Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 4-9/12/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Sản xuất
công nghiệp

- Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2017 tăng 9,3%, cao hơn mức tăng 8,7% của 10 tháng và cao hơn nhiều so với mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2016. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực tăng trưởng với mức tăng 14,4%, đóng góp 10,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

- Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tính đến tháng 11/2017 tăng 9,3% so với mức tăng 8,8% cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, xét từng ngành thuộc nhóm cho thấy đây là mức tăng tồn kho hợp lý, phù hợp với tình hình sản xuất, tiêu thụ của ngành và là mức tồn kho theo kế hoạch.

(Theo Bộ Công Thương ngày 08/12)

Bộ Công Thương ngày 30/11 đã quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2017 với mức giá mới là 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.622,01 đồng/kWh), áp dụng từ ngày 01/12/2017.

Việc điều chỉnh giá bán điện lần được thực hiện trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất - kinh doanh điện năm 2016 đã được kiểm toán độc lập và kết quả kiểm tra của Tổ công tác liên Bộ, trong đó có xem xét đến các yếu tố tăng giảm chi phí đầu vào và các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất - kinh doanh điện năm 2016 và chi phí ước thực hiện năm 2017 theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán điện lẻ bình quân.

PMI

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã giảm từ 51,6 điểm trong tháng 10 xuống 51,4 điểm trong tháng 11, do sản lượng sản xuất bị đình trệ và số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại. Mặc dù tình trạng sức khỏe của lĩnh vực sản xuất tiếp tục cải thiện, song tốc độ cải thiện của các điều kiện kinh doanh là yếu nhất kể từ tháng 3/2016. (Theo Nikkei - IHS Markit ngày 01/12)

Quỹ bình ổn
xăng dầu

Số dư Quỹ bình ổn (BOG) của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đến trước 15h ngày 05/12 của Petrolimex là 3.188 tỷ đồng, giảm 63 tỷ đồng so với kỳ công bố gần đây nhất (ngày 20/11) là 3.251 tỷ đồng. (Theo Petrolimex ngày 05/12)

Doanh nghiệp

Trong năm 2018, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) sẽ tiến hành hơn 200 cuộc kiểm toán, tập trung vào các chủ trương, chính sách lớn như việc đẩy mạnh cơ cấu lại tổng thể các ngành, lĩnh vực kinh tế trên phạm vi cả nước và từng địa phương, doanh nghiệp với tầm nhìn dài hạn, có lộ trình cụ thể; gắn kết chặt chẽ giữa cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế với cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực…

Trong đó, KTNN sẽ tiến hành các cuộc kiểm toán ngân sách nhà nước (NSNN) tại một số bộ, địa phương; 23 cuộc kiểm toán chuyên đề; 50 cuộc kiểm toán dự án đầu tư.

Ngoài ra, 33 tổng công ty và các tổ chức tài chính ngân hàng cũng nằm trong kế hoạch kiểm toán năm 2018 với nội dung kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2017. (Theo KTNN ngày 05/12)

Ngày 04/12, công ty định giá thương hiệu Brand Finance (Anh) công bố danh sách 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2017. Đây là năm thứ 3 Brand Finance đưa ra bảng xếp hạng này.

Theo đó, tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu Việt Nam đạt 11,279 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2016. Trong đó nhóm 10 thương hiệu dẫn đầu chiếm 68% tổng giá trị của 50 thương hiệu. Ngành viễn thông dẫn đầu với 35% tổng giá trị thương hiệu, tiếp theo là thực phẩm (15%); ngân hàng (11%); bia (7%)...

So với bảng xếp hạng năm 2016, nhóm 50 có 11 thương hiệu mới gia nhập trong năm 2017, bao gồm VNPT; Điện máy Xanh; Habeco; VIB… Các thương hiệu được Brand Finance định giá dựa trên chỉ số sức mạnh thương hiệu (BSI), tỷ lệ phí bản quyền thương hiệu, dự báo doanh thu và giá trị thương hiệu.

Tập đoàn Vingroup vừa được Standard & Poor’s (S&P) nâng xếp hạng tín nhiệm từ “B”- lên “B+”, với triển vọng “ổn định”, nhờ chiến lược đa dạng hóa sản phẩm trên cả tất cả các phân khúc. Đây là mức xếp hạng cao nhất của S&P dành cho một công ty bất động sản tại Việt Nam.Vingroup cũng là doanh nghiệp thuộc ngành bất động sản duy nhất tại khu vực Đông Nam Á được S&P nâng hạng tín nhiệm. (Theo TTXVN ngày 04/12)

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) với hình thức kết hợp bán toàn bộ phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và phát hành thêm để tăng vốn điều lệ. Vốn điều lệ của Hapro hiện là 2.200 tỷ đồng với 220 triệu cổ phần, mệnh giá 10 nghìn đồng/cổ phần.

Về cơ cấu vốn điều lệ, Nhà nước không nắm giữ cổ phần; bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp một triệu 74 nghìn cổ phần, chiếm 0,49% vốn điều lệ; bán đấu giá công khai 75 triệu 926 nghìn cổ phần, chiếm 34,51% vốn điều lệ; bán cho nhà đầu tư chiến lược 143 triệu cổ phần, chiếm 65% vốn điều lệ. Giá khởi điểm chào bán cổ phần lần đầu là 12.800 đồng/cổ phần. (Theo báo Nhân dân ngày 05/12)

Tổng cầu


Đầu tư

Bosch sẽ đầu tư thêm 58 triệu EUR (67 triệu USD) vào Nhà máy Bosch Gasoline Systems ở Đồng Nai (hoạt động từ tháng 4/2008), nhằm tăng năng suất tại các khu vực sản xuất hiện tại và xây dựng thêm một khu sản xuất mới.

Dự kiến đến cuối năm 2018, tổng vốn đầu tư của Bosch vào Nhà máy Bosch Gasoline Systems sẽ đạt 321 triệu EUR (372 triệu USD). Bosch hiện là một trong những nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại Việt Nam, hoạt động trên các lĩnh vực: Nghiên cứu và phát triển (R&D), sản xuất - kinh doanh, dịch vụ. (Theo Tạp chí Nhịp cầu đầu tư ngày 01/12)

Theo thông tin từ Diễn đàn Việt Nam - Hàn Quốc ngày 06/12 nhân kỷ niệm 25 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất và là đối tác thương mại thứ ba của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều trong 11 tháng năm 2017 đạt hơn 56 tỷ USD. Hàn Quốc cũng là nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam, với hơn 6.300 dự án, tổng vốn đầu tư gần 60 tỷ USD, chiếm khoảng 18% tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam.

Niềm tin tiêu dùng

Trong quý III/2017, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) toàn quốc có sự chuyển biến tích cực, tăng trưởng 6,4%, cao hơn mức tăng 2,9% của cùng kỳ năm 2016, chủ yếu nhờ sản lượng tăng trưởng 5,8%. Trong đó, ngành hàng đồ uống tiếp tục dẫn đầu với mức tăng trưởng 8,5%; tiếp theo là thuốc lá 5,9%. Tuy nhiên, thị trường FMCG Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi các nhóm ngành hàng lớn tăng trưởng yếu.

Thị trường nông thôn tiếp tục là mảnh đất giàu tiềm năng đối với các doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng trong quý III đạt 7,6% (trong đó 7,4% đến từ tăng trưởng sản lượng), đóng góp 54% tổng doanh số của ngành hàng FMCG toàn quốc. Trong khi đó

, tăng trưởng của ngành hàng FMCG tại khu vực thành thị chỉ đạt 4,7%.

(Theo báo cáo hằng quý Market Pulse của công ty đo lường hiệu quả kinh doanh toàn cầu Nielsen công bố ngày 05/12)

Xuất - nhập khẩu

Trong tháng 11/2017 có khoảng 7.000 ô tô nguyên chiếc được nhập về Việt Nam, với tổng giá trị khoảng 200 triệu USD, tăng khoảng 1.000 chiếc về số lượng và 35 - 45 triệu USD/tháng về giá trị so với hai tháng trước.

Lũy kế 11 tháng, kim ngạch nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc là 84.000 xe, giá trị hơn 1,9 tỷ USD, giảm 14,7% về lượng và giảm 11,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Dự báo số tiền nhập khẩu ô tô nguyên chiếc sẽ vượt 2 tỷ USD khi kết thúc năm 2017. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 03/12)

Dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may trong hai tháng cuối năm 2017 đạt 5,27 tỷ USD, nâng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2017 đạt 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với năm 2016; trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 25,91 tỷ USD, tăng 8,7% so với năm 2016, xuất khẩu xơ sợi đạt 3,51 tỷ USD, tăng gần 20%.

Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may năm 2017 đạt khoảng 18,91 tỷ USD, tăng 11,43% so với năm 2016; trong đó nhập khẩu vải đạt 11,2 tỷ USD, tăng 6,85%; bông đạt 2,4 tỷ USD, tăng 44,35%; xơ sợi đạt 1,76 tỷ USD, tăng 9,45%; phụ liệu dệt may đạt 3,55 tỷ USD, tăng 10,35%. (Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam ngày 04/12)

Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 11/2017 đạt khoảng 728 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu thủy sản 11 tháng năm 2017 đạt 7,57 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 58,2% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.

Giá trị nhập khẩu thủy sản tháng 11/2017 đạt 150 triệu USD, đưa giá trị nhập khẩu thủy sản 11 tháng năm 2017 đạt 1,3 tỷ USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2016. (Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 01/12)

Tính đến cuối tháng 11, nhóm nông sản trồng trọt xuất khẩu đạt 17,27 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó mặt hàng rau, quả tăng mạnh, giá trị xuất khẩu 11 tháng đạt khoảng 3,16 tỷ USD, tăng 43,2% so với cùng kỳ năm 2016. (Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 05/12)

Trong 10 tháng năm 2017, Việt Nam xuất khẩu 291.702 tấn hạt điều, trị giá 2,9 tỷ USD, tăng 0,4% về lượng và tăng 24% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu hạt điều lớn nhất, với 101.877 tấn (chiếm 1/3), trị giá 1,025 tỷ USD, Hà Lan là thị trường lớn thứ 2 với 44.847 tấn , trị giá 455,8 triệu USD.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính, khối lượng hạt điều xuất khẩu 11 tháng đạt 323.000 tấn trị giá 3,2 tỷ USD, tăng 1% về khối lượng và tăng 23,2% về giá trị. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 04/12)

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Argentina trong những năm gần đây đạt được sự tăng trưởng ổn định cao. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 2,3 tỷ USD trong năm 2015, tăng lên 2,9 tỷ USD vào năm 2016 và đạt 2,3 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2017. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Argentina là giầy dép, nguyên phụ liệu dệt may, da giầy.

Việt Nam nhập khẩu các sản phẩm chính từ Argentina gồm thức ăn gia súc và nguyên liệu. Hai nước vẫn còn nhiều tiềm năng để hợp tác trong tương lai nhờ thị trường rộng lớn với quy mô dân số hơn 145 triệu người, có nhiều nhu cầu tương đồng và các sản phẩm bổ trợ nhau trong chuỗi sản xuất toàn cầu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai nước tăng cường tiếp cận thị trường theo chiều sâu. (Theo Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương ngày 01/12)

Cân đối vĩ mô


Lao động

Thị trường nhân lực Việt Nam trong năm 2018 được dự báo khả quan, dựa trên nhiều yếu tố hỗ trợ:

(i) Việt Nam là một trong hai nước tại khu vực sẽ có sự bùng nổ về tăng trưởng quy mô doanh nghiệp;

(ii) Tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam khả quan với động lực đến từ FDI;

(iii) Người tìm việc Việt Nam có chỉ số hạnh phúc trong công việc cao thứ hai trong khu vực;

(iv) Tốc độ tăng lương bình quân năm nhanh nhất khu vực.

Trong 11 tháng năm 2017, Việt Nam có tỷ lệ tăng lương cao tại châu Á với mức bình quân đạt 20 - 24%; trong đó, quản lý cấp trung có tỷ lệ tăng lương cao nhất. (Theo kết quả khảo sát diện rộng phản ánh thực tế thị trường tuyển dụng tại Việt Nam trong năm 2018 được JobStreet.com công bố ngày 07/12)

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 2 ngày tăng, 4 ngày giảm. Trong ngày giao dịch 09/12, so với ngày 08/12, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,20 - 36,42 triệu đồng/lượng, giảm 10 nghìn đồng/lượng.

- Bảo Tín Minh Châu: 36,29 - 36,35 triệu đồng/lượng, giảm 10 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và không thay đổi ở chiều bán ra.

- Doji: 36,29 - 36,38 triệu đồng/lượng, giảm 10 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 20 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 14 đồng so với tuần trước với 4 ngày tăng, 1 ngày giảm giá và 1 ngày giá không đổi. Trong ngày giao dịch 09/12, tỷ giá trung tâm là 22.452 NVD/USD, không thay đổi so với ngày 08/12; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại giảm nhẹ so với ngày 08/12:

- Vietcombank, Vietinbank và BIDV: 22.675 - 22.745 VND/USD, giảm 5 đồng ở cả hai chiều.

- Vietinbank và BIDV: 22.680 - 22.750 VND/USD, không thay đổi.

Tín dụng

Tính đến cuối tháng 11/2017, tín dụng tăng trưởng khoảng 2,8% so với tháng 10, tăng 15,3% so với đầu năm 2017 (cùng kỳ năm 2016 tăng 15,6% so với đầu năm).

Cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn tiếp tục thay đổi theo hướng giảm tỷ trọng trung - dài hạn và tăng tỷ trọng ngắn hạn; tín dụng ngoại tệ tăng chậm lại trong tháng 11, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2016; cơ cấu tín dụng theo ngành nghề kinh tế có chuyển biến tích cực.

Tín dụng tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng cao. Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tăng khoảng 59% so với cuối năm 2016. Trong đó cho vay phục vụ nhu cầu mua nhà để ở; thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng, sửa chữa nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở chiếm tỷ trọng 52,9% (cuối năm 2016 là 49,5%); cho vay mua trang thiết bị gia đình chiếm 15,3%; cho vay mua phương tiện đi lại chiếm 8,3%.

(Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia ngày 03/12)

Sau gần 6 tháng triển khai gói tín dụng khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, dư nợ đầu tư của ngành ngân hàng đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt 36.000 tỷ đồng với gần 6.400 khách hàng. Trong đó cho vay đối với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt dư nợ gần 31.286 tỷ đồng. Lãi suất cho vay ngắn hạn khoảng 5,3 - 6,5%/năm, cho vay trung - dài hạn khoảng 8,5 - 10%/năm.

So với đầu tháng 7/2017, tín dụng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch tăng 3.661 tỷ đồng. Vốn vay nông nghiệp sạch chỉ tăng hơn 112 tỷ đồng, còn lại, chủ yếu tăng do mảng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (3.549 tỷ đồng). (Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước ngày 01/12)

Thị trường tài sản


Chứng khoán

Trong tháng 11/2017, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) đã cấp mã số giao dịch chứng khoán cho 428 nhà đầu tư nước ngoài, gồm 36 tổ chức và 392 cá nhân, vượt xa con số kỷ lục được xác lập trong tháng trước là 331.

Ngoài ra, VSD đã chấp thuận thay đổi thông tin cho 48 nhà đầu tư nước ngoài (15 tổ chức và 33 cá nhân), hủy mã số giao dịch chứng khoán cho 2 nhà đầu tư nước ngoài (01 tổ chức và 01 cá nhân). Lũy kế 11 tháng năm 2017, VSD đã cấp 23.060 mã số giao dịch cho nhà đầu tư ngoại bao gồm 3.523 tổ chức và 19.537 cá nhân. (Theo VSD ngày 05/12)

Trong tháng 11/2017, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 257,57 triệu đơn vị, giá trị 10.705,52 tỷ đồng trên Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE); mua ròng 17,7 triệu đơn vị, giá trị 359 tỷ đồng trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và mua ròng 31,54 triệu đơn vị, giá trị 851,68 tỷ đồng trên sàn UPCoM. Tổng cộng trên 3 sàn trong tháng 11, khối ngoại đã mua ròng 306,81 triệu đơn vị, đạt tổng giá trị 11.916,2 tỷ đồng. (Theo VSD ngày 05/12)

Trái phiếu

Trong tháng 11:

- Trên thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) sơ cấp: HNX đã tổ chức 31 phiên đấu thầu và huy động được tổng cộng 9.153 tỷ đồng trái phiếu, tăng 21,8% so với tháng 10, tuy nhiên tỷ lệ giá trị trúng thầu so với giá trị gọi thầu chỉ đạt 45,5%. Trong đó, Kho bạc Nhà nước huy động được 2.931 tỷ đồng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam huy động được 4.000 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội huy động được 2.222 tỷ đồng.

Lãi suất trúng thầu ở các kỳ hạn ngắn có xu hướng tăng: Kỳ hạn 5 năm khoảng 4,5 - 5%/năm, 7 năm là 4,85 - 4,88%/năm, 10 năm là 5,41 - 5,91%/năm, 15 năm là 5,75 - 6,2%/năm, 20 năm là 5,82%/năm, 30 năm là 6,1%/năm.

- Trên thị trường TPCP thứ cấp: Tổng khối lượng trái phiếu giao dịch theo phương thức thông thường đạt trên 800 triệu đơn vị, tương đương giá trị giao dịch 88.600 tỷ đồng, giảm 15,2% về giá trị so với tháng 10. Tổng khối lượng trái phiếu giao dịch theo phương thức mua - bán lại đạt hơn 1,105 tỷ đơn vị, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 110.500 tỷ đồng, tăng 4,1% về giá trị so với tháng 10.

(Theo HNX ngày 01/12)

Cổ phiếu

Trong tuần từ 04/12 - 09/12/2017, thị trường chứng khoán tăng/giảm trái chiều.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 2 ngày tăng và 3 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index tăng 1,51 điểm (0,16%) lên 940,16 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 234,5 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 5.929,6 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 1 ngày tăng và 4 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index giảm 0,72 điểm (-0,63) xuống 113,81 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 67,7triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 898,73 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 2 ngày tăng và 3 ngày giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,21 điểm (0,39%) lên 54,47 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 10,08triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 197,53 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 15.988.797 đơn vị, trị giá 1.179,91 tỷ đồng; trong đó cổ phiếu bán ròng mạnh nhất là VIC với khối lượng 6,44 triệu đơn vị, trị giá 461,76 tỷ đồng; cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất là NLG với khối lượng 2,08 triệu cổ phiếu, trị giá 63,87 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 4 ngày bán ròng và 1 ngày mua ròng duy nhất (05/12). Tổng cộng khối ngoại đã bán ròng 14,05 triệu đơn vị, trị giá 1.176,69 tỷ đồng (tuần trước mua ròng 75,2 triệu đơn vị, trị giá 1.822,26 tỷ đồng).

- HNX: Khối ngoại thực hiện 3 ngày bán ròng và 2 ngày mua ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 2,4 triệu đơn vị, trị giá 28,93 tỷ đồng (tuần trước mua ròng 6,1 triệu đơn vị, trị giá 246,05 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 4 ngày mua ròng và 1 ngày bán ròng duy nhất (08/12). Tổng cộng khối ngoại mua ròng 461.203 đơn vị, trị giá 25,91 tỷ đồng, giảm mạnh so với tuần trước mua ròng 12,89 triệu đơn vị, trị giá 291 tỷ đồng.

Chính sách

Quyết định số 1916/QĐ-TTg

Ngày 29/11/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1916/QĐ-TTg về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Trong đó, từ ngày 01/7/2018, thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng, đồng thời điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo) và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở. (Theo TTXVN ngày 06/12)

Thông tư số 126/2017/TT-BTC

Ngày 27/11/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 126/2017/TT-BTC về chế độ báo cáo và công khai thông tin về nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia.

Thời hạn các đơn vị lập và gửi báo cáo định kỳ cho Bộ Tài chính cụ thể như sau:

- Báo cáo định kỳ hằng quý gửi về Bộ Tài chính trong vòng 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý.

- Báo cáo tình hình thực hiện 6 tháng đầu năm gửi trước ngày 31/7 hằng năm.

- Các báo cáo tình hình thực hiện hằng năm gửi trước ngày 15/02 của năm sau.

Bộ Tài chính tổng hợp các báo cáo về nợ công báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đồng thời gửi các cơ quan có liên quan theo quy định của Luật Quản lý nợ công và các quy định liên quan.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2018 và áp dụng cho việc lập các báo cáo năm của năm 2017.