Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2014

Theo gso.gov.vn

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản quý I năm 2014 theo giá so sánh 2010 ước tính đạt 165 nghìn tỷ đồng, tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Nông nghiệp đạt 126,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,01%; lâm nghiệp đạt 5,7 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8%; thủy sản đạt 32,6 nghìn tỷ đồng, tăng 3,71%.

Nông nghiệp

Tính đến ngày 15 tháng Ba, cả nước đã gieo cấy được 3062,3 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 99% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 1112,7 nghìn ha, bằng 100,1%; các địa phương phía Nam gieo cấy 1949,7 nghìn ha, bằng 98,4%, nguyên nhân một mặt do ảnh hưởng của thời tiết hạn hán, mặt khác do giá lúa thấp nên một số địa phương chuyển đổi diện tích lúa sang cây trồng khác cho giá trị cao hơn. Tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa giảm 400 - 500 đồng/kg từ đầu tháng Ba. Để hỗ trợ nông dân, ngày 15 tháng 3 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 373a/QĐ-TTg về mua tạm trữ thóc, gạo vụ Đông Xuân 2013-2014.

Tính đến trung tuần tháng Ba, các địa phương phía Nam đã thu hoạch 725,3 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 64,6% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long bước vào thu hoạch rộ, đạt trên 702 nghìn ha, chiếm 45% diện tích xuống giống và bằng 64,4% cùng kỳ năm 2013. Một số địa phương có tiến độ thu hoạch lúa đông xuân nhanh là: Tiền Giang hơn 77 nghìn ha, đạt 100% diện tích gieo cấy; Vĩnh Long 55 nghìn ha, đạt 89%; Sóc Trăng 105 nghìn ha, đạt 75%; Cần Thơ 59 nghìn ha, đạt 67,4%. Ước tính sơ bộ, năng suất lúa đông xuân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 69,2 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha so với vụ đông xuân 2013, sản lượng đạt 10,8 triệu tấn, tăng 126 nghìn tấn.

Gieo trồng các loại rau, màu cũng được được đẩy nhanh tiến độ. Tính đến giữa tháng Ba, cả nước đã gieo trồng được 350 nghìn ha ngô, bằng 102,8% cùng kỳ năm trước; 78,9 nghìn ha khoai lang, bằng 98,7%; 126,6 nghìn ha lạc, bằng 93%; 51,3 nghìn ha đỗ tương, bằng 94,4%; 486,4 nghìn ha rau đậu, bằng 108,3%.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm trong ba tháng đầu năm chịu ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, rét hại. Theo báo cáo sơ bộ, có hơn 2 nghìn con trâu, bò bị chết do rét. Ước tính đàn trâu cả nước 3 tháng đầu năm giảm khoảng 1,5% - 2% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò giảm khoảng 1% - 1,5%; sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng giảm 1% - 1,5%. Đàn lợn ước tính tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước do dịch lợn tai xanh được khống chế và giá thịt lợn có dấu hiệu tăng trở lại. Ước tính sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 3 tháng tăng 1% - 1,2% so với cùng kỳ năm 2013. Dịch cúm gia cầm bùng phát làm ảnh hưởng đến kết quả chăn nuôi gia cầm tại nhiều địa phương. Từ đầu năm, cả nước có 32 tỉnh, thành phố xuất hiện dịch cúm gia cầm với tổng số gia cầm mắc bệnh, chết là hơn 140 nghìn con, tiêu hủy trên 160 nghìn con. Ước tính tổng số gia cầm ba tháng đầu năm giảm khoảng 1% so với cùng kỳ năm 2013.

Tính đến ngày 21/3/2014, dịch lợn tai xanh đã được khống chế; dịch bệnh khác chưa qua 21 ngày còn ở các địa phương là: Dịch lở mồm long móng ở Quảng Trị và Sơn La; dịch cúm gia cầm còn ở các tỉnh, thành phố: Hà Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Gia Lai, Đồng Nai, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau.

Lâm nghiệp

Hoạt động lâm nghiệp những tháng đầu năm có nhiều thuận lợi về thời tiết và thị trường tiêu thụ lâm sản. Tổng diện tích rừng trồng tập trung 3 tháng ước tính đạt 11,5 nghìn ha, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có diện tích trồng rừng nhiều là: Quảng Ngãi 2445 ha; Nghệ An 2400 ha; Quảng Ninh 2230 ha; Quảng Nam 1100 ha; Yên Bái 1036 ha; Phú Thọ 944 ha. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 64,2 triệu cây, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2013; sản lượng gỗ khai thác đạt 1190 nghìn m3, tăng 5,2%; sản lượng củi khai thác đạt 7,6 triệu ste, tăng 2,7%.

Thời tiết đang mùa khô hạn nên nhiều vùng có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Tính đến trung tuần tháng Ba, diện tích rừng bị thiệt hại ước tính 600 ha, trong đó diện tích rừng bị cháy là 508 ha, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước; diện tích rừng bị phá là 92 ha tăng 64,8%. Một số tỉnh có nhiều diện tích rừng bị cháy là: Lạng Sơn 67 ha; Yên Bái 64 ha; Bình Thuận 48 ha; Sơn La 44 ha. Theo thông tin cảnh báo cháy rừng ngày 20/3/2014 từ Cục Kiểm lâm, trên địa bàn cả nước có 22 tỉnh có khu vực nguy cơ cháy rừng cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm. Trước nguy cơ tiềm ẩn cháy rừng cao ở nhiều địa phương, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2014 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.

Thủy sản

Tổng sản lượng thủy sản 3 tháng đầu năm ước tính đạt 1185,2 nghìn tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 870,8 nghìn tấn, tăng 1,6%; tôm đạt 118,2 nghìn tấn, tăng 8,6%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng 3 tháng ước tính đạt 497,9 nghìn tấn, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó cá đạt 346,8 nghìn tấn, giảm 4%; tôm đạt 87,5 nghìn tấn, tăng 10,1%. Do sản xuất cá tra thua lỗ kéo dài trong thời gian qua nên diện tích và sản lượng những tháng đầu năm nay giảm so với cùng kỳ năm trước. Một số tỉnh có sản lượng cá tra 3 tháng đầu năm giảm nhiều là: An Giang đạt 45 nghìn tấn, giảm 6,3%. Vĩnh Long đạt 26,1 nghìn tấn, giảm 7%; Bến Tre đạt 24 nghìn tấn, giảm 46%; Cần Thơ đạt 20,4 nghìn tấn, giảm 24%. Tình hình nuôi trồng cá tra hiện nay có xu hướng khả quan hơn do giá cá tra nguyên liệu tăng và ngân hàng giảm lãi suất, tạo điều kiện cho các hộ đầu tư thả nuôi cá tra trở lại.

Nuôi tôm tại các địa phương phát triển theo hướng giảm diện tích nuôi tôm sú và tăng nhanh diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng. Đây là loại tôm cho năng suất cao, ít dịch bệnh, có thể nuôi từ 2 đến 3 vụ một năm và có thị trường xuất khẩu ổn định. Một số tỉnh có diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 3 tháng tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2013 là: Sóc Trăng 6113 ha, tăng 167%; Cà Mau 3704 ha, gấp 5 lần; Trà Vinh 1828 ha, gấp 4 lần; Bạc Liêu 1573 ha, tăng 118%; Long An 1338 ha, tăng 65%. Tuy nhiên, hiện nay việc mở rộng nhanh diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng vẫn theo cách tự phát, chưa có quy hoạch và thiếu sự quản lý cũng như đầu tư về thủy lợi, cùng với nguồn giống, thức ăn chưa được kiểm soát gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sinh trưởng của tôm. Do đó các địa phương cần xây dựng kế hoạch cụ thể, tăng cường tập huấn, tuyên truyền cho người nuôi thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm đạt hiệu quả cao.

Sản lượng thủy sản khai thác 3 tháng ước tính đạt 687,3 nghìn tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 524 nghìn tấn, tăng 5,6%; tôm đạt 30,7 nghìn tấn, tăng 4,8 %. Khai thác thủy sản biển 3 tháng đạt 648,9 nghìn tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2013. Sản lượng thuỷ sản khai thác trong kỳ đạt khá chủ yếu do thời tiết tương đối thuận lợi cho các chủ tàu, thuyền ra khơi đánh bắt. Một số địa phương có sản lượng khai thác biển đạt khá là: Kiên Giang 112 nghìn tấn, tăng 13% cùng kỳ năm trước; Ninh Thuận đạt 37,8 nghìn tấn, gấp 3 lần; Sóc Trăng 13 nghìn tấn, tăng 7,2%. Khai thác cá ngừ đại dương vẫn tiếp tục giảm do mùa khai thác trước bị thua lỗ nhiều, ngư dân chuyển sang làm nghề khác: Phú Yên đạt 1226 tấn, giảm 40,3%; Bình Định đạt 1700 tấn, giảm 40,4%, Khánh Hòa đạt 502 tấn, giảm 3,5%.

Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2014 - Ảnh 1