Tình hình kinh tế Việt Nam 9 tháng năm 2013

Theo nfsc.gov.vn

Kinh tế thế giới

Các nước phát triển tại khu vực EU, Mỹ, Nhật đang cho thấy những nỗ lực thoát khỏi suy thoái khi tốc độ tăng GDP và chỉ số sản xuất PMI có nhiều dấu hiệu tích cực hơn trong các quý gần đây2. Tuy nhiên, động thái giữ nguyên gói QE3 mới đây của FED, đồng thời điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng thấp hơn (từ 2%-2,3% năm 2013, thấp hơn dự báo ban đầu là 2,3% -2,8%) cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thực sự hồi phục ổn định và nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm hơn so với kỳ vọng. Dù vậy, quyết định duy trì gói QE3 của FED cũng đã tạo động lực phục hồi cho một loạt các chỉ số chứng khoán lớn tăng điểm mạnh, đặc biệt là thị trường chứng khoán Mỹ.

Trong một động thái khác, để tránh phụ thuộc vào sự điều chỉnh QE3 của FED, nhiều quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc đã chủ động điều chỉnh chính sách, chuẩn bị cho việc FED giảm QE3 bằng biện pháp duy trì thặng dư tài khoản vãng lai ở mức hợp lý, đồng thời quản lý chặt chẽ khoản nợ nước ngoài ngắn hạn và nợ của các hộ gia đình, nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của việc điều chỉnh QE3 có thể gây ra đối với nền kinh tế nước này.

Tại Châu Á, nền kinh tế Trung Quốc sau 2 quí đầu năm tăng trưởng chậm hơn so với dự báo đang được đánh giá là có triển vọng hồi phục ổn định trở lại trong quý 33 và sẽ là nhân tố tích cực thu hút đầu tư dài hạn từ các quỹ đầu tư trong thời gian tới tại khu vực kinh tế các nước mới nổi.

Hoạt động thương mại thế giới dự kiến tăng trưởng khoảng 2,5% trong năm nay và 4,5% trong năm 2014, giảm đôi chút so với những dự đoán trước đây cho năm 2013 và 2014 tương ứng là 3,3% và 5% (theo WTO). Bên cạnh đó, giá cả nhiều mặt hàng đặc biệt là nông sản đang có dấu hiệu giảm khá mạnh4. Những yếu tố này sẽ gây tác động không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới; Bên cạnh đó, giá dầu thô cũng đang có xu hướng tăng trở lại sau khi giảm vào quý 1/2013 do những bất ổn chính trị trên thế giới. Tuy nhiên, các tổ chức lớn như IMF và WB đều cho rằng giá dầu thô vẫn sẽ có xu hướng giảm trên 4% trong năm 2013.

Kinh tế Việt Nam

Một số phân tích về tình hình kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm 2013

Về tăng trưởng kinh tế

Tăng trưởng GDP trong quí 3/2013 đạt cao hơn dự kiến (tăng 5,54% so với quí II/2013), góp phần đưa GDP 9 tháng/2013 đạt mức tăng (5,14%) khá hơn đôi chút so với cùng kỳ năm 2012 (5,1%, tính theo giá so sánh 2010). Theo đánh giá của UBGSTCQG dựa trên đặc tính mùa vụ, chỉ số mùa vụ của tổng sản lượng thường đạt mức cao nhất vào quí 4 hàng năm, tăng trưởng GDP quí 4/2013 do đó sẽ tiếp tục đạt tốc độ tăng cao hơn so với quí 3/2013.

Dù vậy, mục tiêu tăng trưởng 5,5% cho cả năm 2013 sẽ vẫn khó khăn, bởi những yếu tố nền tảng tạo nên tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay đều chưa có sự hồi phục mạnh mẽ. Cụ thể:

Sản xuất của nền kinh tế có xu hướng cải thiện nhưng chậm. Mặc dù hàng tồn kho công nghiệp chế biến chế tạo giảm khá mạnh7 và chỉ số phát triển công nghiệp cũng có xu hướng tăng dần đều qua từng tháng để đạt mức tăng 5,4% trong 9 tháng/2013, cao hơn so với cùng kỳ năm 2012 (tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước), nhưng tốc độ tăng nhập khẩu của các mặt hàng tư liệu phục vụ sản xuất vẫn chỉ ở mức khá khiêm tốn9. Bên cạnh đó, tham khảo chỉ số PMI Việt nam của HSBC trong 8 tháng đầu năm cho thấy chỉ số này sau 2 tháng 3 và tháng 4/2013 liên tục tăng đã có 4 tháng liên tiếp đạt dưới mức 50 điểm. Điều này cho thấy doanh nghiệp vẫn còn khá thận trọng trong việc mở rộng sản xuất khi các điều kiện thị trường chưa thực sự thuận lợi, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp trong nước.

Tổng cầu được cải thiện nhưng còn khá yếu. Theo đó, cầu tiêu dùng đã có xu hướng tăng dần qua từng tháng nhưng vẫn ở mức tương đối yếu, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ 9 tháng/2013 vì vậy chỉ đạt mức tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,3% (cùng kỳ năm 2012 tăng 6,7% so với năm 2011). Có thể thấy rằng, tổng cầu thấp sẽ tiếp tục là một trong những nguyên nhân khiến sản xuất của nền kinh tế trong quí 4 khó có điều kiện tăng mạnh đột biến so với quí 3/2013.

Về lạm phát

Về tổng thể, lạm phát trong 9 tháng đầu năm đã được kiểm soát ở mức thấp (tăng 4,63% so với đầu năm) và ổn định hơn so với nhiều năm trở lại đây, biểu hiện qua mức độ phân tán của tốc độ tăng CPI so với giá trị trung bình đạt mức khá ổn định trong 9 tháng/2013, thấp hơn nhiều so với năm 2012 và năm 2011.

Theo đánh giá của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCGQ), lạm phát trong những tháng gần đây, đặc biệt là trong 2 tháng, tháng 8 (tăng 0,83% so với tháng 7 và tăng 7,5% so với cùng kỳ) và tháng 9 (tăng 1,06% so với tháng 8 và tăng 6,3% so với cùng kỳ) tăng chủ yếu là do tác động của việc điều chỉnh giá hàng hóa cơ bản, và dịch vụ công (y tế, giáo dục) và một phần do yếu tố mùa vụ (chỉ số mùa vụ của CPI thường có xu hướng tăng cao trong 2 đợt, từ tháng 9 cho đến cuối năm và trong dịp tết nguyên đán) mà không chịu nhiều tác động của những yếu tố cơ bản (như mở rộng chính sách tiền tệ hay chính sách tài khóa).

Phân tích các thành phần của lạm phát cho thấy khá rõ về nhận định này. Cụ thể, dưới tác động của Nghị quyết 11/NQ-CP năm 2011 với định hướng thắt chặt chính sách tiền tệ - tài khóa, thành phần chu kì của lạm phát sau khi đạt đỉnh vào tháng 8/2011 đã liên tục giảm xuống và chạm đáy vào tháng 7/2012, thành phần này chỉ thực sự có tác động nhẹ trở lại vào tháng 7 và tháng 8/2013 và gần như không gây tác động đáng kể nào đến CPI trong tháng 9/2013. Theo đánh giá của UBGSTCQG, xu thế này nhiều khả năng sẽ được duy trì trong những tháng cuối năm 2013. Mặt khác, thành phần xu hướng mang tính dài hạn của lạm phát đang tiếp tục giảm nhẹ và ổn định quanh mức 7%. Vì vậy UBGSTCQG cho rằng tốc độ tăng CPI trong những tháng cuối năm 2013 vẫn sẽ chủ yếu phụ thuộc vào việc điều hành giá các mặt hàng cơ bản.

Thị trường tiền tệ và thị trường ngoại hối

Thị trường tiền tệ trong 9 tháng đầu năm 2013 tiếp tục có những cải thiện tích cực: (i) Thanh khoản của hệ thống ngân hàng được củng cố và hiện khá dồi dào so với giai đoạn trước do tốc độ tăng huy động luôn đạt mức tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống12, lãi suất cho vay trên thị trường LNH vì vậy dù có một số thời điểm tăng đột biến nhưng nhìn chung đã duy trì được sự ổn định với lãi suất luôn ở mức thấp (3-4% ) trong phần lớn thời gian của 9 tháng đầu năm; (ii) Tỷ lệ cho vay trên huy động trên thị trường 1 cũng như tỷ lệ huy động từ thị trường 2/tổng tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) đang giảm dần cho thấy những tín hiệu tích cực khi mức độ rủi ro trong hoạt động của đa phần các TCTD và của toàn hệ thống đã giảm đáng kể; (iii) Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá hối đoái từ đầu năm đến nay khá ổn định và chỉ có vài biến động nhỏ mang tính thời vụ và tâm lý nhất thời. Theo nhận định của UBGSTCGQ, thị trường ngoại hối và tỷ giá hối đoái nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì được sự ổn định trong những tháng cuối năm 2013 do cung và cầu ngoại hối trên thị trường trong những tháng cuối năm vẫn ổn định, dự trữ ngoại tệ tiếp tục tăng khá.

Tình hình ngân sách nhà nước

Tương tự như năm 2012, thu từ dầu thô tiếp tục là nhân tố chủ yếu để bù đắp cho hụt thu từ thu nội địa và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu trong 9 tháng/2013. Theo đó, tính đến 15/9, thu dầu thô tăng 7,5% so với kế hoạch, bù đắp cho giảm thu 10% và 13% từ các khoản thu nội địa và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu13. Dù vậy, tổng thu cân đối Ngân sách nhà nước (NSNN) cho đến nay vẫn ở mức thấp hơn khá nhiều so với kế hoạch14. Với xu hướng giảm thu từ hoạt động xuất nhập khẩu (so với kế hoạch) vẫn tiếp tục kéo dài từ năm 2012 đến nay15; xu hướng sản lượng, giá dầu và tốc độ tăng thu từ dầu thô giảm so với cùng kỳ năm 201216 cùng những yếu tố làm tăng mạnh thu NSNN trong những tháng cuối năm 2013 không nhiều, UBGSTCQG cho rằng khả năng cân đối NSNN theo kế hoạch đề ra sẽ tiếp tục gặp những khó khăn thách thức lớn trong những tháng cuối năm 2013.

Nhận định tổng quan về tình hình kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm 2013

Những nỗ lực trong việc duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, ưu tiên kiềm chế lạm phát của Chính phủ đã đem lại cho nền kinh tế Việt Nam những kết quả tích cực trong 3 quí đầu năm 2013: (i) Tốc độ tăng trưởng GDP trong quí 3/2013 đã đạt mức cao hơn so với dự báo, suy giảm tăng trưởng bước đầu đã được ngăn chặn. Tuy nhiên, nền kinh tế nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn bởi dòng vốn tín dụng chưa được hấp thụ tốt, cầu tiêu dùng trong nước còn yếu khiến sản xuất khó tăng trưởng mạnh. Bên cạnh đó tăng trưởng GDP trong giai đoạn hiện nay đang phụ thuộc khá nhiều vào nhân tố xuất khẩu (cầu bên ngoài) là yếu tố còn nhiều bất định, chứa đựng những rủi ro khó lường đối với tính bền vững của tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới; (ii) Lạm phát được kiểm soát trong một thời gian khá dài, xu hướng lạm phát dài hạn đang giảm dần và ổn định quanh mức 7% là những tín hiệu tích cực tạo nền tảng cho sự ổn định lạm phát cho trung hạn. Theo đánh giá của UBGSTCQG, đây là mục tiêu quan trọng cần được duy trì trong giai đoạn tới nhằm tạo lập sự ổn định vĩ mô cho trung hạn của Việt Nam.

Những thành quả đạt được khiến lòng tin của thị trường cũng như của các nhà đầu tư nước ngoài vào sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam đang được phục hồi mạnh mẽ, biểu hiện là dòng vốn FDI, đặc biệt là vốn FDI đăng ký đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm 201217. Cũng nhờ vào những cải thiện về môi trường kinh tế vĩ mô, chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam cũng đã có bước tiến mạnh, tăng 5 bậc (từ vị trí 75 lên 70) so với năm 2012, chỉ số môi trường vĩ mô tăng 19 bậc (từ vị trí 106 lên 87). Trên thị trường quốc tế, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế Việt Nam tiếp tục được cải thiện đáng kể, biểu hiện là CDS đã giảm mạnh từ mức cao trên 300 điểm của cùng kỳ năm ngoái xuống quanh mức dưới 250 điểm trong nhiều tháng qua. Đó là những tín hiệu đáng mừng cho thấy những nỗ lực ổn định vĩ mô của Việt Nam trong thời gian đã đạt những kết quả rất tích cực, trên cả phạm vi trong nước và bình diện quốc tế.

Kiến nghị

Về định hướng chung: những chính sách được thực hiện trong thời gian qua với định hướng ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát đã đạt được những kết quả nhất định. Chính sách điều hành trong thời gian tới cần kiên trì mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát đã đề ra nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh tế trong nước và củng cố niềm tin của nhà đầu tư và thị trường.

Về công tác quản lý giá: lạm phát trong những tháng vừa qua tăng khá mạnh so với giai đoạn đầu năm. Dù vậy, như đã phân tích, CPI tăng trong những tháng qua không phải do những yếu tố cơ bản mà chủ yếu là do việc chủ động điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản và dịch vụ công. Vì vậy, việc điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản và dịch vụ công cần có sự phối hợp, tránh việc tăng giá tùy ý (về thời điểm tăng giá, mức tăng giá…) nhằm tránh gây tác động lạm phát tâm lý trong thời gian tới.

Về chính sách tài khóa: khả năng cân đối NSNN hiện đang rất khó khăn. Vì vậy, để đảm bảo mục tiêu NSNN đã đề ra cho năm 2013, cần tăng cường tiết kiệm chi NSNN, đồng thời đẩy mạnh các biện pháp tăng thu, chống thất thu và nợ đọng thuế trong những tháng cuối năm 2013. Về lâu dài, cần xây dựng khuôn khổ ngân sách trung hạn để đảm bảo sự bền vững của NSNN, đồng thời xây dựng kế hoạch giảm dần đối tượng hưởng lương ngân sách để dần chuyển dịch cơ cấu chi NSNN, thiết lập sự cân bằng giữa chi thường xuyên (hiện chiếm khoảng 67% tổng chi NSNN) và chi đầu tư phát triển (hiện chiếm khoảng 18% tổng chi NSNN) nhằm tăng thêm khả năng bố trí vốn đầu tư từ NSNN cho tăng trưởng kinh tế, hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô lâu dài.