Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2016

Theo gso.gov.vn

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm theo giá so sánh 2010 ước tính đạt 397,4 nghìn tỷ đồng, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Nông nghiệp đạt 297,2 nghìn tỷ đồng, giảm 0,7%; lâm nghiệp đạt 13,3 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8%; thủy sản đạt 86,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3%.

Nông nghiệp

Diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước năm nay ước tính đạt 3081,5 nghìn ha, giảm 31,3 nghìn ha so với vụ đông xuân năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1154,9 nghìn ha, giảm 7,4 nghìn ha; các địa phương phía Nam đạt 1926,6 nghìn ha, giảm 23,9 nghìn ha. Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa đông xuân cả nước năm nay ước tính đạt 62,9 tạ/ha, giảm 3,6 tạ/ha so với vụ đông xuân năm 2015; sản lượng đạt 19,4 triệu tấn, giảm 1,3 triệu tấn. Sản xuất lúa vụ đông xuân năm nay giảm so với vụ đông xuân trước cả về diện tích, năng suất và sản lượng chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết rét buốt, băng giá tại các tỉnh phía Bắc và tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tính đến ngày 15/6, các địa phương phía Bắc thu hoạch được 859,7 nghìn ha lúa đông xuân, chiếm 74% diện tích gieo cấy và bằng 82,2% cùng kỳ năm trước. Theo đánh giá của các địa phương, năng suất cả vụ ước tính đạt 62,6 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha so với vụ đông xuân trước; sản lượng đạt 7,2 triệu tấn, tăng 0,2%. Các địa phương phía Nam đã thu hoạch xong lúa đông xuân, năng suất ước tính đạt 63 tạ/ha, giảm 6,1 tạ/ha so với vụ đông xuân trước; sản lượng đạt 12,2 triệu tấn, giảm 1,3 triệu tấn (riêng vùng trọng điểm lúa Đồng bằng sông Cửu Long đạt gần 10 triệu tấn, giảm 1,1 triệu tấn).

Cùng với việc thu hoạch vụđông xuân, tính đến trung tuần tháng Sáu, các địa phương trên cả nước đã xuống giống được 1816,5 nghìn ha lúa hè thu, bằng 98,1% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1521,5 nghìn ha, bằng 102,9%. Đến nay đã có 314,6 nghìn ha lúa hè thu sớm tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cho thu hoạch, tăng 42,9% so với cùng kỳ năm 2015.

Do ảnh hưởng của thời tiết không thuận nên diện tích hầu hết cây hàng năm khác đạt thấp. Tính đến giữa tháng Sáu, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 711,8 nghìn ha ngô, bằng 92,4% cùng kỳ năm trước; 88,9 nghìn ha khoai lang, bằng 94,1%; 43,9 nghìn ha đậu tương, bằng 76,2%; 157,2 nghìn ha lạc, bằng 100,7%; 673 nghìn ha rau đậu, bằng 102,5%.

Theo báo cáo từ các địa phương, sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước do diện tích cho sản phẩm tăng: Sản lượng chè đạt 454,7 nghìn tấn, tăng 0,4% (diện tích tăng 0,6%); cao su đạt 320,3 nghìn tấn, tăng 1,7% (diện tích tăng 0,8%); hồ tiêu đạt 153,2 nghìn tấn, tăng 5,6% (diện tích tăng 17,9%). Riêng sản lượng điều ước tính đạt 303,5 nghìn tấn, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm trước do diện tích giảm 1,4% và bị ảnh hưởng của khô hạn và sâu bệnh.

Chăn nuôi trong 6 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại tại các tỉnh phía Bắc, hạn hán ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Đàn trâu cả nước ước tính đến tháng Sáu có 2,52 triệu con, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò có 5,34 triệu con, tăng 1,6%, trong đó đàn bò sữa có 279 nghìn con, tăng 10%; đàn lợn có 28,3 triệu con, tăng 3,9%; đàn gia cầm có 341,5 triệu con, tăng 4,3%. Sản lượng thịt trâu hơi 6 tháng ước tính đạt 49,7 nghìn tấn, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt bò hơi ước tính đạt 183,4 nghìn tấn, tăng 2%; sản lượng thịt lợn hơi đạt 2,15 triệu tấn, tăng 4,7%; thịt gia cầm đạt 541,3 nghìn tấn, tăng 4,9%; sản lượng sữa tươi ước tính đạt 381,4 nghìn tấn, tăng 7,4%; trứng gia cầm đạt 5255 triệu quả, tăng 5,3%.

Dịch bệnh tuy còn xảy ra rải rác ở một số địa phương trong những tháng đầu năm nhưng với quy mô nhỏ. Tính đến ngày 23/6/2016, cả nước không còn dịch cúm gia cầm và dịch lợn tai xanh; dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày còn ở Tiền Giang.

Lâm nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 86,9 nghìn ha, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước; diện tích rừng trồng được chăm sóc đạt 351 nghìn ha, giảm 2,5%; diện tích rừng được giao khoán bảo vệ đạt 4710 nghìn ha, giảm 2%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 110 triệu cây, giảm 0,9%; diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh đạt 605 nghìn ha, tương đương cùng kỳ năm 2015.

Khai thác lâm sản tại các địa phương tăng khá. Sản lượng gỗ khai thác 6 tháng đầu năm đạt 3844 nghìn m3, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chủ yếu là gỗ rừng trồng, chiếm 99,6%; sản lượng củi khai thác đạt 15 triệu ste, tăng 0,7%. Một số địa phương có sản lượng gỗ khai thác tăng cao: Tuyên Quang đạt 351 nghìn m3, tăng 86,7%; Thanh Hóa đạt 213 nghìn m3, tăng 19,3%; Thừa Thiên - Huế đạt 190 nghìn m3, tăng 27,6%; Quảng Trị đạt 146 nghìn m3, tăng 20%. Sản lượng gỗ khai thác tăng chủ yếu do chất lượng gỗ tốt, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

Công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, nhưng do thời tiết hanh khô, nắng nóng kéo dài nên vẫn xảy ra tình trạng cháy rừng tại một số địa phương, nhất là ở một số tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 2599 ha rừng bị thiệt hại, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 1955 ha, gấp 3,5 lần; diện tích rừng bị chặt phá là 644 ha, gấp 2,2 lần. Một số địa phương có diện tích rừng bị cháy lớn: Điện Biên 969 ha; Sơn La 452 ha; Yên Bái 194 ha; Hà Giang 156 ha. Một số địa phương có diện tích rừng bị chặt phá nhiều: Bình Định 180 ha; Điện Biên 175 ha; Quảng Nam 56 ha.

Thủy sản

Sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm ước tính đạt 3131,3 nghìn tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 2309,4 nghìn tấn, tăng 2,2%; tôm đạt 306 nghìn tấn, giảm 2,5%. Nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường nước và hạn mặn, nhất là tại vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long. Diện tích nuôi trồng thủy sản 6 tháng ước tính đạt 893 nghìn ha, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích nuôi cá đạt 256,2 nghìn ha, giảm 2,2%; diện tích nuôi tôm đạt 518,2 nghìn ha, giảm 3,5%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng 6 tháng ước tính đạt 1586,4 nghìn tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 1191,4 nghìn tấn, tăng 1,1%; tôm đạt 226,6 nghìn tấn, giảm 4%.

Nuôi cá tra tiếp tục gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, giá cá tra không ổn định và ở mức thấp, trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng. Sản lượng cá tra 6 tháng đầu năm ước tính đạt 519,6 nghìn tấn, giảm 3% so cùng kỳ năm trước, trong đó hầu hết các địa phương nuôi cá tra trọng điểm có sản lượng giảm: An Giang đạt 123,1 nghìn tấn, giảm 5,5%; Vĩnh Long đạt 43,3 nghìn tấn, giảm 8,2%; Cần Thơ đạt 58,5 nghìn tấn, giảm 1,3%.

Nuôi tôm nước lợ bị ảnh hưởng của tình trạng xâm nhập mặn sâu, môi trường nước thay đổi, tôm nuôi chậm lớn và dễ mắc bệnh, sản lượng thu hoạch không cao. Sản lượng nuôi tôm sú 6 tháng đầu năm ước tính đạt 100,1 nghìn tấn, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 97,5 nghìn tấn, giảm 10%.

Thời tiết những tháng đầu năm tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác hải sản. Các địa phương có chính sách hỗ trợ ngư dân về dầu và vay vốn đóng mới tàu công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ đã khuyến khích bà con ngư dân tích cực ra khơi bám biển. Sản lượng khai thác thủy sản 6 tháng đầu năm ước tính đạt 1544,9 nghìn tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 1118 nghìn tấn, tăng 3,3%; tôm đạt 79,4 nghìn tấn, tăng 1,8%. Khai thác biển ước tính đạt 1459,5 nghìn tấn, tăng 3,4%, trong đó sản lượng cá ngừ đại dương đạt 13 nghìn tấn, tương đương cùng kỳ năm 2015.

Tuy nhiên, vào cuối tháng Tư tại một số địa phương thuộc vùng biển Bắc Trung Bộ (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế) xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt trôi dạt vào bờ đã ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng, hải sản khai thác khó tiêu thụ, nhiều ngư dân phải dừng đánh bắt ở vùng biển ven bờ, sản lượng thủy sản khai thác ở các tỉnh trên giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước[5].