Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nửa đầu năm 2018

Theo gso.gov.vn

Nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2018 đạt kết quả khá tốt. Thời tiết thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển, đặc biệt là cây lúa. Diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước năm nay đạt 3.102,2 nghìn ha, bằng 99,5% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1.127,6 nghìn ha, bằng 98,5%; các địa phương phía Nam đạt 1.974,6 nghìn ha, bằng 100,1%.

Diện tích lúa đông xuân những năm gần đây có xu hướng thu hẹp dần, chủ yếu do nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa sang sử dụng cho mục đích khác.

Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa đông xuân cả nước ước tính đạt 66,2 tạ/ha, tăng 3,9 tạ/ha so với vụ đông xuân trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 63,7 tạ/ha, tăng 1,4 tạ/ha; các địa phương phía Nam đạt 67,6 tạ/ha, tăng 5,3 tạ/ha.

Sản lượng lúa đông xuân cả nước ước tính đạt 20,5 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn so với vụ đông xuân năm 2017, trong đó sản lượng lúa đông xuân ở miền Bắc đạt 7,2 triệu tấn, tăng 58,2 nghìn tấn (riêng Đồng bằng sông Hồng đạt 3,5 triệu tấn, giảm 47,2 nghìn tấn do diện tích gieo trồng giảm); miền Nam đạt 13,3 triệu tấn, tăng 1.050,9 nghìn tấn (vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt hơn 10,8 triệu tấn, tăng 950,5 nghìn tấn).

Cùng với việc thu hoạch vụ đông xuân, các địa phương trên cả nước đã xuống giống được 1.891,1 nghìn ha lúa hè thu, bằng 98,3% cùng kỳ năm trước (vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.528,5 nghìn ha, bằng 98,3%), chủ yếu do ảnh hưởng từ tiến độ gieo trồng và thu hoạch vụ đông xuân năm nay chậm hơn cùng kỳ năm trước.

Đến nay đã có 190,6 nghìn ha lúa hè thu sớm tại Đồng bằng sông Cửu Long cho thu hoạch, bằng 52,6% cùng kỳ năm 2017. Hiện lúa hè thu đang phát triển tốt, các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, phòng chống sâu bệnh, hướng dẫn người dân chăm sóc lúa đúng kỹ thuật để đạt năng suất cao.

Đến giữa tháng Sáu, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 552,4 nghìn ha ngô, bằng 94,4% cùng kỳ năm trước; 81,1 nghìn ha khoai lang, bằng 88,5%; 32 nghìn ha đậu tương, bằng 85,6%; 144,1 nghìn ha lạc, bằng 96,5%; 722,3 nghìn ha rau, đậu, bằng 103,5%.

Sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm tăng so với cùng kỳ năm trước: Chè đạt 472,3 nghìn tấn, tăng 3,7%; điều đạt 255,9 nghìn tấn, tăng 30%; hồ tiêu đạt 263,6 nghìn tấn, tăng 6,5%. Sản lượng một số cây ăn quả đạt khá: Nho đạt 15,7 nghìn tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2017; xoài đạt 479,1 nghìn tấn, tăng 6,9%.

Chăn nuôi trâu, bò và gia cầm nhìn chung phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát. Riêng chăn nuôi lợn những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ nhưng từ tháng Tư giá thịt lợn đã tăng trở lại. Tính đến tháng Sáu, đàn trâu cả nước giảm 1% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò tăng 2,2%; đàn gia cầm tăng 5,2%; đàn lợn giảm 3%.

Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm đạt 50,8 nghìn tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 185,4 nghìn tấn, tăng 2,8%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 2,2 triệu tấn, giảm 1%; thịt gia cầm xuất chuồng đạt 608,4 nghìn tấn, tăng 6,1%; trứng gia cầm đạt 6,3 tỷ quả, tăng 11,3%; sản lượng sữa tươi đạt 470 nghìn tấn, tăng 8,1%. Tính đến ngày 27/6/2018 cả nước không còn dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

Lâm nghiệp

Sản xuất lâm nghiệp 6 tháng đầu năm 2018 nhìn chung đạt khá. Diện tích rừng trồng tập trung 6 tháng ước tính đạt 101,6 nghìn ha, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 36,7 triệu cây, tăng 0,1%; sản lượng củi khai thác đạt 13,1 triệu ste, giảm 1,7%; sản lượng gỗ khai thác đạt 5.444 nghìn m3, tăng 9,1%, trong đó chủ yếu là gỗ rừng trồng đến kỳ khai thác.

Một số địa phương có sản lượng gỗ khai thác đạt khá: Quảng Nam đạt 482 nghìn m3, tăng 11,6%; Phú Thọ đạt 280,9  nghìn m3, tăng 13,2%; Quảng Ngãi đạt 492 nghìn m3, tăng 14,7%; Quảng Bình đạt 183 nghìn m3, tăng 24,7%; Nghệ An đạt 315 nghìn m3, tăng 31,6%.

Sản lượng gỗ khai thác tăng chủ yếu do nhu cầu về gỗ nguyên liệu không chỉ tăng ở thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản mà còn thu hút các thị trường khác như Xri Lan-ca, Ấn Độ, Bra-xin, Ma-lai-xi-a, Băng-la-đét.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, cả nước có 555 ha rừng bị thiệt hại, giảm 36,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm diện tích rừng bị cháy là 158,5 ha, giảm 55,3%; diện tích rừng bị chặt phá là 396,5 ha, giảm 23,9%. Một số địa phương có diện tích rừng bị chặt phá nhiều: Đắk Nông 112,4 ha; Sơn La 76,7 ha; Đắk Lắk 40,5 ha.

Thủy sản

Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm ước tính đạt 3.561,1 nghìn tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 2.676,8 nghìn tấn, tăng 5,7%; tôm đạt 370,4 nghìn tấn, tăng 9,5%; thủy sản khác đạt 513,9 nghìn tấn, tăng 2,7%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng 6 tháng đạt 1.793,5 nghìn tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 1.310,2 nghìn tấn, tăng 6,1%; tôm đạt 292,6 nghìn tấn, tăng 11,2%; thủy sản khác đạt 190,7 nghìn tấn, tăng 1,7%. Nuôi cá tra gặp thuận lợi về giá, người nuôi có lãi nên diện tích nuôi được mở rộng.

Tính chung 6 tháng, diện tích nuôi cá tra của cả nước ước tính đạt 14,3 nghìn ha, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích nuôi cá tra thâm canh, bán thâm canh đạt 4,5 nghìn ha, tăng 10,2%; diện tích nuôi cá tra quảng canh và quảng canh cải tiến 9,8 nghìn ha, tăng 5,3%. Sản lượng cá tra 6 tháng ước tính đạt 603,1 nghìn tấn, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Đồng Tháp đạt 191,8 nghìn tấn, tăng 4,5%; An Giang 159,8 nghìn tấn, tăng 14,7%.

Mặc dù gặp khó khăn do ảnh hưởng từ mức thuế chống bán phá giá rất cao của Chính phủ Hoa Kỳ đối với cá tra nhập khẩu từ Việt Nam và xuất khẩu sang thị trường EU đang bị giảm sút, nhưng nhờ sự linh hoạt trong việc chuyển đổi thị trường xuất khẩu sang Thái Lan, Xin-ga-po, Phi-li-pin và đặc biệt là Trung Quốc nên xuất khẩu cá tra vẫn đạt khá.

Ước tính 6 tháng đầu năm xuất khẩu cá tra đạt 981 triệu USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Thời tiết những tháng đầu năm thuận lợi cho nuôi tôm nước lợ, giá tôm sú tương đối cao và thị trường tiêu thụ ổn định. Sản lượng tôm sú 6 tháng năm nay ước tính đạt 106,3 nghìn tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Riêng tôm thẻ chân trắng, mặc dù sản lượng 6 tháng đầu năm đạt khá với 151,9 nghìn tấn, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước nhưng hiện nay đang gặp khó khăn do từ tháng Năm giá tôm thẻ chân trắng giảm mạnh vì nguồn cung dồi dào, giá thế giới giảm và cạnh tranh với tôm của Ấn Độ và Thái Lan.

Sản lượng thủy sản khai thác 6 tháng đầu năm ước tính đạt 1.767,6 nghìn tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 1.366,6 nghìn tấn, tăng 5,4%; tôm đạt 77,8 nghìn tấn, tăng 3,6%; thủy sản khác đạt 323,2 nghìn tấn, tăng 3,3%.

Thời tiết những tháng đầu năm tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác biển, số lượng tàu có công suất trên 90CV tăng (tại thời điểm 1/5/2018 là 33,8 nghìn tàu, tăng 2,7% so với cùng thời điểm năm 2017).

Bên cạnh đó hoạt động dịch vụ hậu cần nghề biển phát triển, giúp bà con ngư dân an tâm bám biển dài ngày, góp phần nâng cao sản lượng khai thác biển. Sản lượng thủy sản khai thác biển 6 tháng đạt 1.684,7 nghìn tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 1.310,2 nghìn tấn, tăng 5,7%; tôm đạt 71,4 nghìn tấn, tăng 3,3%.