phương án đã được Đại hội đồng cổ đông SHB thông qua.

Năm 2017, SHB đặt mục tiêu cho các chỉ tiêu tài chính cơ bản là: Tổng tài sản 270.000 tỷ đồng, tăng 15%; huy động vốn đạt 217.382 tỷ đồng, tăng 20%; dư nợ cho vay đạt 191.603 tỷ đồng, tăng 18%; lợi nhuận trước thuế đạt 1.750 tỷ đồng, tăng 50%.

Bên cạnh đó, cổ tức dự kiến được ngân hàng chi trả 9%. Tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, tỷ lệ an toàn vốn trên 9%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn dưới 40%… (Theo TTXVN ngày 19/9)

Tổng cầu


Đầu tư

Các đơn vị tư vấn nghiên cứu đã khảo sát và thu thập dữ liệu liên quan đến Dự án mở tuyến đường sắt kết nối Viêng Chăn (Lào) với Vũng Áng (Hà Tĩnh - Việt Nam) tại 5 địa phương của Việt Nam và Lào thuộc diện ảnh hưởng trực tiếp của Dự án gồm: Quảng Bình và Hà Tĩnh (Việt Nam); Viêng Chăn, tỉnh Borikhamxay, Khammuanae (Lào) và đưa ra 2 phương án hướng tuyến.

Phương án 1: Tuyến có chiều dài 554,72 km nối Viêng Chăn - Vũng Áng (tại Việt Nam dài 102,74km), với nhu cầu vốn khoảng 7,944 tỷ USD; phương án 2: Chiều dài 241,9km, từ khu vực Thà Khẹt (Lào) - Vũng Áng (tại Việt Nam 102,74 km) cần 4,041 tỷ USD.

Tuy nhiên, phương án 2 được đơn vị nghiên cứu đánh giá có tính khả thi hơn trên cơ sở phân tích về kinh tế, nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách đến năm 2045. (Theo Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc - KOICA ngày 21/9)

Ngân hàng Thế giới (WB) đã cam kết chi trả cho các nỗ lực giảm phát thải của Việt Nam sau khi thẩm định kết quả đạt 10,3 triệu tấn CO2 quy đổi, tương đương với 60 triệu USD với thời gian thực hiện từ năm 2019 đến năm 2025.

Theo đó, Việt Nam sẽ thực hiện nỗ lực này thông qua chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ gồm 6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Đây là Chương trình cấp vùng được thực hiện REDD+ (giảm phát thải khí nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng) đầu tiên ở Việt Nam với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. (Theo Báo Đầu tư ngày 22/9)

Ngân sách
nhà nước

Dự kiến từ năm 2020, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiến hành thu phí các xe ô tô vào trung tâm thành phố. Đây là đề án thu phí chống ùn tắc vào nội đô thành phố, không phải thu phí bảo trì đường bộ. Mục tiêu dự án nhằm giảm ùn tắc giao thông, không phải để kinh doanh thu tiền người dân. Thời gian thu phí sẽ được thực hiện từ 6h - 17h.

- Phương án 1: Mức phí là 40.000 đồng/lượt áp dụng cho ô tô con, taxi, xe vận chuyển khách theo hợp đồng dưới 9 chỗ.

- Phương án 2: Mức phí là 40.000 đồng/lượt áp dụng cho ô tô con và taxi, 50.000 đồng cho xe tải, xe khách, xe hợp đồng trên 9 chỗ cố định.

- Phương án 3: Mức phí là 30.000 đồng/lượt cho taxi, 40.000 đồng/lượt cho ô tô con, xe hợp đồng dưới 9 chỗ, xe khách du lịch.

(Theo Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh ngày 17/9)

Tại Việt Nam, tốc độ gia tăng dân cư thành thị (tính theo % tổng số dân cư thành thị) đã tăng từ 27% (năm 2005) lên 34% (năm 2015), trong khi con số này ở Thái Lan là 50%. Hiện tại, Việt Nam đang dẫn đầu Đông Nam Á về chi tiêu cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, chiếm 5,7% GDP.

Hai tuyến tàu điện ngầm tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là những dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm nhằm thúc đẩy sự phát triển của các khu kinh tế vệ tinh.

Ngoài ra còn có các dự án quan trọng khác đang triển khai như đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cầu Bạch Đằng, sân bay quốc tế Vân Đồn, Quốc lộ 4B... và các dự án trong giai đoạn lập kế hoạch như Hành lang kinh tế phía Đông, tuyến đường cao tốc nối thành phố Hồ Chí Minh và Phnôm Pênh, với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp ô tô, điện tử, du lịch, nông nghiệp, xây dựng và vận tải.

(Theo CBRE Việt Nam ngày 15/9)

8 tháng đầu năm 2017, Cục Thuế Hà Nội đã thành lập 59 đoàn thanh tra, với số lượng 165 người; hoàn thành thanh tra thuế các doanh nghiệp tồn năm 2016 chuyển sang đạt 96%; thanh tra đột xuất 80 doanh nghiệp và đã thanh tra theo kế hoạch tại 595 doanh nghiệp.

Kết quả, Cục Thuế Hà Nội đã hoàn thành 719 cuộc thanh tra, đạt 71% chỉ tiêu so với kế hoạch giao: Giảm thuế GTGT được khấu trừ 137,7 tỷ đồng; giảm lỗ 909,7 tỷ đồng.

Xử lý truy thu, truy hoàn, phạt 882,7 tỷ đồng (mỗi cuộc tăng thu 1,2 tỷ đồng); so với cùng kỳ năm 2016 tăng 6% về số lượng doanh nghiệp, tăng 35% về kết quả truy thu, phạt, truy hoàn.

Cục Thuế Hà Nội đã thanh tra sau hoàn thuế đối với 28 đơn vị có số thuế GTGT đã được hoàn từ 15 tỷ đồng trở lên và đã truy hoàn 48,4 tỷ đồng, phạt 1.863 triệu đồng. Thanh tra trước hoàn thuế GTGT 4 doanh nghiệp với số thuế đề nghị hoàn 33,6 tỷ đồng và sau thanh tra, giảm số thuế GTGT đề nghị được hoàn 33,6 tỷ đồng.

(Theo Cục Thuế Hà Nội ngày 19/9)

Xuất nhập khẩu

Trong giai đoạn từ tháng 1 - 8/2017, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 4 tại Việt Nam với số vốn đăng ký 1,27 tỷ USD vào 176 dự án, tăng hơn gấp 3 lần so với nửa đầu năm 2016.

Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 71,9 tỷ USD, tăng 20,1% (Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam đạt 44,2 tỷ USD; Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 27,7 tỷ USD). Mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 100 tỷ USD trong năm 2017. (Theo Hội đồng Thương mại Trung Quốc - ASEAN - CABC ngày 15/9)

Trong tháng 8/2017, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 18,44 triệu USD, giảm 58,5% so với tháng 7/2017 (44,45 triệu USD) và giảm 54,8% so với cùng kỳ năm 2016 (40,8 triệu USD). (Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP ngày 16/9)

Trong 8 tháng đầu năm 2017, lượng ô tô nguyên chiếc xuất xứ Thái Lan nhập về Việt Nam đã lên tới 23.840 chiếc, với tổng trị giá khoảng 432 triệu USD, tăng 12,8% về lượng và tăng 9,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016.

Đơn giá bình quân của xe ô tô nhập khẩu từ Thái Lan là 18.115 USD/chiếc. Thái Lan là thị trường dẫn đầu về xuất khẩu ô tô nguyên chiếc sang Việt Nam. Đứng thứ hai là Indonesia với 15.540 chiếc, trị giá hơn 277 triệu USD, gấp 8,6 lần về lượng và gấp 12,1 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2016. Thị trường lớn thứ 3 là Hàn Quốc với gần 6.000 chiếc, trị giá gần 127 triệu USD. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 15/9)

Trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi 24,12 tỷ USD để nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (tăng 33% so với cùng kỳ năm 2016), nhằm phục vụ cho sản xuất và giải ngân các dự án đầu tư.

Đáng chú ý, Hàn Quốc đã “soán ngôi” Trung Quốc, trở thành thị trường cung cấp máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng cho Việt Nam với kim ngạch đạt 7,67 tỷ USD, tăng 112,4% so với cùng kỳ năm 2016. Trong khi nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc là 7,24 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2016. (Theo Bộ Công Thương ngày 19/9)

Tính đến hết 8 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu Việt Nam - Ấn Độ đạt 4,96 tỷ USD, tăng 43,22% so với 3,46 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 2,37 tỷ USD tăng 35,10%; nhập khẩu đạt 2,59 tỷ USD, tăng 51,58% so với cùng kỳ năm 2016.

Có tổng số 23 trên 28 ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng, hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm là cao su tự nhiên và hạt tiêu. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 22/9)

Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 9/2017 (từ 01 - 15/9/2017) đạt gần 18,33 tỷ USD giảm, 11,7% (tương ứng giảm gần 2,44 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 8/2017.

Như vậy, tính đến hết ngày 15/9/2017, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt gần 289,14 tỷ USD, tăng 21,4% (tương ứng tăng hơn 50,91 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.

Cán cân thương mại hàng hóa trong kỳ 1 tháng 9/2017 thặng dư 100 triệu USD, đưa cán cân thương mại hàng hóa của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15/9/2017 còn mức thâm hụt gần 701 triệu USD, bằng 0,5% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 21/9)

Cân đối vĩ mô


Lao động

Trong 8 tháng đầu năm 2017, số lao động làm việc ở nước ngoài đã cán mốc gần 88 nghìn người, đạt 85% so với kế hoạch. Việc đưa người lao động có trình độ tay nghề cao đi làm việc ở nước ngoài được Nhà nước chú trọng, với việc Việt Nam tiến hành đàm phán và ký kết để mở rộng các thị trường tiếp nhận lao động mới, nhất là thị trường các nước châu Âu như Thụy Sỹ.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, hỗ trợ người lao động tại thị trường các nước Trung Đông - châu Phi, nhất là tại Ả-rập Xê út, Qatar, được tăng cường, bảo đảm các quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động. (Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội)

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 2 ngày tăng, 3 ngày giảm và 1 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 23/9, so với ngày 22/9, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,53 - 36,75 triệu đồng/lượng, giảm 70 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 50 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

- Bảo Tín Minh Châu: 36,61 - 36,67 triệu đồng/lượng, giảm 40 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 50 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

- Doji: 36,60 - 36,68 triệu đồng/lượng, giảm 60 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 20 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm đã tăng 7 đồng với 1 ngày giảm giá, 3 ngày tăng giá và 2 ngày giá không đổi. Trong phiên giao dịch ngày 23/9, tỷ giá trung tâm là 22.450 NVD/USD, không thay đổi so với tỷ giá ngày 22/9; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại tăng nhẹ so với ngày 22/9 như sau:

- Vietcombank: 22.700 - 22.770 VND/USD, tăng 5 đồng ở cả hai chiều.

- Vietinbank: 22.700 - 22.770 VND/USD, tăng 10 đồng ở cả hai chiều.

- BIDV: 22.695 - 22.765 VND/USD, tăng 5 đồng ở cả hai chiều.

Tín dụng

Theo số liệu được công bố tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả của các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV)”, tính đến tháng 6/2017, dư nợ tín dụng đối với các DNNVV đạt 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 22% dư nợ đối với nền kinh tế, với khoảng 200.000 khách hàng còn dư nợ tại các tổ chức tín dụng.

Có khoảng 70% DNNVV chưa tiếp cận được vốn tín dụng. Tính đến ngày 30/6/2016, cả nước có 27 Quỹ bảo lãnh tín dụng (BLTD) với tổng số vốn điều lệ thực có của các quỹ khoảng 1.462 tỷ đồng.

Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp là 1.318,4 tỷ đồng, vốn góp của các tổ chức, cá nhân theo quy định là 143,6 tỷ đồng. Lũy kế doanh số bảo lãnh của các quỹ BLTD từ năm 2002 đến 30/6/2016 đạt trên 4.161 tỷ đồng. Tổng số tiền các quỹ BLTD đã phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho DNNVV khoảng 361 tỷ đồng. (Theo Báo Đầu tư ngày 21/9)

Thị trường tài sản


Cổ phiếu

Trong tuần từ 18/9 - 22/9/2017, thị trường diễn biến trái chiều.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Chốt tuần, VN-Index tăng 3,2 điểm (0,4%) lên 807,13 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt162,61 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 3.663,73 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 4 phiên tăng và 1 phiên giảm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,77 điểm (0,72%) lên 106,52 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt64691triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 647,04 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,06 điểm (0,11%) lên 54,55 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt7,14triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 112,3 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 3.830.253 đơn vị, tuy nhiên xét về giá trị họ bán ròng 23,57 tỷ đồng; trong đó cổ phiếu mua ròng mạnh nhất là HPG với khối lượng 2,8 triệu đơn vị, trị giá 106,46 tỷ đồng; cổ phiếu được bán ròng mạnh nhất là MSN với khối lượng 1,92 triệu cổ phiếu, trị giá 103 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại tiếp tục thực hiện 3 phiên mua ròng và 2 phiên bán ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 624.220 đơn vị (tuần trước mua ròng 769.530 đơn vị), trị giá 40,5 tỷ đồng (giảm 89,5% so với tuần trước).

- HNX: Khối ngoại tiếp tục thực hiện 3 phiên bán ròng và 2 phiên mua ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 4,43 triệu đơn vị (tăng 335% so với tuần trước), tuy nhiên xét về giá trị họ bán ròng 0,97 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 51,97 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại mua ròng 5 phiên liên tiếp tổng cộng 24.473 đơn vị, trị giá 17,9 tỷ đồng, giảm 94,36% về lượng và 40,51% về giá trị so với tuần trước đó.

Đàm phán - Ký kết

5 ngân hàng và Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Ngày 21/9, năm ngân hàng (ABBank, AgriBank, TPBank, LienVietPostBank, HDBank) đã ký hợp đồng tài trợ 5.400 tỷ đồng từ nguồn vốn vay tín dụng thương mại trong nước cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Riêng ABBank cho vay 2.000 tỷ đồng, với thời hạn 15 năm (180 tháng), trong đó có 60 tháng ân hạn kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Lãi suất vay bằng lãi suất huy động tiết kiệm VND 12 tháng trả lãi sau bình quân của 5 ngân hàng cộng chi phí biên 2,7% /năm.

Dự kiến nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng sẽ được vận hành chính thức vào cuối năm 2019. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Nam Trung bộ, đồng thời góp phần nâng cao mức độ tin cậy, ổn định và vận hành kinh tế hệ thống điện quốc gia.

Chính sách

Nghị định số 104/2017/NĐ-CP

Ngày 14/9/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 104/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều.

- Phạt tiền 5.000.000 - 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Sử dụng sai mục đích, làm thất thoát tiền, hàng cứu trợ và cứu trợ không đúng đối tượng; thực hiện nhiệm vụ cứu trợ không kịp thời.

- Phạt tiền 3.000.000 - 5.000.000 đồng đối với hành vi cố ý kê khai, báo cáo sai sự thật về thiệt hại do thiên tai gây ra và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do hành vi vi phạm.

Mức phạt tiền đối với tổ chức thực hiện các hành vi vi phạm trên bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/11/2017 và thay thế Nghị định số 139/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013.

Thông tư số 88/2017/TT-BTC

Ngày 22/8/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 88/2017/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước được phê duyệt tại Quyết định số 2395/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 2395).

Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện Đề án 2395 theo nguyên tắc: Hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho các cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ đang làm việc tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ; hỗ trợ 50% kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho các cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ đang làm việc tại tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập và doanh nghiệp.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07/10/2017.

Quyết định số 3610a/QĐ-BCT

Ngày 20/9/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3610a/QĐ-BCT về phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 - 2018. Theo đó, 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh được cắt giảm.

Đây là con số được cho là lớn chưa từng có trong lịch sử ngành công Thương được các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đề nghị cắt giảm, cao hơn dự kiến ban đầu 63 điều kiện và chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện đầu tư, kinh doanh. Sau khi cắt giảm, số điều kiện còn lại chỉ còn 541 thay vì con số dự kiến ban đầu là 752 điều kiện. Quyết định có hiệu lực từ ngày 20/9/2017

Nhận định

chuyên gia

Ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng tổ chức, thuộc Công ty Chứng khoán Sài Gòn -SSI (ngày 20/9 trên Tạp chí Nhịp cầu đầu tư ):

Thị trường vốn của Việt Nam trong giai đoạn tới sẽ có nhiều động lực tăng trưởng cũng như sẽ mở ra các cơ hội đầu tư hấp dẫn.

Theo đó, ngày 08/9/2017, VN-Index chính thức vượt mốc 800 điểm, mức cao kỷ lục trong gần 10 năm qua. Đồng thời khối lượng giao dịch bình quân trong năm 2016 chưa tới 3.000 tỷ đồng/phiên thì sang năm 2017, có nhiều phiên giao dịch đạt 5.000 - 5.500 tỷ đồng/phiên.

Nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại mua ròng suốt 8 tháng qua, với tổng giá trị mua ròng hơn 1,31 tỷ USD, trong đó gần 650 triệu USD để mua cổ phiếu (thị trường Malaysia, Đài Loan chỉ ghi nhận nước ngoài mua ròng trong 7 tháng, còn ở Philippines, Hàn Quốc là 6 tháng)…